Công lý cho người dân, trong đó có những em bé vừa mới chào đời rạng sáng 1/11/2013, phụ thuộc rất nhiều vào động tác bấm nút của ĐBQH, những người mang gánh nặng đại diện cho nhân dân.
Bài 1: Tránh nguy cơ "khóa" các quyền hiến định của dân
Dân sẽ tìm "cửa" khác
Theo khảo sát về Chỉ số công lý, hiệu quả của các thiết chế công trong giải quyết yêu cầu và tranh chấp pháp lý của người dân rất đáng quan ngại. Chỉ cần “đo lường” qua tiêu chí về thời gian thụ lý kéo dài và mức độ hài lòng của người dân là đủ biết.
Người dân đang kỳ vọng vào một hệ thống tư pháp hiệu quả, nghiêm minh và chuyên nghiệp hơn.
Sáng nay (5/11), Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khi được hỏi về phương thức “hành động” khi có tranh chấp, người dân thường tìm tới cơ quan hành chính địa phương các cấp từ xã, huyện, đến tỉnh để yêu cầu giải quyết và hỗ trợ. Tuy nhiên, người dân vẫn còn gặp khó khăn ở các dịch vụ hành chính tư pháp như đăng ký kết hôn, hộ tịch, khai sinh…
Đáng chú ý, trong số các vụ việc có tỷ lệ không được giải quyết cao có các khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền thụ lý và giải quyết của chính quyền địa phương.
Những dữ liệu này cho thấy, một mặt, các cơ quan hành chính cần tiếp tục cải thiện chất lượng phục vụ dân. Nhưng trước hết các cơ quan đó phải chịu sức ép từ bên ngoài, gồm có từ người dân, từ HĐND cùng cấp và từ cấp trên.
Chẳng hạn, Hiến pháp có thể tạo cơ sở để người dân địa phương có tiếng nói quyết định hơn trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật ở địa phương. Hiến pháp cũng có thể tạo nền tảng để có HĐND mạnh, thực quyền hơn. Ví dụ quy định đại biểu HĐND không kiêm nhiệm vì nếu “kiêm nhiệm” sẽ dẫn đến xung đột lợi ích.
Nếu các cơ quan hành chính không làm tốt phận sự của mình, cơ quan dân cử sẽ có những động thái nhắc nhở, thúc giục hiệu quả hơn.
Tiếp đó, khi người dân đã đến cửa các cơ quan này mà không giúp giải quyết được gì nhiều, thì họ sẽ tìm đến kênh khác, ngả khác để đi tiếp – đó là tòa án. Thế nhưng, việc sử dụng toà án trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính nói chung còn rất hạn chế.
Trong tổng số hàng nghìn vụ tranh chấp các loại ghi nhận từ khảo sát, số vụ việc được đưa tới toà án yêu cầu giải quyết là 51 (tương đương 3,3% tổng số tranh chấp). Nhiều người dân “thú nhận”, tòa án không phải là nơi họ muốn tìm đến… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Và, nếu Hiến pháp sửa đổi một số nội dung thì có thể hạn chế được sự mất lòng tin của người dân. Chẳng hạn, quy định các cơ chế để đảm bảo sự độc lập của thẩm phán như tòa án khu vực mà không theo đơn vị hành chính, chế độ tuyển dụng, lương bổng, nhất là việc không can thiệp vào xét xử của tòa án. Đặc biệt, Hiến pháp cần trao cho thẩm phán quyền giải thích pháp luật.
Bởi lẽ, pháp luật thường gắn với công lý. Nhưng, đôi khi, có pháp luật cũng chưa chắc đã có công lý. Các quy định pháp luật thành văn hoặc chỉ quy định khung pháp lý chung, hoặc nhiều khi trở nên lỗi thời, mâu thuẫn với thực tiễn cuộc sống muôn hình vạn trạng đã ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.
Trong những trường hợp như vậy, từ những sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ việc, thẩm phán có quyền diễn giải các quy định đó theo hướng làm sao đảm bảo công lý.
Cần một nơi để “kêu”
Cuối cùng, cần có một cơ chế mới để giải quyết các vướng mắc pháp lý liên quan đến Hiến pháp, mà Hội đồng Hiến pháp là một cơ chế như vậy. Ngoài những lý do đã được nêu nhiều từ trước tới nay, khảo sát về công lý năm 2012 đã cho thấy nhu cầu lớn của người dân.
Người dân muốn Hiến pháp phải có hiệu lực trực tiếp, có thể viện dẫn để bảo vệ quyền của mình, và cần một nơi chốn để trực tiếp hay gián tiếp kêu đến khi quyền hiến định của mình bị vi phạm.
Như trong báo cáo về Chỉ số Công lý: “Làm cho người dân khi lo lắng sẽ an tâm hơn vì được pháp luật bảo vệ, giản dị thế, song đấy chính là dấu hiệu đầu tiên của một xã hội có công lý.... Luật pháp đối với dân nghèo chính là mong ước có được chỗ dựa cho vô vàn ưu phiền hàng ngày, chỗ dựa càng vững thì niềm tin vào pháp luật càng tăng”.
Thiếu một cơ chế pháp lý để xem xét, xử lý khi có những vi phạm các quy định của chính mình, Hiến pháp sẽ chỉ dừng ở những quy định vô hồn trên giấy. Chứ không sống với đời.
Thay lời kết: nhắn nhủ của công dân thứ 90 triệu
Quốc hội bước vào thảo luận và biểu quyết Dự thảo Hiến pháp sửa đổi khi những công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời.
18 năm nữa, khi các em đủ tuổi công dân, có quyền đi bầu cử, cũng là năm sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội khóa mới. Từ đây đến đó và tiếp nữa, Việt Nam sẽ ra sao?
"Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và tư pháp, bảo đảm công lý trên nền tảng của Hiến pháp phải là mục đích tự thân của quá trình phát triển ở Việt Nam, chứ không phải là tiến trình bổ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế hoặc chính trị". |
Các em, vừa là chủ thể của quá trình phát triển, vừa là người hưởng thụ thành quả phát triển, sẽ như thế nào? Hiến pháp 2013 có đóng góp gì để làm cho cuộc sống các em trở nên tự do, hạnh phúc, bình đẳng hơn không? Hiến pháp có sống được với đời không? Điều này phụ thuộc vào thái độ của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII này.
Như trong báo cáo về Chỉ số Công lý 2012 nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và tư pháp, bảo đảm công lý trên nền tảng của Hiến pháp phải là mục đích tự thân của quá trình phát triển ở Việt Nam, chứ không phải là tiến trình bổ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế hoặc chính trị.
Với tư cách là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp cần tạo khung pháp lý nền tảng để thực thi công lý. Bất kỳ sự thay đổi nào trong Hiến pháp dù nhỏ cũng là cơ hội cải thiện các chuẩn mực pháp lý về thực thi, bảo vệ công lý.
Công lý cho người dân, trong đó có những em bé vừa mới chào đời rạng sáng 1/11/2013, phụ thuộc rất nhiều vào động tác bấm nút của ĐBQH, những người mang gánh nặng đại diện cho nhân dân.
Xem bài cùng tác giả Tránh nguy cơ "khóa" các quyền hiến định của dân
Theo kết quả khảo sát, bất bình đẳng về thông tin đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân. Cần một bản Hiến pháp "của chúng ta" Mong các ĐBQH khi xem xét, thảo luận và bấm nút biểu quyết về dự thảo Hiến pháp làm sao đừng làm hụt hẫng kỳ vọng lớn lao của nhân dân. Để làm sao Hiến pháp hiện diện trong cuộc sống của mỗi người dân, một Hiến pháp vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. |
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam