Mỹ đã bị chỉ trích rất nhiều vì các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Khi nền kinh tế Mỹ đang chao đảo và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong cuộc đại suy thoái 2008-2009, nhiều học giả Trung Quốc đã khởi xướng “làn sóng bình luận về sự suy tàn của nước Mỹ”.[1]

Một chuyên gia cho rằng đỉnh cao sức mạnh Mỹ là vào năm 2000. Không chỉ có Trung Quốc nghĩ như vậy về Mỹ. Goldman Sachs đã dự đoán thời điểm nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ là vào năm 2027.

Trong cuộc thăm dò năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đại đa số hay số đông 13/25 quốc gia tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới. [2] Thậm chí trong năm 2002, Hội đồng Tình báo Quốc gia của Chính phủ Mỹ cũng dự đoán rằng tới năm 2025 thế thống trị của Mỹ sẽ bị suy yếu đáng kể. [3]

Vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng tới sức mạnh của nước Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng không phải một đòn chí mạng nếu, trái ngược với Nhật Bản những năm 1990, Washington hành động nhanh chóng để hạn chế mất mát và thiệt hại.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn đánh giá nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh thứ hai trên thế giới (sau Thụy Sỹ) bởi tính năng động của thị trường lao động, nền giáo dục đại học, sự ổn định chính trị và sự cởi mở với sáng tạo, trong khi Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ 29. [4] Trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ Nano và thế hệ World Wide Web thứ hai, Mỹ vẫn đứng hàng đầu.

Một vài nhà phân tích tin tưởng rằng thành công ấn tượng của Trung Quốc khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và gia tăng dự trữ  đô la đã làm tăng đáng kể sức mạnh của Trung Quốc so với Mỹ. Nhưng một phân tích kỹ lưỡng sẽ  xem xét cẩn thận mối quan hệ giữa sự phụ  thuộc lẫn nhau và quyền lực. Sự phụ thuộc lẫn nhau bao gồm sự nhạy cảm trong ngắn hạn và  tính dễ bị tổn thương về dài hạn. [5]

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và quyền lực

Sự nhạy cảm liên quan tới quy mô và tốc độ ảnh hưởng của sự phụ thuộc lẫn nhau; cụ thể là, khi một phần của hệ thống thay đổi thì sẽ dẫn tới thay đổi ở phần còn lại của hệ thống nhanh chóng đến mức nào? Ví dụ, năm 1998, khi các thị trường mới nổi ở Châu Á bị suy yếu đã có ảnh hưởng lan truyền, làm các thị trường mới nổi khác cũng bị ảnh hưởng, cho dù ở khoảng cách địa lý xa xôi như Brazil hay Nga. Tương tự, vào tháng 9 năm 2008, sự sụp đổ của Lehman Brothers ở New York cũng nhanh chóng tác động tới các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, khả năng dễ bị  tổn thương cao không giống với tính nhạy cảm cao. Tính dễ bị tổn thương liên quan tới những chi phí  tương đối khi thay đổi cấu trúc của một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Tính dễ bị tổn thương tạo ra nhiều quyền lực hơn trong các mối quan hệ hơn so với sự nhạy cảm. Một quốc gia ít bị tổn thương hơn quốc gia khác không đồng nghĩa với việc quốc gia đó ít nhạy cảm hơn, mà là quốc gia đó sẽ chịu ít thiệt hại hơn khi tình hình thay đổi.

  {keywords}

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5.Ảnh: Wordpress

Năm 1998, Mỹ đã nhạy cảm nhưng không dễ bị tổn thương bởi tình trạng kinh tế ở Đông Á. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á đã khiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ giảm 0,5%, nhưng với một nền kinh tế bùng nổ thì điều đó cũng không gây mấy khó khăn cho quốc gia này. Nhưng trái lại, Indonesia là một quốc gia vừa nhạy cảm, vừa dễ bị tổn thương với những thay đổi trong mẫu hình thương mại và đầu tư toàn cầu. Nền kinh tế của Indonesia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này dẫn tới những xung đột chính trị trong nước. Tính dễ bị tổn thương cũng có các mức độ khác nhau. Năm 2008, do tình trạng bong bóng của thị trường thế chấp dưới chuẩn và thâm hụt gia tăng, Mỹ đã tỏ ra dễ bị tổn thương hơn nhiều so với một thập kỷ trước khi nền kinh tế Mỹ đang ở thời kỳ hưng thịnh.

Tính đối xứng là khái niệm chỉ  tình hình tương đối cân bằng, trái với sự chênh lệch, phụ thuộc. Việc ít bị phụ thuộc có thể là một nguồn tạo ra quyền lực. Nếu hai bên phụ thuộc lẫn nhau nhưng một bên ít phụ  thuộc hơn thì bên đó sẽ có một nguồn quyền lực lớn hơn với điều kiện cả hai bên  đều trân trọng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó. Thao túng một cách khéo léo tính bất đối xứng trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là một khía cạnh quan trọng của quyền lực kinh tế. Một quan hệ đối xứng tuyệt đối là rất hiếm gặp; do đó, trong hầu hết các trường hợp, mối quan hệ  phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thường bao gồm một mối quan hệ về quyền lực tiềm  ẩn.

Trong những năm 1980, khi Tổng thống Ronald Reagan cắt giảm thuế và tăng chi ngân sách, Mỹ  đã trở nên phụ thuộc vào nguồn vốn nhập khẩu từ Nhật Bản để cân đối ngân sách chính phủ liên bang. Một vài người cho rằng điều này  đã trao cho Nhật Bản một quyền lực to lớn đối với nước Mỹ. Nhưng ngược lại, Nhật cũng sẽ tự  làm tổn hại đến chính mình nếu ngừng việc cho Mỹ  vay vốn. Nền kinh tế của Nhật chỉ bằng hơn một nửa nền kinh tế Mỹ, và điều này có  nghĩa là Nhật cần thị trường xuất khẩu của Mỹ hơn là Mỹ cần điều đó  ở Nhật, mặc dù cả hai đều cần nhau và  đều hưởng lợi từ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó.

Ngày nay, mối quan hệ tương tự  cũng xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ chấp nhận hàng nhập khẩu Trung Quốc, thanh toán cho Trung Quốc bằng đô la, và Trung Quốc dự trữ đô la Mỹ  và trái phiếu chính phủ Mỹ, thực tế là  cho Mỹ vay nợ. Trung Quốc đã dự trữ  được khoảng 2.500 tỷ đô la Mỹ trong kho dự  trữ ngoại hối, phần lớn dưới dạng Trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Một số nhà quan sát  đã miêu tả điều này như là một bước chuyển lớn trong cán cân sức mạnh toàn cầu vì Trung Quốc có thể khuất phục Mỹ bằng cách đe dọa sẽ bán đô la.

Nhưng khi làm như vậy, Trung Quốc sẽ không chỉ làm giảm giá trị của kho dự trữ ngoại hối của mình vì giá đô la giảm, mà còn có thể khiến Mỹ ngừng nhập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc mất việc làm và bất ổn ở Trung Quốc. Nếu bán tháo đô la, Trung Quốc có thể hạ bệ Mỹ nhưng chính Trung Quốc cũng sẽ phải chịu thiệt hại thê thảm hơn.

Việc đánh giá liệu sự phụ  thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ tạo ra quyền lực hay không đòi hỏi phải xem xét sự cân bằng trong mối quan hệ bất đối xứng, chứ không chỉ  một vế của phương trình. Trong trường hợp này, sự  bất đối xứng cho thấy có một sự “cân bằng sợ hãi về tài chính”, tương tự như  mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về quân sự  thời kỳ Chiến tranh Lạnh (hay tình trạng hủy diệt lẫn nhau chắc chắn) mà trong đó Mỹ và Liên Xô đều có tiềm năng hủy diệt bên kia bằng chiến tranh hạt nhân nhưng cả hai đều không làm điều đó.

Vào tháng 2 năm 2010, vì tức giận trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, một nhóm quan chức quân đội cấp cao đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ Mỹ để trả  đũa, nhưng đề nghị của họ đã không được chú ý tới. [6] Thay vào đó, Dịch Cương, Cục trưởng Cục quản lý Ngoại hối Quốc gia giải thích rằng “Đầu tư của Trung Quốc vào trái phiếu Mỹ là một hành vi đầu tư mang tính thị trường và chúng tôi không có ý định chính trị hóa điều đó”. [7] Nếu Trung Quốc làm như vậy, thì cả hai sẽ phải chịu tổn thất.

Tuy nhiên, sự cân bằng này cũng không đảm bảo sự ổn định. Không chỉ có  mối nguy hiểm của những sự kiện bất ngờ, mà  còn có việc cả hai quốc gia khéo léo thay đổi khuôn khổ hiện tại và giảm bớt tính dễ  tổn thương của mình. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã gây sức ép với Trung Quốc nâng giá  đồng nhân dân tệ để giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ và sự mất cân đối đồng đô la. Cùng lúc đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu đưa ra những tuyên bố về  việc Mỹ cần phải tăng tiết kiệm, giảm bớt thâm hụt và hướng tới một tương lai về lâu dài mà ở đó đồng đô la phải được bổ  sung bởi quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế như là một loại tiền tệ  dự trữ. Nhưng ngoài việc chỉ trích thì Trung Quốc cũng chưa có hành động đáp trả nào  đặc biệt.

Sức mạnh tài chính tăng lên có thể  giúp Trung Quốc khước từ những yêu cầu từ Mỹ, nhưng bất chấp những lời tiên đoán thẳng thừng về sức mạnh của các chủ nợ Trung Quốc, sức mạnh này cũng chẳng giúp gì cho khả năng của Trung Quốc trong việc buộc Mỹ phải thay đổi những chính sách của mình. [8] Trong khi không mấy nỗ lực để hạn chế việc nắm giữ đồng đô la, Trung Quốc cũng không sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong việc cho phép đồng tiền của mình được hoàn toàn chuyển đổi vì những lý do chính trị trong nước. Do đó, đồng nhân dân tệ vẫn không thể thách thức đô la Mỹ với vai trò là loại tiền được dự trữ lớn nhất trên thế giới (trên 60%) trong vòng thập kỷ tới.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc dần tăng tiêu dùng trong nước hơn là dựa vào xuất khẩu để làm động lực tăng trưởng kinh tế, các lãnh đạo Trung Quốc có thể bắt đầu cảm thấy ít phụ thuộc hơn so với bây giờ vào thị trường Mỹ với tư cách là một nguồn tạo việc làm, một điều rất quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Những mặc cả chính trị có thể phản ánh được sự dịch chuyển trong mức độ đối xứng giữa hai quốc gia.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn phá bỏ cán cân bất  đối xứng gắn chặt hai nước với nhau, Mỹ đã cho phép Trung Quốc tăng dần ảnh hưởng của mình trên các diễn đàn quốc tế, cũng như gây ảnh hưởng nhiều hơn lên các nền kinh tế mới nổi. Vì  thế, diễn đàn G-8 (4/8 quốc gia là Châu Âu) đã được bổ sung bởi hội nghị thượng đỉnh G-20 bao gồm các nền kinh tế đại diện cho 80% sản xuất của thế giới. Những cuộc họp như  vậy đã thảo luận nhu cầu “tái cân bằng”  các dòng chảy tài chính, thay đổi mô hình cũ về  sự thâm hụt của Mỹ trong khi Trung Quốc thặng dư. Những thay đổi đó sẽ yêu cầu những chuyển biến khó khăn về mặt chính trị trong các mô hình tiêu dùng và đầu tư trong nước, với việc Mỹ gia tăng tiết kiệm và Trung Quốc tăng tiêu dùng trong nước.

Mặc dù những thay đổi đó có  vẻ sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng, nhưng có một điều thú vị là G-20 đã  đồng ý rằng Châu Âu phải cắt giảm quyền bỏ  phiếu trong IMF, trong khi Trung Quốc và các nền kinh tế  mới nổi khác sẽ tăng dần vị thế của mình. Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của các hạn chế đối với quyền lực phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trung Quốc có thể đe dọa bán đô la và làm tổn hại nền kinh tế Mỹ, nhưng một nền kinh tế Mỹ bị suy yếu cũng có nghĩa thị trường xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp và chính phủ Mỹ cũng có thể đáp trả bằng cách tăng thuế  quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Hơn nữa, khi lĩnh vực xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi khác như  Ấn Độ và Brazil bị tổn thương bởi một  đồng nhân dân tệ bị định giá thấp, những nước này có thể sử dụng một diễn đàn đa phương như G-20 để củng cố lập trường của Mỹ chống lại Trung Quốc. [9] Không bên nào muốn nhanh chóng phá vỡ tính đối xứng của sự tương thuộc dễ bị tổn thương, thay vào đó mỗi quốc gia đều phải tiếp tục khéo léo để định hình cơ cấu và khuôn khổ thể chế của mối quan hệ thị trường giữa hai bên.

GS Joseph S. Nye Jr. 

(Nguyên hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ).

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Ngân; Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp. Tài liệu được đăng từ website nghiencuuquocte.net

Kì cuối: Thận trọng với những định hướng chính sách do dự báo sai

-----------------------------------

* Nguồn: Joseph S. Nye Jr. “American and Chinese Power after the Financial Crisis”, The Washington Quarterly, Vol. 33, No. 4, pp. 143-153.

Chú thích:

[1] Xem Fu Mengzhi, trích từ Geoff Dyer, “The Dragon Stirs,” Financial Times, 25/09/2009.

[2]Trung tâm Nghiên cứu Pew, “13 of 25 – China Will Be World’s Top Superpower,” The DataBank, n.d., http://.pewresearch.org/databank/dailynumber/?NumberID=832.

[3]Xem Hội đồng Tình báo Quốc gia, “Global Trends 2025: A Transformed World,” tháng 12/2008, http://www.dni.gov/nic/PDF_2025/2025_Global_Trends_Final_Report.pdf.

[4] Xem World Economic Forum, “The Global Competitiveness Report 2009-2010,” các trang 116, 292, 320, http://www.weforum.org/documents/GCR09/index.html

[5] Xem Robert O.Keohane và Joseph S. Nye, Jr., Power and Interdependence: World Politics in Transition (Boston, MA: Little Brown, 1977).

[6] Xem Bill Gertz, “Chinese see U.S debt as weapon in Taiwan dispute,” Washington Times, 10/02/2010, http://www.washingtontimes.com/news/2010/feb/10/chinese-see-us-debt-as-weapon/

[7]Jamil Anderlini, “China Still Keen to Buy US bonds,” Financial Times, 10/03/2010.

[8]Xem Daniel Drezner, “Bad Debts: Assessing China’s Financial Influence in Great Power Politics,” International Security 34 (Fall 2009): 7-45.

[9] Xem John Paul Rathbone, “Brics Balance Shared Interests with Rivalries,” Financial Times, 14/04/2010.