-Chương trình trang bị vũ khí quốc gia trước năm 2020 không bao gồm bất kỳ thông tin gì về việc xây dựng các tàu sân bay mới. Về dài hạn, vấn đề này được quyết định rằng, Nga sẽ có hai nhóm tàu sân bay tác chiến ở Hạm đội Thái Bình Dương và Biển Bắc.

Nếu xem xét ở khía cạnh yếu tố tự nhiên thì dường như nước và khí kỵ nhau. Tuy nhiên, nó lại là điều quan trọng không thể thiếu trong quân sự hiện đại – đó là phát triển lực lượng không quân thuộc các hạm đội hải quân. Trong các kế hoạch hiện đại đó, ngành không quân của hải quân Nga sẽ chứng kiến những thay đổi tương lai mang tính bước ngoặt.

Sau nhiều năm tranh luận về việc liệu Nga có cần tới một hạm đội sở hữu máy bay chiến đấu trên boong tàu hay chỉ tàu nổi tác chiến và tàu ngầm là đã đủ, các đô đốc Nga cuối cùng đã lựa chọn mô hình “Mỹ” cho hạm đội hải quân: nhóm tàu chiến đấu với tàu sân bay làm trung tâm.

Hãy trở lại một chút lịch sử. Nói chung, ngành hàng không hải quân Nga có gần 100 năm lịch sử. Vào ngày 30/11/1916, Tổng tham mưu Hải quân, đô đốc A.I. Rusin đã phê chuẩn văn bản: “Những quy định về việc phân chia hàng không hải quân”.

{keywords}

Ảnh: defence

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, hàng không hải quân đã chứng minh tính hiệu quả cao nhất trong toàn bộ lực lượng hải quân. Đội không quân tác chiến đã phá huỷ 407 tàu đối phương, chiếm 66% tổn thất của kẻ thù. Hầu hết các chiến thắng đều diễn ra trong giai đoạn 1944 -1945. Đợt đánh bom Berlin đầu tiên của Liên Xô vào năm 1941 do đơn vị mìn và ngư lôi số một của Không quân Hạm đội Baltic thực hiện.

Ngày nay, hàng không hải quân trực thuộc Hải quân Nga. Trước năm 2011, lực lượng này gồm các đơn vị tên lửa, tấn công mặt đất, máy bay chiến đấu, chống ngầm, tìm kiếm và cứu hộ, vận tải và đặc nhiệm chia thành hai mũi chính là hàng không hải quân và máy bay trên đất liền. Sau năm 2011, lực lượng hàng không hải quân chia thành ven biển, chiến lược, chiến thuật…Nhìn từ quan điểm quản lý các đơn vị quân sự, thì kiểu phân chia này khá hợp lý.

{keywords}

Ảnh: defence

Trở lại với vấn đề tàu sân bay. Và đây là quan điểm từ một chuyên gia hải quân Sergei Aprelev:

"Việc Nga có hay không sở hữu tàu sân bay của riêng mình phụ thuộc vào Học thuyết Hàng hải quốc gia. Liệu con tàu này sẽ liên quan tới giải pháp cho các vấn đề ở đại dương hay chỉ giới hạn khu vực ven biển? Theo phiên bản mới nhất của học thuyết, sự hiện diện của Nga trên các đại dương sẽ không thể dừng lại, và chúng tôi có mục tiêu thiết lập vị thế một cường quốc biển. Đây là những gì chúng ta nên bắt đầu. Theo cách đó, khái niệm có một tàu sân bay duy nhất là vô lý. Con tàu ấy chỉ cần để tạo dựng hình ảnh.

Nói về sức mạnh biển, đồng nghĩa với việc bắt đầu một nhóm tàu lấy hàng không mẫu hạm làm trung tâm. Tàu sân bay sẽ không chỉ có khả năng giải quyết vấn đề biểu dương lực lượng, mà còn đảm nhận các nhiệm vụ hoạt động và chiến lược. Điều này dẫn tới sự khác biệt hoàn toàn trong vấn đề chi tiêu ngân sách: cơ sở hạ tầng ven biển, hậu cần, máy bay chiến đấu trên tàu, hệ thống đào tạo phi công cho máy bay tác chiến, hệ thống quan sát và phát hiện mục tiêu gồm cả vệ tinh…

Cuối cùng, bản thân các tàu sân bay vẫn cần phải có các đơn vị đáng tin cậy để đảm bảo cho con tàu hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình. Nói chung, việc thiết lập một hạm đội tàu sân bay có lẽ sẽ tương đương với với việc hình thành đội tàu ngầm hạt nhân mới thế hệ thứ tư.

Rõ ràng đối với tôi, tương lai xây dựng các tàu sân bay không thật gần – nó không nằm trong chương trình trang bị vũ khí quốc gia ít nhất tới năm 2020. Lý do một phần là chi phí, ngân sách quốc gia sẽ không đáp ứng được hết việc hiện đại hoá hạm đội... Tôi nhớ một năm trước, Bộ Tư lệnh Hải quân gửi đi bản phác thảo tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Nga trọng lượng ước tính 60.000 tấn. Dự án này do Viện Nghiên cứu Đóng tàu Krylov và Cục thiết kế Nevsky phát triển và vẫn chủ yếu dựa trên công nghệ của những năm 1980”.

Trong thực tế, Hải quân Nga đã gần chạm một tay vào chiếc siêu tàu sân bay ngang ngửa với tàu sân bay lớp Nimizt của Hải quân Mỹ. Song giấc mơ đó đã tan vỡ trong xưởng đóng tàu. Năm 1988, Hải quân Liên Xô như được cởi tấm lòng khi Hội đồng nhà nước quyết định khởi đóng một tàu sân bay mới chạy bằng năng lượng hạt nhân tương đương với tàu sân bay lớp Nimizt của Hải quân Mỹ. Tàu sân bay mới được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Nikolayev ở Ukraine. Theo thiết kế, siêu tàu sân bay Ulyanovsk có khả năng mang theo 70 máy các loại. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Ukraine tuyên bố độc lập, ngay tại thời điểm đó tàu sân bay Ulyanovsk đang nằm trong nhà máy thuộc quyền kiểm soát của Ukraine.

{keywords}

Ảnh: defence

Một cuộc tranh cãi kịch liệt đã diễn ra giữa Nga và Ukraine về quyền sở hữu con tàu này. Bất chấp những nỗ lực khẩn cấp của Nga để cứu vãn dự án, Hội đồng Bộ trưởng Ukraine ra quyết định “khai tử” siêu tàu sân bay này vào ngày 4/2/1992. Con tàu đã bị tháo dỡ, bán sắt vụn và hoàn toàn biến mất vào năm 1994.

Trong khi đó, tới năm 2020, Mỹ sẽ nắm trong tay các siêu tàu sân bay Gerald Ford với kích cỡ gần gấp đôi con tàu được đề xuất thiết kế ở trên. Nga còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Nga không có các công nghệ chủ chốt để sản xuất một con tàu sân bay toàn diện. Ví dụ như bệ phóng máy bay. Ví dụ như tàu tuần dương mang tên Đô đốc Kuznetsov có thể mang theo máy bay nhưng chỉ được trang bị đường băng dốc thay vì máy phóng. Nói chung, giấc mơ chế tạo tàu sân bay nội địa cơ bản là vấn đề tương lai xa. Nhưng một khi Nga đã quyết định xây dựng, thì mọi biện pháp phù hợp cần được tiến hành ngay từ hiện tại.

Chương trình trang bị vũ khí quốc gia trước năm 2020 không bao gồm bất kỳ thông tin gì về việc xây dựng các tàu sân bay mới. Về dài hạn, vấn đề này được quyết định rằng, Nga sẽ có hai nhóm tàu sân bay tác chiến ở Hạm đội Thái Bình Dương và Biển Bắc. Các tàu sân bay mới sẽ là tàu hạt nhân, cho dù số lượng chưa biết chính xác. Để thực hiện điều này, thì Nga phải xác định rằng, việc chế tạo các hàng không mẫu hạm mới sẽ được tiến hành ở hai xưởng đóng tàu khác nhau.

Có nhiều tin tức cho rằng, Hải quân Nga sẽ hoàn tất bản chi tiết kỹ thuật cho một tàu sân bay mới với dự thảo cuối cùng đưa ra vào năm 2018. Con tàu đầu tiên trong lớp tàu tác chiến sẽ hạ thuỷ vào khoảng năm 2024. Đến thời điểm này, Hải quân phải hoàn tất nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay gồm các tàu tuần dương có tên lửa, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu hộ tống nhỏ, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ bao gồm cả tàu phá băng với khoảng 10-15 tàu cho mỗi nhóm.

Cùng với việc xây dựng tàu sân bay, quân đội cũng sẽ phải thiết lập các cơ sở mới cho việc bảo trì, cũng như huấn luyện phi công.

Đội máy bay của các con tàu hiện đại hoá dự kiến sẽ bao gồm 26 chiếc MiG -29K. Thêm vào đó, Hải quân Nga có ý định mở rộng các nguồn tài nguyên cho máy bay chiến đấu hạng nặng Su-33 (20 chiếc) trong vòng ít nhất 5 năm hoặc trước thời điểm 2025; cộng thêm trực thăng và máy bay chiến đấu thế hệ năm phiên bản hải quân PAK FA T-50 hiện đang được triển khai.

Đầu năm 2012, Nga đã tiến hành hiện đại hoá 10 trực thăng tác chiến và vận tải Ka-29 phục vụ cho việc triển khai trên các tàu Mistral mua từ Pháp. Các thiết bị và hệ thống vũ khí trên trực thăng sẽ được nâng cấp lên chuẩn hiện đại. Vào năm 2014, Hải quân Nga sẽ áp dụng phiên bản hải quân của trực thăng Ka-62 Killer Whale hoạt động trên các tàu nhỏ. Từ 2014 - 2016, Tập đoàn MiG dự kiến cung cấp 20 máy bay chiến đấu MiG- 29K và MiG-29KUB cho hàng không hải quân. Những máy bay này sẽ là một phần trong các đơn vị hải quân thuộc Hạm đội Biển Bắc.

  • Minh Tâm  (Theo Pravda)