ĐBQH không thể vô can
Trong các kỳ họp Quốc hội, báo cáo đánh giá tình hình phát triển KTXH là do Chính phủ đọc, còn báo cáo giám sát do Quốc hội chuẩn bị. Đây có thể coi là một sự ủy quyền của người dân với Quốc hội.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, khi mổ xẻ về các yếu kém hiện nay, thì ĐBQH cứ như người vô can. Do đó, theo tôi, việc cần làm đầu tiên là giám sát chính các ĐBQH.
Lâu nay, một trong những yếu tố đang chi phối đến các hoạt động của Chính phủ là mối quan hệ xin - cho. Người ta từng nói, Vinashin không đáng ngại bằng Vina… cho. Chính phủ là người được ủy nhiệm để xử lí, phân bổ ngân sách. Và trên thực tế, mối quan hệ xin - cho đã tác động đến nhiều hoạt động đời sống.
Nhưng suy cho cùng, trách nhiệm cũng là của các ĐBQH. Bởi ĐBQH là người chịu trách nhiệm chính khi thông qua đề xuất phân bổ ngân sách, đồng thời là người giám sát chi tiêu ngân sách. Nếu chúng ta giám sát tốt, thực thi hết trách nhiệm của mình thì sẽ tạo ra một môi trường tốt, trong sạch.
Chính phủ có nhiệm vụ hoạch định kinh tế vĩ mô, nhưng bên cạnh đó cũng nên dành thời lượng cung cấp thêm các báo cáo chi tiết cho ĐBQH. Hiện các báo cáo vĩ mô vẫn khiến nhiều người băn khoăn về tính chính xác đối với đánh giá, con số thống kê đưa ra.
Chúng ta chưa có được một cơ chế giám sát tốt, để buộc các bản báo cáo phải phản ánh sự thật một cách chính xác nhất.
Báo cáo không chỉ để đại biểu đọc
Các báo cáo của Chính phủ trình ra QH theo trình tự 6 tháng một lần. Tôi từng nhiều lần phát biểu, chúng ta bàn chuyện vĩ mô, mà chuyện vĩ mô thì phải có một thời lượng nhất định để đánh giá hiệu ứng, xem liệu nó có đi vào đời sống người dân hay không…
Tôi có cảm giác tất cả những yếu tố vĩ mô trong các báo cáo của Chính phủ vẫn mang ý nghĩa giải quyết tình huống, rất khó để ĐBQH có thể phát biểu ý kiến đầy đủ. Chúng ta tin cậy vào các Ủy ban chuyên môn của Chính phủ, Quốc hội, nhưng tôi rất muốn báo cáo của Chính phủ phải thực sự làm cho người dân đọc và hiểu được, cảm nhận được.
Nói cách khác, các báo cáo có nhiều thông tin có vẻ thiết thực, ví dụ, quốc tế đánh giá VN sử dụng ODA hiệu quả, đã xây dựng nền y tế tiên tiến, v.v… Nhưng thực tế người dân cảm nhận được gì, khi mà thực trạng của ngành y tế thì như thế, rồi giá cả đời sống tăng cao... Những điều này đã tác động đến lòng tin của dân.
Khi tôi nói chuyện vĩ mô với cử tri, họ cho biết họ không quan tâm. Còn các chính sách mà nhà chuyên môn đánh giá phát huy hiệu quả tốt, chẳng hạn trái phiếu Chính phủ, người dân lại không biết. Họ hỏi như vậy có phải là rót thêm tiền Vinashin thứ hai không? Người dân sao hiểu được và họ cho rằng ta đang tiêu tiền của họ.
Theo tôi, khi lập báo cáo, cần lưu ý thêm các vấn đề khác, như đánh giá lòng tin của người dân, sự chia sẻ của dân với các chủ trương của nhà nước... Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn báo cáo của Chính phủ phải thay đổi dần cách thức, để các vấn đề đi vào đời sống hơn, để không phải chỉ có 500 đại biểu đọc, mà hàng chục triệu người dân cũng có thể cùng hiểu, chia sẻ.
"Báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội có nêu đầy đủ các nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm. Ví dụ, nguyên nhân là do quản lí nhà nước còn nhiều mặt chưa tốt thì thấy kì nào cũng thế. Tôi nghĩ chính phủ kì họp này có thể nói rõ quản lí nhà nước còn nhiều mặt nào chưa tốt và trách nhiệm của Chính phủ, bộ ngành ở mức độ nào, địa phương chỗ nào. Có vậy dân mới thấy được Quốc hội và Chính phủ nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của mình". Đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai) |
Ngọc Lê (ghi)