-"Cứ một năm kéo dài tình trạng bao cấp giáo dục đại học, ngân sách sẽ tiêu tốn khoảng 20.000 tỷ. Vậy thì tại sao chúng ta không mạnh dạn xóa bỏ bao cấp?".
Nghị trường Quốc hội đang nóng về vấn đề ngân sách, tiếp tục đi vay, nâng trần nợ công là chuyện đang được thảo luận. Giáo dục đào tạo đương nhiên cũng chia sẻ nỗi lo cùng các nghị sĩ. Nhất là trong tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Một trong các tiêu chí của đổi mới triệt để giáo dục là dạy cho người học biết: “yêu gia đình, yêu tổ quốc…”. Để có thể yêu cái gia đình “giáo dục” của mình, ngành giáo dục có lẽ nên dành thời gian lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học.
Tự tìm con đường cứu ngành là trách nhiệm của tư lệnh ngành, không nên học một vài địa phương, hễ có thiên tai là yêu cầu TW cứu trợ.
Đầu tiên không ở chỗ “tiền đâu”
Về bài toán ngân sách giáo dục, GS. Trần Phương nêu ý kiến: “cần phải xem lại trường công có đáng phải bao cấp 70% học phí nữa không, vì thực tế đất nước chỉ dành 20% ngân sách cho giáo dục, con số đó là tối đa không thể hơn được, chúng ta cũng phải xem lại tiêu tiền vào việc gì cho hợp lí, và nếu dùng tiền như hiện nay nền giáo dục đất nước khó tiến lên được” [1].
Ảnh: Văn Chung |
Trong bài “ Chùm khế ngọt ngân sách là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu” người viết đã nêu quan điểm: “đầu tư một cách thông minh cho giáo dục mới là điều chúng ta cần bàn chứ không phải vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. [2]
Theo số liệu công bố của chính phủ tại quyết định số 3299-QĐ-BTC ngày 27/12/2012, ngân sách chi cho Giáo dục – đào tạo, dạy nghề (gọi chung là GD) năm 2013 là 194.416 tỷ (tương đương hơn 9 tỷ đô la Mỹ), trong đó chi thường xuyên: 164.401 tỷ, chi đầu tư phát triển: 30.015 tỷ (chiếm 15.4% tổng ngân sách).
Ông Lê Văn Học - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết hệ thống giáo dục Đại học nhận được khoảng 10% trong tổng số ngân sách nhà nước dành cho giáo dục [3], nghĩa là gần 20 nghìn tỷ, con số này bằng khoảng 2/3 tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề.
Với 20% ngân sách dành cho giáo dục, chia ra các mảng: phổ thông, đại học, chính trị, quốc phòng, an ninh, thực chất đó là một số tiền quá nhỏ so với nhu cầu nhưng lai rất lớn so với ngân khố quốc gia. Triển khai đổi mới toàn diện giáo dục cần rất nhiều tiền trong khi ngân sách đã cạn kiệt, vậy lấy tiền ở đâu? Câu trả lời nằm ở chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Trước mắt triển khai ở khối CĐ-ĐH sau đó có thể tiếp tục ở khối THPT, khối THCS nhà nước cần bao cấp hoàn toàn.
Nếu nhà nước chỉ bao cấp một số trường, ngành đào tạo theo hướng nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nghĩa là dành khoảng 5.000 tỷ cho các đối tượng này thì đương nhiên sẽ có 15 nghìn tỷ cho đầu tư phát triển, đấy là chưa nói quá trình cổ phần hóa các trường công cũng mang lại một nguồn thu không nhỏ. Con số 5.000 và 15.000 tỷ sẽ được giải thích ở phần sau.
Có nhiều số liệu thống kê về đóng góp của hệ thống trường NCL, GS. Đặng Ứng Vận (ĐH Hòa Bình) cho rằng: “Khối trường ngoài công lập từ mẫu giáo đến đại học, thu hút xã hội hóa giáo dục với nguồn vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng”.
Còn nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ thì cho rằng: “từ năm 2000 đến nay các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập đã đóng góp cho nhà nước khoảng hơn 30 nghìn tỉ” [4]. Số liệu của các vị GS nêu trên có sự chênh lệch đáng kể, xin nêu một cách tính toán đơn giản nhưng chắc chắn không thể phản bác:
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học năm 2013, như đã nêu là khoảng 20.000 tỷ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, sinh viên các trường CĐ-ĐH NCL chiếm khoảng 13% tổng sinh viên cả nước, 87% sinh viên công lập tiêu tốn 20.000 tỷ, bằng phép tính tỷ lệ thuận dễ dàng suy ra 13% sinh viên NCL sẽ tiêu tốn 2988.506 tỷ. Nói khác đi khối trường CĐ-ĐH NCL đã đóng góp cho xã hội số tiền tương đương 13% ngân sách dành cho GDĐH, tức là khoảng 3.000 tỷ/năm.
Ngược dòng thời gian, ngày 9/9/2004 tại buổi lễ thành lập Hiệp hội các trường CĐ-ĐH NCL, nguyên phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: “Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, phải chuyển giáo dục ĐH từ tinh hoa sang đại chúng. Tới năm 2010, nâng tỷ lệ sinh viên học tại các trường ngoài công lập là 40%, thậm chí 50%, hiện nay mới chỉ chiếm 12%“ [5].
Có thể thấy trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ sinh viên NCL tuy có lúc lên, lúc xuống nhưng vẫn chỉ quanh con số 12-13%, điều này có nghĩa là trong 10 năm, số tiền khối NCL đóng góp cho giáo dục vào khoảng 30 nghìn tỷ.
Nếu mục tiêu 50% sinh viên học tại các trường NCL đưa ra năm 2004 được thực hiện thì chắc chắn ngân sách sẽ dôi ra 10.000 tỷ.
Trong khi các ngành kinh doanh khác, lỗ lãi vẫn là chuyện tù mù, thì lợi ích của xã hội hóa giáo dục lại là điều hiển nhiên không phải bàn luận. Nếu có thể nâng tỷ lệ này tương đương Nhật Bản, Hàn Quốc, nghĩa là 70-80% sinh viên theo học các trường NCL thì con số tiết kiệm sẽ là 15.000 tỷ.
Đến đây một câu hỏi luôn khiến người viết trăn trở là: “Cứ một năm kéo dài tình trạng bao cấp giáo dục đại học, ngân sách sẽ tiêu tốn khoảng 20.000 tỷ. Vậy thì tại sao chúng ta không mạnh dạn xóa bỏ bao cấp?".
Ai ngăn cản xã hội hóa?
Một trong các lý do được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh là: "Những trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh được ít là những trường chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, chưa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa tạo được uy tín trong xã hội. Cá biệt, có một số trường nội bộ mất đoàn kết, mâu thuẫn kéo dài…”[6].
Ảnh: Phạm Hải |
Nhận định của Bộ trưởng không sai, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Điểm mặt các trường mất đoàn kết, mâu thuẫn thì đều thấy bóng dáng các doanh nhân, những người đến sau nhưng bằng tiền họ đã thâu tóm quyền lãnh đạo nhà trường. Các nhà sư phạm, các thầy giáo, những người sáng lập bị đẩy ra khỏi trường, thậm chí còn bị cấm không được vào trường.
Vì sao lại xảy ra cơ sự này? Vì theo Luật Giáo dục đại học, theo đó hiệu trưởng trường đại học không cần phải là nhà giáo (chỉ cần bằng TS và 05 năm quản lý cấp phòng, khoa).
Với một tấm bằng tiến sĩ có thể mua từ nước ngoài, năm năm làm trưởng phòng (bất kể trưởng phòng gì, kể cả phòng Bảo vệ, Y tế…) là đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng trường đại học. Ai và nhóm người nào đã vận động hành lang để đưa vào luật một điều khoản thiếu tính giáo dục như vậy?
Câu hỏi đặt ra là liệu có “nhóm lợi ích” nào đang cố tình cản trở tiến trình xã hội hóa giáo dục? Ai sẽ hưởng lợi nếu duy trì tình trạng hiện tại?
Không khó để tìm câu trả lời, báo An ninh Thủ đô điện tử, ngày 17/9/2013 cho biết: “Trần học phí theo quy định của Chính phủ năm 2013-2014, thấp nhất là 4.85 triệu đồng/năm và cao nhất là 6.85 triệu đồng/năm. ĐH Mỏ - Địa thông báo học phí cao đẳng là 448.000 đồng/tháng/sinh viên, đại học: 560.000 đồng/tháng/sinh viên. ĐH Nông Nghiệp Hà Nội quy định mức học phí từ 480.000 đến 560.000 đ/tháng/sinh viên”.
Đa số trường NCL học phí trình độ đại học khoảng 600.000 – 650.000 đồng/tháng/sinh viên.
Trường công lập được ngân sách bao cấp hoàn toàn, học phí thu xấp xỉ các trường NCL, miếng bánh ngon làm sao có thể chia? Tội gì xã hội hóa để mất nguồn ngân sách “trời cho” mà không phải làm gì? Lẽ ra với mức thu học phí như vậy, với cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nhà nước đầu tư hoàn chỉnh, các trường công lập không được hưởng một đồng nào từ ngân sách mới là công bằng trong nền giáo dục đa thành phần hiện nay.
Điều này không nói ra thì các ĐBQH cũng biết, lãnh đạo lại càng biết. Người dân mong chờ những nghị quyết của Quốc hội, còn Quốc hội thì chờ gì?
- TS Dương Xuân Thành
Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Tran-Phuong-Dut-khoat-xoa-bo-bao-cap-truong-cong/320255.gd
[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chum-khe-ngot-ngan-sach-la-nguyen-nhan-chinh-lam-giao-duc-tut-hau/318376.gd
[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mot-so-co-che-CS-voi-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-NCL-xa-thuc-te/316302.gd
[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khong-the-choi-bo-suc-dong-gop-cua-he-thong-giao-duc-dai-hoc-NCL/316174.gd
[5]http://vietbao.vn/Giao-duc/Sau-nam-toi-se-co-50-sinh-vien-ngoai-cong-lap/20257381/202/
[6]http://m.vtc.vn/539-444039/tin-tuc-su-kien/vi-sao-truong-ngoai-cong-lap-ngac-ngoai-doi-sinh-vien.htm
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam