Các bác sĩ công tác tại bệnh viên công ở Singapore không được phép cùng lúc làm việc ở cơ sở tư nhân. Khi họ cảm thấy đủ tự tin về năng lực và khả năng tài chính, họ có thể nghỉ việc ở bệnh viện công để đến với hệ thống tư nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp hạng Singapore là nước đứng thứ 6 trên thế giới về chất lượng chăm sóc sức khỏe. Quốc đảo nổi tiếng bởi chất lượng chẩn đoán và điều trị tốt, dịch vụ phục vụ bệnh nhân hoàn hảo và cạnh tranh về giá cả điều trị.

Cuộc di cư ngược

Sự cạnh tranh cao giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công cộng, độ minh bạch về chi phí là điều thường được nhắc tới trong câu chuyện thành công của y tế quốc đảo. Các bác sĩ công tác tại bệnh viên công ở Singapore không được phép cùng lúc làm việc ở cơ sở tư nhân. Khi họ cảm thấy đủ tự tin về năng lực và khả năng tài chính, họ có thể nghỉ việc ở bệnh viện công để đến với hệ thống tư nhân.

Tại quốc gia nổi tiếng về minh bạch này, không có chuyện thừa bác sĩ ở bệnh viện nhà nước lớn mà thiếu tại các cơ sở khám chữa bệnh địa phương; không có tình trạng bác sĩ công tác ở bệnh viện công dù đồng lương bèo bọt vẫn cố lao vào bệnh viện có tiếng để bám trụ, chủ yếu để lấy danh tiếng và vị trí nhằm gây dựng phòng khám tư nhân.

Chính sự phân biệt rõ ràng giữa hệ thống bệnh viện công và tư mà giới chức quốc đảo giờ lại phải đau đầu đối phó chuyển “chảy máu chất xám”, khi nhiều bác sĩ đầu ngành bỏ việc công. Bộ Y tế Singpore đang xem xét cải tổ hệ thống y tế công như nâng lương bác sĩ, y tế, nhân viên y tế để thu hút lực lượng lao động. Bộ này cũng cân nhắc chuyện cải tổ môi trường làm việc, đảm bảo cung cấp quy trình hoạt động và thăng tiến sự nghiệp tốt hơn.

{keywords}
Ảnh: Wordpress
Tuy nhiên, tiền không phải là lý do duy nhất của “cuộc di cư ngược” nói trên. Nhiều nhà quan sát cộng đồng và chuyên gia y tế cho rằng, các nhân tố thực sự là khối lượng làm việc quá tải, sự bất mãn với những đổi thay trong hệ thống y tế công những năm qua. Họ đến với tư nhân bởi coi nó như là “tiến trình phát triển sự nghiệp tự nhiên”, được giảm tải công việc, tiếp tục cống hiến khi quá tuổi về hưu, và dành thời gian chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn. Một bác sĩ đã gần 20 năm công tác tại bệnh viện công nói rằng: "Tôi đã tuyên thệ lời thề Hippocratic vì một lý do – tôi muốn chăm người bệnh”.

Bác sĩ phẫu thuật tim mạch T. Agasthian, 49 tuổi  cho hay, ông có nhiều lý do đằng sau quyết định rời Trung tâm Ung thư Quốc gia để mở cơ sở riêng của mình. Trong số đó có khát khao muốn cống hiến sau khi về hưu. “Bạn không thể bắt đầu ở tuổi 62. Cần phải có thời gian để tạo lập phòng mạch tư”. Giáo sư Leong nắm vai trò giảng dạy ở trường đại học cũng có kế hoạch cho tương lai. “Đây là lúc cần bắt đầu thứ gì mới trước khi tôi quá già”. Theo ông, có những người rời ngành ra đi là vì “một cuộc sống chất lượng hơn”. Họ có thể làm việc bán thời gian, có những chọn lựa riêng cho thời gian làm việc của mình.

Theo lời một bác sĩ đã rời bệnh viện công đến với tư nhân được ba năm nay thì, cùng một số tiền kiếm được hoặc hơn, bác sĩ tư sẽ chỉ phải điều trị cho một nửa số bệnh nhân so với trong các bệnh viện công. Chính sự quá tải trong bệnh viện công đã đặt bác sĩ trước rủi ro phạm nhiều sai lầm nghề nghiệp và bị bệnh nhân khiếu nại.

Shopping điều trị

Với người dân Singapore hay khách du lịch khám chữa bệnh tới quốc đảo này, điều quan trọng hàng đầu là đảm bảo rằng, bác sĩ điều trị cho họ có đăng ký hành nghề với Hội đồng Y khoa Singapore (SMC). Bệnh nhân có thể tìm kiếm danh sách bác sĩ, nhân viên y tế bằng cách truy cập trang web của hội đồng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Tại đây, họ cũng có thể tiếp cận thông tin xử lý kỷ luật với bác sĩ, nhân viên y tế nếu vi phạm.

SMC trực thuộc bộ Y tế Singapore (MOH), chịu trách nhiệm quản lý, điều chỉnh hành vi đạo đức và thực tiễn hoạt động của người thực hành nghề y bằng cách xử lý, điều tra khiếu nại của bệnh nhân, thực hiện các chương trình nâng cấp chuyên môn cho thành viên đăng ký.

SMC đã lập một uỷ ban điều tra bất kỳ khiếu nại nào đối với người thực hành nghề y, hay bất kỳ thông tin nào nhận được từ Hội đồng y khoa liên quan tới việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp y khoa. Kể từ năm 2008, the MOH và SMC đã thực hiện các quy định và chỉ dẫn chi tiết chặt chẽ với người thực hành nghề y. Kết quả là số lượng khiếu nại từ bệnh nhân giảm đáng kể.

Đặc biệt, các bệnh nhân tại Singapore giờ đây có thể tìm đến trang web của bộ Y tế để “so sánh, chọn lựa giá cả”. Danh sách chi phí điều trị của hàng loạt bệnh viện công và tư nhân tại Singapore được hiển thị rõ ràng trên trang này. Mỗi bệnh viện cũng thống kê danh sách trung bình thời gian bệnh nhân ở lại bệnh viện cho từng quá trình điều trị, cũng “kích cỡ” hoá đơn bệnh nhân có thể chi trả. Dữ liệu thường được cập nhật từng tháng.

Hình mẫu cho các nước đang phát triển

Singapore giờ đây chi tiêu chưa đầy 1% GDP cho y tế, ít hơn nhiều so với Ấn Độ - nơi hệ thống y tế công còn rất nghèo nàn. Theo tiến sĩ William Haseltine - chủ tịch và giám đốc điều hành ACCESS Health International một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận hoạt động vì nâng cao chất lượng y tế thế giới - thì, đảo quốc là ví dụ tuyệt vời cho các nước đang phát triển vì lãnh đạo đã có tầm nhìn thông qua một hệ thống phát triển ban đầu phù hợp, về sau mở rộng nó ngang tầm những quốc gia phát triển.

“Singapore đã đi đúng con đường”, Tiến sĩ Haseltine đánh giá. “Và bài học với những nước mới nổi là Singapore không khởi đầu từ giàu có”. Khi ra khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, chính phủ do ông Lý Quang Diệu dẫn dắt đã bắt đầu từ con số không để đi lên và đạt được thành tựu tuyệt vời trong y tế. Đầu tiên, họ đầu tư vào y tế cơ bản và những trạm y tế chi phí thấp, chú ý vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, vắc xin và hệ thống vệ sinh, phần lớn đều miễn phí.

{keywords}
Ảnh: Wordpress

“Bài học đầu tiên là làm những gì phù hợp với khả năng vào từng thời điểm, nhưng lại tư duy về tác động lâu dài từ bước đi đầu tiên ấy”, ông Haseltine nhấn mạnh trong sự so sánh với các quốc gia láng giềng cùng thời điểm khi thông qua các hệ thống có thể không đủ khả năng chi trả, kiểu như Philippines. “Chính phủ Singapore đã không xây dựng hệ thống đẳng cấp số một ngay từ lúc bắt đầu vì họ biết, họ không đủ khả năng”.

Hai thập kỷ sau, khi Singapore trở thành nước thu nhập trung bình và luôn chi tiêu trong giới hạn ngân sách nhà nước, chính phủ đã cải tổ hệ thống và bắt đầu tập trung nhiều hơn vào chất lượng dịch vụ, rồi dần tiến tới mô hình như ngày nay.

Đầu những năm 1980, Singapore bắt đầu nhận thấy các vấn đề tương lai trong hệ thống y tế công cộng như Mỹ - nơi hầu hết mọi người không đủ khả năng chi trả chăm sóc sức khoẻ hay châu Âu – nơi các nước cạn kiệt tiền vì chi phí bảo hiểm miễn phí.

Đó là khi chính phủ “nhận ra yêu cầu cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể” để đi tới thành công như hôm nay. Hiện tại, quốc đảo chi khoảng 1% GDP, người dân cá nhân chi 3% và số còn lại đến từ các quỹ tiết kiệm, chương trình bảo hiểm nhà nước, … cho y tế. “Đó là một hệ thống tuyệt vời với chi phí vừa phải. Và các nhà lãnh đạo chính trị ở những nước phát triển khác cần nhìn nhận tương tự”, Haseltine nói.

Theo vị tiến sĩ này, các nước cần theo mô hình của Singapore khi chính phủ đóng vai trò dẫn dắt những dịch vụ y tế ngay từ khi bắt đầu, cho dù ở hầu hết quốc gia trỗi dậy, lĩnh vực công thường có tham nhũng và kém hiệu quả. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, chính phủ bị “loại trừ” khỏi cải cách y tế.  “Chính sách của chính phủ, nếu được xây dựng tốt, có thể tạo ra khác biệt lớn, và Singapore là một ví dụ .  Trong mọi trường hợp, phủ nhận vai trò chính phủ là một sai lầm”.

Bảo Đức