-"Chuyện gặp gỡ trao đổi ở hành lang không mang lại lợi ích cá nhân cho các ĐBQH. Hầu như ĐBQH chỉ gặp gỡ để truyền tải những thông tin được cử tri gửi gắm, kiến nghị, chứ không xin gì riêng cho mình", ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ về "nghề nghị sĩ".

Không chê bai, phán xét

Theo dõi các kỳ họp Quốc hội vừa qua, đặc biệt các phiên họp trực tiếp trên nghị trường và thảo luận ở các ủy ban, hầu như các ý kiến ông phát biểu đều được báo giới trích dẫn bởi tính chất thẳng thắn, nêu được vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, như chuyện tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng, biển đảo...  Vậy ông có phải cân nhắc điều gì trước mỗi lần phát biểu?

- Tôi phải rất cân nhắc rất kỹ cả về lý lẫn về tình chứ.

Thứ nhất, phải suy xét kỹ xem vấn đề mình đưa ra đúng - sai như thế nào.  Để biết điều này thì tôi phải đối chiếu trên căn cứ luật pháp và đường lối chính sách của Đảng. 

{keywords}
"Cử tri biết và thấy ngay". Ảnh: Lê Anh Dũng

Nên nhớ rằng từng ĐBQH phải chịu áp lực rất lớn. Bởi khi phát biểu xong, có thể chính các ĐBQH khác cũng có quyền hỏi hay chất vấn lại anh. Rồi đi tiếp xúc cử tri có thể ngay chính người dân họ cũng sẽ lại căn vặn xem liệu ông nói như thế là dựa vào đâu, có đúng không... Nói chung luôn luôn phải có sự chủ động và có thể nói là phải phòng thủ sẵn các lý lẽ.

Thứ hai, khi chọn được vấn đề rồi thì lại phải cân nhắc xem nên đặt vấn đề như thế nào cho hợp lý nhất?  Đã là ĐBQH thì phải luôn luôn đặt vấn đề với tinh thần xây dựng chứ không nhằm mục đích truy bức, truy vấn hay phán xét ai.

Muốn như vậy, anh phải có cái nhìn khách quan với đối tượng mà mình đưa ra chất vấn hoặc nêu ý kiến. Tôi cho rằng không phải chỉ ĐBQH mới biết lo cho dân cho nước.

Khi nhìn nhận trách nhiệm của các bộ ngành thì ngay chính ĐBQH cũng phải xem xét trách nhiệm của mình. Tôi luôn đứng từ góc độ như thế này. Hầu như mọi vấn đề, rồi các dự án luật mà cơ quan hành pháp trình ra Quốc hội thì từng ĐBQH đều thể hiện thái độ, thông qua biểu quyết, rồi thông qua góp ý kiến. Từ đề án tái cơ cấu nền kinh tế cho đến sức khỏe của khu vực DNNN, nông nghiệp nông thôn....

Mà một khi chính QH đã thể hiện thái độ và nêu ý kiến với các vấn đề như vậy rồi thì tiến tới anh định sẽ giám sát như thế nào, làm gì tiếp theo để tránh xảy ra những hiện tượng tiêu cực tương tự. Trong từng vấn đề, trách nhiệm của QH đến đâu. Nhìn nhận như vậy sẽ phải thấy trách nhiệm với các vấn đề của đất nước phải là trách nhiệm chung.

Không nên đứng ra bên ngoài để chê bai hay phán xét ai.

Cứ cục bộ, cá nhân là không hay

Theo dõi các phiên thảo luận về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri  phàn nàn rằng, có cảm giác hình như một số ĐBQH thường phát biểu câu chuyện ở địa phương nhiều hơn là vấn đề chung của đất nước, và như vậy có vẻ như tính cục bộ địa phương vẫn còn khá nặng. Ông nghĩ sao?

- Một số người họ nghĩ như vậy thật đấy. Nhưng tôi cũng xin giải thích là các hoạt động của ĐBQH trước tiên phải đảm bảo đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri. Làm gì, nói gì cũng phải xuất phát từ sự gửi gắm, tin tưởng của các cử tri đã bầu ra mình.

Trên diễn đàn chung, nếu các ĐBQH có nói đến vấn đề lợi ích của địa phương cũng là chuyện hết sức bình thường. Và những người chịu trách nhiệm hoạch định chính sách ở tầm quốc gia sẽ phải lắng nghe để chắt lọc, tổng hợp lại để xây dựng thành chính sách riêng của bộ ngành.

Bởi vậy, sẽ không có gì lạ nếu nghe thấy trên diễn đàn Quốc hội người ta nói vấn đề địa phương.  Ngoài ra, nhiều đại biểu họ cũng đề cập đến những vấn đề cốt lõi khác của đất nước, với cái nhìn rất sâu sắc, đầy sức thuyết phục.

Mà tựu chung lại, thì dù nói vấn đề gì, cái chung hay cái riêng thì cũng đều phải xuất phát tự thân từ chính lợi ích của những người đã bầu ra mình, chứ nói đến chuyện cục bộ cá nhân là không hay. Cử tri người ta sẽ biết và thấy ngay.

Tuy nhiên để xoay chuyển ngay được tình thế là không dễ. Thậm chí mỗi vấn đề đưa ra cũng cần thời gian giải quyết và nhiều khi còn kéo dài suốt nhiều nhiệm kỳ. Ông có thấy áp lực không nếu mỗi lần đi tiếp xúc cử tri mà bị chất vấn đi chất vấn lại?

- Đề xuất của cử tri năm này qua năm khác thường vẫn rất nhiều. Mà tất cả đều là vấn đề bức xúc, không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Có vấn đề vướng bởi cơ chế, chính sách, có vấn đề lại là chuyện thẩm quyền chỗ nọ chỗ kia hoặc đạo luật, chính sách. Nhất là những tình nghèo, khó khăn, phải phụ thuộc ngân sách Trung ương thì lại càng phải đợi chờ nhiều...

Tuy nhiên, sau mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều gửi kiến nghị lên bộ, ngành và sau đó đều nhận được phản hồi tích cực trở lại. Có những vấn đề do đích thân bộ trưởng trả lời. Có  những vấn đề được giải quyết ngay, những vấn đề khác phải làm theo lộ trình hoặc vướng mắc ở đâu đó cần có thời gian giải quyết.

{keywords}
"Gặp ở hành lang nghị trường, nhiều trường hợp phát huy tác dụng tốt". Ảnh: Lê Anh Dũng

Thời gian gần đây, việc trả lời kiến nghị của cử tri đã được thực hiện kịp thời, tích cực hơn nhiều. Do đó, mỗi lần tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì chúng tôi cũng đều báo cáo công khai hết các thông tin, đăng cả trên công báo địa phương.

Chẳng hạn, đầu kỳ họp Quốc hội thứ năm vừa qua, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ và trao đổi bên hành lang với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về câu chuyện thủy điện trên sông Mã  và Phó Thủ tướng đã nghe rất chăm chú,  có ý kiến trao đổi lại luôn và giao cho Bộ Công thương xem xét cụ thể.

Bởi thực chất, ĐBQH không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ là người truyền đạt tiếng nói người dân tới cơ quan chức năng rồi sau đó giám sát, đốc thúc vậy thôi.

Chúng tôi cũng phải... tranh thủ

Có vẻ như ngoài kênh trao đổi trực tiếp trên nghị trường thì những cuộc gặp gỡ tiếp xúc riêng với lãnh đạo các bộ ngành ở hành lang phiên họp cũng phát huy tác dụng?

- Chúng tôi cũng phải rất tranh thủ. Bởi vì nếu cử tri đang gửi gắm những vấn đề gì đó mà chưa có dịp được nói trên hội trường thì chúng tôi cũng phải tranh thủ gặp gỡ bên ngoài lãnh đạo các bộ ngành để trình bày vấn đề. Việc gặp các vị để nói chuyện, trao đổi cũng rất thoải mái. Trong nhiều trường hợp cũng phát huy được tác dụng tốt.

Nếu vậy ông có e ngại rằng tình cảm riêng tư sẽ chi phối đến phát biểu hay chất vấn với các vị bộ trưởng trên nghị trường?

-  Những câu chuyện gặp gỡ trao đổi ở hành lang nói chung không mang lại lợi ích cá nhân cho các ĐBQH và cũng không phải ai cũng gặp gỡ để trao đổi các vấn đề riêng tư. Hầu như ĐBQH chỉ gặp gỡ để truyền tải những thông tin được cử tri gửi gắm, kiến nghị, chứ không xin gì riêng cho cá nhân mình.

Dĩ nhiên, từng ĐBQH cũng là con người thôi, cũng đôi khi cần đến sự giúp đỡ từ những người có thẩm quyền. Nhưng nói như thế không có nghĩa điều này sẽ chi phối đến việc anh không còn dám nói gì trên nghị trường.


Hôm nay  (21/10) bắt đầu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13. Đây là một trong các kỳ họp tương đối dài (40 ngày), với nhiều nội dung lớn, như thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, Luật Đất đai, bàn kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm...

Sẽ có 22 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, có 30 báo cáo được gửi đến các đại biểu.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam 

Bài cùng tác giả

Khi Bộ trưởng được mồi câu hỏi

Chỉ cần dăm câu hỏi dạng này được nêu lên, chẳng mấy chốc mà bộ trưởng "trả bài" xong suôn sẻ. Vậy là hết giờ, nhường ghế nóng lại cho người khác. 

Cuộc bỏ phiếu kép lịch sử

Nếu QH trực tiếp đánh giá tín nhiệm từng chức danh lãnh đạo thì người dân cũng sẽ gián tiếp định lượng mức tín nhiệm với chính các đại biểu. Có thể nói đây là một cuộc bỏ phiếu "kép".