-Lại một kỳ họp nữa của Quốc hội, cũng có nghĩa là thêm một lần các vị đại biểu thay mặt dân nghe báo cáo và bàn thảo về công tác phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh các văn bản quen thuộc, gồm báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ và thẩm tra nội dung này của Ủy ban Tư pháp, kỳ này còn có thêm báo cáo về kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” trong danh mục tài liệu gửi đại biểu tự nghiên cứu.

Cho dù mức độ đậm đà khác nhau, song các bản báo cáo này cũng đều phản ánh sự bức xúc, bất bình của dân trước “quốc nạn” tham nhũng, vốn luôn được “nối mạch” tại hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, từ nhiệm kỳ Quốc hội trước đến nhiệm kỳ sau.

{keywords}
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, vấn đề chống tham nhũng đã được thảo luận tích cực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tròn một năm trước, nghị trường đã chứng kiến những phiên thảo luận đầy khí thế bàn cách “đánh” tham nhũng mới khi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không còn quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng làm trưởng ban.

Khi đó, đại biểu Trần Đình Nhã đã đề nghị phải thay đổi cách đánh và người đánh với tinh thần "chống một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng”. Bởi tham nhũng không chỉ thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước mà đang thách thức Quốc hội, và nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân.

Một năm qua, từ sau các phiên thảo luận đầy khí thế ấy, và 9 tháng qua từ khi thay đổi mô hình chỉ đạo phòng chống tham nhũng, dường như các đối tượng tham nhũng đã “khôn” hơn.

Tại báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Chính phủ đánh giá: “tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện”.

Tham nhũng không giảm, nhưng số người đúng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng thì giảm tới 14% so với cùng kỳ năm trước. Cho biết trong 41 trường hợp đã xử lý thì có 4 người bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, song báo cáo của Chính phủ tuyệt nhiên không nêu danh tính của bất kỳ vị nào.

Điều này đã khiến cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ - dù không muốn vẫn phải tiếp tục nhắc lại trong báo cáo thẩm tra. Rằng: “Điều đáng lưu ý là qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt”.

Như vậy là “quá tam ba bận”, cơ quan thẩm tra đã liên tục “đòi” địa chỉ chống tham nhũng chưa tốt từ Chính phủ, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ngoài vấn đề nêu trên, Ủy ban Tư pháp còn “phê” báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ, cụ thể việc Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng như thế nào, để thấy sự chuyển biến của công tác này do thay đổi mô hình chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Trở lại phiên bàn thảo đánh tham nhũng một năm trước, không ít vị đại biểu đã đề nghị phải thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng để “bắt những ông lớn”. Vì “Con mèo nó ăn miếng mỡ thì đã bắt được rồi, còn con cọp bắt con heo thì chưa ai bắt được”.

Quốc hội chưa có cơ quan độc lập để chống tham nhũng, song việc ra đời của Ban Nội chính Trung ương cũng chứa đựng không ít kỳ vọng của cử tri vào các “trận đánh lớn” với tội phạm tham nhũng.

Nhưng, kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” của Ủy ban Tư pháp vừa báo cáo Quốc hội chỉ ra rằng, số các vụ án tham nhũng phát hiện được qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lại chủ yếu là ở xã, phường, thôn, bản với những vụ việc nhỏ lẻ. Việc phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm có liên quan tới tham nhũng của lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên là rất ít;

Ở một số địa phương, trong hơn 2 năm chỉ phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng (như Bình Dương, Hải Dương, Bến Tre, Đà Nẵng, Điện Biên...), Ủy ban Tư pháp dẫn chứng.

Phát hiện đã khó, nhưng kết quả giám sát lại cho thấy trong xét xử có nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm tới 80% thậm chí là 100% . Như Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 8/tổng số 9 bị cáo đã xét xử. Còn Tòa án quân sự Quân khu 3 áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt đối với 10/tổng số 10 bị cáo và tuyên cho hưởng án treo đối với 6/ 10 bị cáo đã xét xử.

Trong nhiều nguyên nhân của thực trạng phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ chưa đạt yêu cầu, Ủy ban Tư pháp cho rằng có nguyên nhân từ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, chưa nghiêm minh. Khi đa số các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm là do có liên quan trực tiếp hoặc đồng phạm với tội phạm về tham nhũng, chức vụ mà chưa xử lý đối với trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu hoặc có hành vi bao che.

Theo Ủy ban Tư pháp, việc xử lý như vậy chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đề ra là phải xử lý thật nghiêm minh đối với vi phạm và tội phạm về tham nhũng, gây hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa góp phần tích cực vào việc củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với quyết tâm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Một vị cựu quan chức Quốc hội bình luận rằng, khái niệm tồn kho nghe mãi cũng nhàm, nhưng có lẽ giải quyết “tồn kho” trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng mới là vấn đề cam go nhất hiện nay.

Bởi nó thách thức cả sự thay đổi chiến thuật lẫn quyết tâm phòng chống “quốc nạn” này.

  • Vĩnh An

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam