Liệu những hành động nghe lén của Mỹ có bị đáp trả, và việc này liệu có mở đầu cho một dạng chiến tranh Lạnh mới: Chiến tranh Lạnh về thông tin?

Sau khi chương trình theo dõi người dùng điện thoại và internet của NSA (Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ) bị cựu nhân viên CIA, Edward Snowden phanh phui, thì mới đây, cơ quan này lại liên tiếp dính vào những bê bối nghe lén bên ngoài nước Mỹ. NSA bị cáo buộc đã cài các thiết bị nghe lén vào trụ sở LHQ tại New York.

Không dừng ở đó, cơ quan này còn bị phát giác là thủ phạm của các vụ nghe lén điện thoại Thủ tướng Đức Angela Merkel và xâm nhập hệ thống máy tính nội bộ của EU. NSA còn bị Pháp cáo buộc đã ghi lén hàng chục triệu cú điện thoại của nước này.  Mỹ còn mở rộng việc nghe lén sang cả châu Á.

Liệu những hành động nghe lén của Mỹ có bị đáp trả, và liệu việc này có mở đầu cho một dạng chiến tranh Lạnh mới: Chiến tranh Lạnh về thông tin?

{keywords}

Hoạt động bên trong NSA - Ảnh: Reuters

Chiến tranh Lạnh "truyền thống"

Volker Perthes, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế tại Berlin, nhận định: "Lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ".

Lịch sử đã từng trải thời kì "Chiến tranh Lạnh" kéo dài hàng thập kỷ, với tình trạng căng thẳng, đối đầu của hai phe đứng đầu bởi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Chính cuộc đối đầu này là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh cục bộ, hay còn gọi là các cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" (proxy wars) tại khắp mọi nơi trên thế giới, tiêu biểu là chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan,... và chạy đua vũ trang.

Nền hòa bình của thế giới bị nghi ngờ, và niềm tin của các dân tộc bị lung lay. Bởi họ có thể bị biến thành bãi chiến trường, nơi các ông lớn thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình.

Chiến tranh ủy nhiệm, và đặc biệt là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia chính là những đặc điểm chính định hình nên quan hệ và môi trường quốc tế trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Trong một môi trường thiếu niềm tin và liên kết như vậy, vai trò của các thể chế quốc tế trở nên mờ nhạt trong việc kiềm chế hành vi của các nước lớn.

Và những đặc điểm ấy đang dần xuất hiện trong một môi trường hoàn toàn mới trong kỷ nguyên của kỹ thuật số. Toàn bộ những hành vi tấn công hay do thám, theo dõi trong Chiến tranh Lạnh được thực hiện theo những cách thức truyền thống, trên chiến trường hay trong lòng địch. Tuy nhiên, các cách thức đã hoàn toàn thay đổi.

"chiến tranh Lạnh" về thông tin

Không gian mạng đang dần dần trở nên quan trọng. Trong thời đại kỹ thuật số và CNTT phát triển chóng mặt, không gian số không còn là một khái niệm kỹ thuật đơn thuần. Nó đã dần trở thành một khái niệm liên quan mật thiết tới chủ quyền và an ninh quốc gia.

Chính phủ và lực lượng quân đội nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, đã đổ rất nhiều tiền nhằm xây dựng lực lượng tác chiến mạng của riêng mình. Nắm được quyền kiểm soát không gian mạng, một quốc gia sẽ có rất nhiều lợi thế, khi mà công nghệ máy tính và mạng internet được áp dụng hầu như triệt để trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ y tế, giáo dục cho tới quân sự và thậm chí các công việc điều hành quốc gia.

Các hoạt động do thám, tính báo hay nghe lén là một phần của chiến tranh mạng. Giám đốc NSA, Keith Alexander, cũng đồng thời là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng của nước Mỹ (US Cyber Command). Điều này đã phần nào nói lên tầm quan trọng của hoạt động tác chiến mạng - trong đó có do thám - tới tình hình an ninh của cường quốc hàng đầu thế giới này.

Một môi trường hoạt động hoàn toàn mới, và do đó cũng nảy sinh hàng loạt những thách thức an ninh mới. Các hoạt động tình báo thời nay khác hoàn toàn với thời kỳ chiến tranh Lạnh, cả về con người, phương thức thực hiện, lẫn những hệ quả của nó.

Scandal nghe lén gần đây của Mỹ đã cho thấy tính phức tạp và rộng khắp của hoạt động tình báo công nghệ cao. Cộng với đó là hàng loạt những cuộc tấn công mạng xảy ra tại khắp mọi nơi trên thế giới.

Nếu không có bất cứ một thỏa thuận ràng buộc nào, hệ quả nhãn tiền sẽ là một cuộc "chiến tranh lạnh thông tin" giữa các bên liên quan. Do thám, tấn công mạng, đánh cắp công nghệ sẽ diễn ra dày đặc, liên tục và đặc biệt: ẩn danh. Sẽ khó có thể xác định được bên nào đang tấn công bên nào. Và các "cuộc chiến" ủy nhiệm sẽ diễn ra y hệt như thời kỳ chiến tranh Lạnh, chỉ khác là nó xảy ra trên không gian số.

Có thể thấy hiện tại, có rất nhiều yếu tố dẫn tới kịch bản "chiến tranh Lạnh" về thông tin như trên.

Thứ nhất, scandal nghe lén của Mỹ đã cho thấy sự thiếu niềm tin, ngay cả giữa các đồng minh với nhau. Các nước châu Âu đã tỏ ra cực kỳ thất vọng và giận giữ khi biết rằng NSA đã theo dõi và thu thập thông tin của họ suốt một khoảng thời gian dài. Và chắc chắn, quyền lực mềm của Mỹ và cả lòng tin đã bị giảm sút nghiêm trọng.

Yếu tố thứ hai là cộng đồng quốc tế hiện nay đang thiếu các quy tắc nhằm kiểm soát hành động của các quốc gia liên quan trên không gian mạng. Do vấn đề này còn quá mới mẻ và dường như vẫn chưa lớn đến mức gây hậu quả nghiêm trọng, nên những quy tắc ràng buộc vẫn không được chú trọng và bàn thảo một cách nghiêm túc giữa các quốc gia.

Nước Mỹ đã tận dụng lợi thế công nghệ của mình, lợi dụng cái gọi là an ninh quốc gia nhằm xâm phạm tới lợi ích của các nước khác, đặc biệt là các nước đồng minh. Scandal do thám vỡ lở có nguy cơ kích hoạt những hành động trả đũa. Nhưng chủ thể hành động, hệ quả và tác động của cách hành động này có thể phức tạp và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần mà không cần sử dụng quá nhiều tài nguyên.

Có thể thấy, chiến trường tương lai đang dịch chuyển từ "thật" sang "ảo". Và nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh thông tin hoàn toàn hiện hữu.

  • Nguyễn Thế Phương - Hàng Duy Linh (IRYS)