-Tầm nhìn của một quốc gia có thể được xác lập một cách may mắn để thành công, nhưng cũng có khi phải trải qua nhiều cung bậc.

Bài 1: Từ Ngôi sao Việt Nam đến... Vì sao Việt Nam?

Bài 2: Ở Việt Nam, có tài sản thì khỏi cần...tài

“Trải biến cố nhiều thì trí lự sâu,

Lo công việc xa thì thành công lạ”

(Nguyễn Trãi)

Kinh tế nhà nước và kinh tế quốc doanh

Do lần lữa cải cách, sau 6 năm gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa tự mình nâng cao được năng lực cạnh tranh như yêu cầu của thời cuộc. Hơn thế, đứng trước TPP, dường như nhóm này vẫn muốn xin ân hạn, chậm cải cách cho đến khi không thể trì hoãn được nữa.

Trước thực tế đó, việc minh định giữa kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là vô cùng cần thiết - nhất là khi những hiến định về kinh tế trong hiến pháp sửa đổi sắp được thông qua vào kỳ họp Quốc hội lần này.

Theo Hiến pháp 1992, các thành phần kinh tế của Việt Nam bao gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước .

Như vậy, việc sử dụng tên gọi “doanh nghiệp nhà nước” thay cho tên “quốc doanh” của các doanh nghiệp quốc hữu là không hợp hiến, dẫn dến hiểu lầm, đồng nhất doanh nghiệp quốc doanh và kinh tế nhà nước.

{keywords}
Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận trong phiên họp hôm nay, truyền hình trực tiếp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở nước ta, sau cải cách mở cửa, tính chất đa sở hữu, đa hợp tác ngày càng phổ biến. Do đó, cách phân biệt thành phần kinh tế theo tổ chức ngày càng ít được sử dụng, vì hoạt động của các chủ thể của thành phần kinh tế hiện nay thường đan xen, không bất biến, nội hàm các khái niệm về kinh tế cũng thay đổi theo.

Cũng vì lý do này, để thuận lợi cho quản lý kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi sang quản trị theo không gian, nhóm sản phẩm, thường được gọi là “khu vực”, “lĩnh vực”. Khái niệm “thành phần kinh tế” một cách “cổ điển”, hiểu theo nghĩa bất biến đã không còn sử dụng ở hầu hết các quốc gia, ngay cả với Trung Quốc.   

Thể chế hay thành phần kinh tế?

Các thể chế là “những hệ thống qui luật xã hội được thiết lập và phổ biến, kiến tạo nên các mối tương tác xã hội .”

Thể chế kinh tế bao gồm một hệ thống các yếu tố chủ yếu là các đạo luật, quy chế, quy tắc, nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế và các quan hệ kinh tế, thiết lập cơ chế vận hành nền kinh tế.

Song song với thể chế chính trị đều tồn tại một thể chế kinh tế tương ứng. Một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì cũng sẽ phải có một thể chế kinh tế của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Sự khác biệt mang tính căn bản của khái niệm Thể chế kinh tế với Thành phần kinh tế là ở chỗ một bên có khuynh hướng bao trùm, đồng nhất hóa và tạo thành một thực thể kinh tế bằng hệ thống các quy tắc mang tính kiến tạo bền vững. Trong khi, một bên mang tính phân biệt, hướng tới các định chế hẹp mang tính thời điểm ít bền vững hơn.    

Bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại, thì nền kinh tế quốc dân đều phải là rường cột, là chủ đạo. Trong khuôn khổ một nước, không có sức mạnh kinh tế riêng rẽ nào có thể so với kinh tế quốc gia (nhà nước). Phần lớn các quốc gia trên thế giới không hiến định về các thành phần kinh tế, không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo chính vì lẽ đó.

Thể chế là tiền đề của nền kinh tế, nó đảm bảo cơ sở để chuyển hóa các đối tượng sở hữu, các chủ thể trở thành một lực lượng thực thể trong nền kinh tế.

Trên thực tế, tại Việt Nam, kinh tế nhà nước đã là một thực thể, được xác định bởi thể chế kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân về tài nguyên, đất đai, công sản, các nguồn lực khác của quốc gia.

Đề xuất?

Theo hiến pháp 1992, Kinh tế nhà nước không phải là một thành phần kinh tế. Nhưng trong Dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này theo Điều 51, việc khoản (1) đã thể hiện kinh tế nhà nước như một thành phần kinh tế (dù chỉ để khẳng định tính chất chủ đạo). Nói như vậy có vẻ như khập khiễng, như là hạ thấp vai trò hiến định của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó, phải khẳng định Kinh tế nhà nước là thể chế kinh tế  .

Vì vậy theo tôi, nên hiến định: “Kinh tế nhà nước là thể chế kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân về tài nguyên, đất đai, công sản, các nguồn lực khác của quốc gia do quốc hội quy định, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với Kinh tế nhà nước”.

Khi Kinh tế nhà nước được xác định là một thể chế kinh tế sẽ mang lại sự thay đổi với chiều hướng tiến bộ hơn:

1) Khẳng định vai trò của Kinh tế nhà nước được tích hợp bởi nhiều thành phần sẽ tạo nên sức mạnh của nền kinh tế nhờ sự tập hợp toàn bộ và toàn diện các khu vực kinh tế mà không lệ thuộc vào một thành phần riêng rẽ nào.

2) Không bị phân biệt đối xử khi hội nhập với thế giới. Thúc đẩy sự thay đổi thể chế kinh tế một cách hợp lý. Tạo tiền đề cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế theo thông lệ của nền kinh tế thị trường.

3) Sự minh định các khái niệm này sẽ khiến cho các khu vực (thành phần) kinh tế, kinh tế quốc doanh không trông chờ vào sự ưu đãi hay đặc quyền, tự giác nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp có hiệu quả vào nền kinh tế quốc gia.

4) Tạo cơ hội tiếp cận tài nguyên, đất đai, nguồn lực mà lẽ ra nó luôn thuộc về tất cả các thành viên xã hội, thuộc về các khu vực, thành phần của nền kinh tế.

5) Tạo cơ sở cho nhân dân thực thi quyền giám sát đối với Kinh tế nhà nước mà không bị cản trở bởi bất kỳ lý do gì.

Tầm nhìn của một quốc gia có thể được xác lập một cách may mắn để thành công, nhưng cũng có khi phải trải qua nhiều cung bậc mà thực tế phát triển bắt buộc phải trả giá.

Đối với cá nhân sai lầm lần đầu tiên, đó là quyền sơ khởi, sai lầm lần hai thuộc về trí tuệ, sai lầm lần ba sẽ thuộc về nhân cách.

Với Việt Nam, hy vọng lần thứ hai chính là lần cuối.

  • Ngô Đồng Thu

Nguyên văn dự thảo (mới):

Điều 51 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23 và 25)

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Góp ý vào dự thảo Hiến pháp, điều chỉnh thành:

Điều 51 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23 và 25)

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

 2. Kinh tế nhà nước là thể chế kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân về tài nguyên, đất đai, công sản, các nguồn lực khác của quốc gia do quốc hội quy định, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với Kinh tế nhà nước.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.