-Chưa đến hồi ngã ngũ, song sự căng thẳng của bài toán liên quan đến túi tiền quốc gia đã khiến các phiên thảo luận tại tổ trong tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội chứa đầy âu lo.
Chi tiêu dùng còn nhiều hơn cho phát triển
Một không gian hẹp, thời gian cũng khá thoải mái, không chỉ đại biểu địa phương mà các vị đại biểu là quan chức chính phủ hay lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội – những người hiếm khi đăng đàn tại phiên thảo luận toàn thể - cũng không ngần ngại thể hiện chính kiến.
Sáng 25/10, các ĐBQH đã họp tổ về vấn đề phân bổ ngân sách |
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan giúp Quốc hội “gác cửa” ngân sách) nhấn lại là 2013 ngân sách nhà nước sẽ hụt thu khoảng 63.000 tỷ đồng. Và nếu tính từ thời kỳ đổi mới đến nay thì đây là năm đầu tiên nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đã không thể về đích.
Dù đã có quy định về công khai, song các vấn đề về ngân sách đến tận bây giờ vẫn được xem là nhạy cảm. Những cuộc họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thường vắng bóng báo chí. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói ông thường được phân công tham dự các cuộc họp liên quan đến thẩm tra việc “chia tiền” tại ủy ban, và cảm nhận là rất gay, rất bí, phải đi vay để đảo nợ rồi chứ không phải chỉ để trả nợ nữa.
Mà vay để đảo nợ thì theo phân tích của một số vị đại biểu, nợ công có nằm trong giới hạn cho phép cũng không an toàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người rất am tường về tài chính quốc gia cũng phải nói thẳng là thu ngân sách ngày càng xấu hơn. Và điều đáng lo là giờ chi tiêu dùng nhiều hơn chi cho phát triển. Chi phát triển toàn phải đi vay vì không có phần nào của ngân sách để chi cho đầu tư cả.
Việc chính phủ xin bội chi cho 2014 là 222 ngàn tỷ đồng, nhưng trong đó 165 ngàn tỷ đồng là chi đầu tư, theo Chủ tịch Quốc hội “tức là chúng ta vay để ăn rồi, vay để trả nợ rồi".
Hụt thu lớn bội chi nhiều đều đáng sợ cả, song nỗi sợ lớn hơn là chả ai dám chắc chắn là tiền đi vay nợ không vào túi tham ô tham nhũng hay sẽ được sử dụng vào những việc không thực sự chính đáng.
Chắc không phải vô cớ mà Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương quả quyết rằng nếu chống tham nhũng tốt thì không những không phải đi vay mà đất nước còn thay da đổi thịt.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm xót xa bởi “chúng ta chi 1 triệu, 1 tỷ đồng thấy nhẹ nhàng, trong khi người dân gò lưng ra làm từng đồng để đóng góp vào ngân sách”.
Ấy thế mà có những hội nghị tổng kết nho nhỏ cũng tốn tiền mua vé máy bay để mời lãnh đạo các bộ ngành về. Tiền đó đều do dân phải lo hết.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, “ông nghị” Trần Du Lịch thì lo ngại khi theo kế hoạch năm 2014 trả nợ vay 120.000 tỷ đồng nhưng thực tế lại còn huy động 70.000 tỷ đồng để đảo nợ. Và 190.000 tỷ đồng nợ này đã chiếm hơn 24% tổng thu ngân sách và cứ theo đà đó thì 2015 có thể lên đến 30%. Trong khi đó, thế giới đã tổng kết nếu thu ngân sách để trả nợ chiếm 25% thì báo động đèn vàng còn vượt 30% là đèn đỏ.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đa số quan chức Chính phủ là đại biểu đương nhiệm. Đương nhiên các vị đều nghe thấy những lời cảnh báo như thế hoặc tương tự như thế.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng rầu rĩ trước sự khó khăn trầm trọng của ngân khố quốc gia. Rất chia sẻ với các bộ có trách nhiệm tham mưu về ngân sách nên vị tướng này cho biết Bộ Quốc phòng chỉ kiến nghị tăng mức tiền ăn cho chiến sỹ bộ binh từ 43 lên 45 ngàn một ngày cho năm 2014, tức là số tiền bằng một bữa ăn sáng cho dân thành thị nhưng anh em phải chia đủ ba bữa.
Gạo đã thành cơm
Nối mạch nghị trường, những thở than lo ngại kể trên thực ra không có gì là mới và mới chỉ phản ánh độ nóng ở phần ngọn của vấn đề.
Gốc của chuyện tiêu tiền có lẽ nằm ở lời than của không ít đại biểu từ nhiệm kỳ Quốc hội trước, rằng Quốc hội chỉ quyết việc đã rồi. Rằng chỉ đến khi kỳ họp bắt đầu mới nhận được tài liệu thì đại biểu không có khả năng để có thể có đầy đủ thông tin khách quan về lĩnh vực khá phức tạp này. Và vì thế hầu hết các phiên thảo luận về ngân sách đều khá buồn tẻ, bởi “gạo đã nấu thành cơm rồi, có nói thì cũng để cho vui thôi, không thay đổi được gì”.
Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc "kiếm tiền" và tiêu tiền.
Vậy nên việc thay đổi từ gốc phải bắt đầu từ hiến định thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến quyết định ngân sách mà cơ hội chính là việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang gần đến đích.
Ngay từ lần thảo luận đầu tiên về nội dung này, một số vị đại biểu, trong đó có chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã đề nghị phải thay đổi căn bản nhận thức về ngân sách hiện nay, ngân sách quốc gia và địa phương rạch ròi, không có ngân sách nhà nước chung chung.
Bao nhiêu kỳ họp tiền chi chi rồi, thu thu rồi, nhưng Quốc hội vẫn cứ quyết toán một cách rất hình thức để làm gì? Đặt câu hỏi này, đại biểu Lịch đề nghị Quốc hội chỉ quyết toán ngân sách Trung ương còn phần địa phương do hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cũng từng có 2 phương án. Phương án một Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Còn theo phương án 2 thì Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước.
Kết quả xin ý kiến có 196/357 đại biểu Quốc hội tán thành với phương án một. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng việc giao thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước cho Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đồng thời cũng không hạn chế quyền tự chủ của địa phương trong vấn đề ngân sách.
Và trên thực tế, việc dự toán và quyết định ngân sách cũng đang thực hiện theo cơ chế này và không có gì vướng mắc. Vì vậy, dự thảo vẫn quy định Quốc hội “quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”. Cho dù, nhiều người vẫn phản đối bởi cách làm như vậy là rất hình thức vì, cứ quyết cái người ta tiêu rồi còn ngân sách Trung ương thì không làm rõ được.
Một khi Quốc hội chủ động quyết định ngân sách, thì khi đó Quốc hội mới thực sự quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
- Vĩnh An - Ảnh: Lê Anh Dũng
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam