Rõ ràng, ai cũng nêu cao khẩu hiệu "phải kiểm tra, kiếm soát, cán bộ y tế cần rạch ròi công - tư" nhưng chỉ có lúc xảy ra biến cố, người bệnh mới biết mình được đối xử như thế nào và được ai bảo vệ.

Thông tin vụ việc bác sĩ Tường (BV Bạch Mai) ném xác bệnh nhân chết do tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ một lần nữa lại gây chấn động ngành y. Ngay lập tức, cơ quan chủ quản (Bệnh viện Bạch Mai) đã bày tỏ quan điểm và hướng xử lý cán bộ. Dù vụ việc này chỉ xảy ra ở phòng khám tư, chứ không phải diễn ra ngay tại bệnh viện.

Nhưng rõ ràng, động thái phản ứng nhanh của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai lại một lần nữa cho thấy chỗ đứng nhập nhèm của bác sĩ công - tư trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và sinh mệnh con người.

Bác sĩ Tường là chủ một phòng khám tư mới được cấp phép. Nhưng ai biết được, bao nhiêu người đã tìm đến vì chính "thương hiệu" phòng khám mới mở đó? Hay là bởi uy tín phòng khám đã được "bảo chứng" vì tên vị bác sĩ gắn với Bệnh viện Bạch Mai, một trong các bệnh viện đa khoa hàng đầu cả nước.  Theo luật định, việc bác sĩ ở bệnh viện công ra mở phòng khám tư không có gì sai. Hệ lụy là ở sự nhập nhèm sau đó....

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng hôm qua, một số vị ĐBQH làm trong ngành y cũng đã chia sẻ cảm xúc phẫn nộ, kinh ngạc. Cũng dễ hiểu, bởi chính tại nghị trường, khi thảo luận Luật khám chữa bệnh cách đây ít lâu, câu chuyện bác sĩ công có được làm phòng mạch tư, chuyện "chân ngoài dài hơn chân trong"... vốn đã được mổ xẻ, bàn thảo kỹ lưỡng.

{keywords}

Thông tin vụ việc bác sĩ Tường ném xác bệnh nhân gây chấn động ngành y

Khi đó, để thuyết phục nghị trường thông qua điều khoản cho phép bác sĩ công mở phòng mạch tư, các thành viên ban soạn thảo đã đưa ra đầy đủ các lý lẽ rất "hợp tình". Chẳng hạn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất cao, trong khi các cơ sở y tế Nhà nước chưa đáp ứng hết được, gây tình trạng quá tải bệnh viện. Rồi, y bác sĩ công có ra ngoài làm thêm cũng chỉ là để đáp ứng nhu cầu của xã hội, nên cần phải được tạo điều kiện bằng cách mở ra hành lang pháp lý phù hợp. Nếu cấm đoán thì họ lại tham gia khám "chui" dưới hình thức này hình thức khác, sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.v.v....

Có người còn phân tích, cán bộ y tế khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở các bệnh viện thì có quyền được làm ngoài giờ để phát huy hết chất xám. Đấy là một quyền lợi chính đáng, vừa để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, lại bù đắp được sự thiếu hụt cán bộ y tế, góp phần cải thiện đời sống ngành y. Thậm chí, không ít người còn lên tiếng cho rằng, nếu "cấm đoán" hoàn toàn, nhiều bác sĩ giỏi sẽ bỏ khu vực nhà nước để "ra riêng" làm phòng khám tư, vô tình dẫn đến chảy máu chất xám...

Những quan điểm "phản bác" lại cũng chỉ đưa ra một số băn khoăn, chẳng hạn, có hay không chuyện bác sĩ sẽ ăn bớt giờ? Có hay không việc bác sĩ công giới thiệu và "mai mối" cho bệnh nhân đến phòng khám tư của mình... Đặc biệt là, nếu cho phép bác sĩ công ra làm tư, liệu có góp phần xử lý được bài toán quá tải bệnh viện?

Thực tế, trong nhiều lĩnh vực, chuyện "chân trong chân ngoài" và rồi chân ngoài dài hơn chân trong vẫn xảy ra phổ biến. Rất nhiều trường hợp, cán bộ công chức khi đã "thành danh" ở cơ quan nhà nước sẽ đồng thời "mở mang" làm ăn thêm bên ngoài, hoặc thậm chí chuyển hẳn ra ngoài làm việc. Những người ăn nên làm ra nhờ thế cũng không hiếm.

Nhiều người không thể "kham" nổi hai việc công  - tư nên đã tách riêng để được độc lập, tự chủ và cũng tránh điều tiếng "trục lợi". Nhưng đa phần, nhất là trong các bệnh viện, thì vẫn phổ biến tình trạng "chân trong, chân ngoài". Bởi vậy mới có chuyện, cũng chính vị bác sĩ đó, nếu gặp trong bệnh viện thì mặt mũi cau có, quát nạt, vòi vĩnh bệnh nhân. Nhưng nếu người bệnh "quá bộ" rẽ vào phòng khám tư của  bác sĩ  thì lập tức sẽ được đón tiếp ân cần, mềm mỏng, thậm chí pha trò và tìm đủ mọi cách để bệnh nhân quên đi đau đớn.

Ở nhiều nước tiên tiến, chẳng hạn ngay như tại Singapore, bác sĩ muốn ra ngoài làm tư sẽ buộc phải từ bỏ công việc tại bệnh viện công. Việc rạch ròi công - tư như vậy cũng để tránh hiện tượng trục lợi, và đặc biệt là để quy trách nhiệm rõ ràng hơn mỗi khi xảy ra các sự cố y tế.  Sẽ không thể có chuyện bác sĩ "gá chân" ở bệnh viện nhà nước để lôi kéo khách hàng về cho mình hay cứ mỗi khi xảy ra sự cố phức tạp nào tại phòng khám lại "đùn" vào bệnh viện để xử lý. Và đặc biệt, với cách đối xử qua loa, khám chữa tắc trách ở bệnh viện công, người dân buộc phải chọn lựa giải pháp tìm đến các phòng khám tư để được bác sĩ khám chữa cẩn thận, tư vấn nhiệt tình hơn.

Rõ ràng, ai cũng nêu cao khẩu hiệu "phải kiểm tra, kiếm soát, cán bộ y tế cần rạch ròi công - tư" nhưng chỉ có lúc xảy ra biến cố, người bệnh mới biết mình được đối xử như thế nào và được ai bảo vệ.

  • Vĩnh Hà