Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc (9-12/11/2013) được đánh giá như "một bước khởi đầu lịch sử mới", và được trông chờ sẽ mang lại cho  TQ những bước chuyển mình thần kỳ như những cuộc hội nghị năm 1978 và 1993.

Hội nghị Trung ương 3 của  TQ là thời điểm Đảng Cộng sản  TQ đưa ra những cải cách quan trọng về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh  TQ đang vươn lên mạnh mẽ để trở thành một siêu cường thế giới mới, những diễn biến trong hội nghị này là rất quan trọng và nhận được sự chú ý trên toàn thế giới.

Từ những đồn đoán...

Trái với mong đợi của nhiều người, các chuyên gia dự đoán sẽ không có nhiều cải cách chính trị được đưa ra trong Hội nghị. Thay vào đó, những cải cách sẽ tập trung vào chế độ kinh tế và phúc lợi xã hội. Theo đó, tám lĩnh vực cải cách được đề xuất là: tài chính, thuế, đất đai, tài sản công, phúc lợi xã hội, sáng chế, đầu tư nước ngoài và quản lý nhà nước.

Về kinh tế, rất có thể hội nghị này sẽ đúc kết từ "kế hoạch 383", vốn được các nhà chiến lược của chính quyền Trung Quốc đưa ra với mục đích chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc cho đến năm 2020. Kế hoạch 383 nhấn mạnh vào việc chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang thúc đẩy tiêu dùng. Theo đó,  TQ sẽ tăng chi tiêu công cho y tế, giáo dục và quỹ lương hưu để khuyến khích người dân chi tiêu thay vì tiết kiệm.

Điều này có thể khiến nền kinh tế  TQ chững lại trong một vài năm đầu, nhưng lại đạt được sự tăng trưởng bền vững về sau. Đó có lẽ cũng là cách giới lãnh đạo  TQ đối phó với đánh giá về nền kinh tế tăng trưởng nóng và không bền vững của đất nước.

Cũng có không ít dự đoán cho rằng Đảng Cộng sản  TQ sẽ xem xét phá bỏ độc quyền để tiến hành tự do hoá về tài chính và nâng cao tính ổn định trong thị trường. Từ đó, TQ sẽ loại bỏ dần các đặc trưng của một nền kinh tế đang phát triển, để thay vào đó là những đặc trưng của nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn, mở đường cho việc bước vào giai đoạn phát triển mới sau năm 2030.

Việc chính phủ Mỹ đóng cửa vì Quốc hội không biểu quyết ngân sách cũng sẽ là một cơ hội lớn để Bắc Kinh đưa ra những chính sách quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, biến nó thành đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế cho đồng USD.

Về xã hội, những cải cách về đất đai được xem là trọng tâm chính sách được đưa ra trong kỳ họp Hội nghị lần này. Cũng theo kế hoạch 383, chính sách đất đai sẽ tập trung vào vấn đề xác lập quyền sử dụng đất ở nông thôn, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề cá nhân sở hữu đất. Đây là một cải cách tiến bộ nhằm tiến tới việc giảm thiểu những va chạm liên tục trong thời gian qua giữa nông dân và chính quyền Trung ương.

Những cải cách sẽ cho phép những người đang thuê đất dài hạn có thể bán nó đi và thu về lợi nhuận, dù đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước hay chính quyền địa phương. Quyền bình đẳng giữa dân thành thị và nông thôn trong việc mua bán đất đai công hữu cũng sẽ được đưa ra để rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo - vốn đã là một vấn đề nhức nhối trong lòng xã hội TQ.

Một vấn đề khó khăn khác của TQ là vấn đề hộ khẩu cũng sẽ được đưa ra để cân nhắc sửa đổi trong kỳ họp lần này. Theo đó, TQ sẽ tự do hóa hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhằm tối đa hoá ưu đãi dành cho hàng trăm triệu người nhập cư trong nước.

Tuy nhiên, để thực hiện những cải cách này, đòi hỏi phải có sự đầu tư tập trung để chuyển đổi cơ cấu trong nhiều thành phần - điều không thể đạt được trong một sớm một chiều. Đó cũng chính là lý do khiến Hội nghị lần này nhận được không ít đánh giá lạc quan và bi quan từ giới chuyên gia trên thế giới về những tác động và tính hiệu quả của nó.

{keywords}

Trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Giữa lực đẩy hay lực cản?

Phát biểu với Tân Hoa Xã, Giám đốc Viện Cải cách và Phát triển TQ Chí Phúc Lâm nhận định, các cuộc thảo luận về cải cách trong cuộc họp trước đã cho thấy ĐCS Trung Quốc có một cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc về tình hình đất nước. Nó cũng thể hiện quyết tâm và lòng can đảm của Đảng để tiến tới thành công. "Khá rõ ràng rằng phiên họp này sẽ vạch ra toàn bộ lộ trình, làm sâu sắc thêm cải cách với những đột phá lớn trong các lĩnh vực quan trọng".

Theo Lin Li, chiến lược gia nghiên cứu về TQ tại Deutsche Bank, những cải cách của kỳ họp lần này "sẽ có tác động trực tiếp lên thị trường TQ như quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế mở hơn". Bà cũng tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng: "Mục tiêu hàng đầu của công cuộc cải cách là tiến trình bãi bỏ quy định này sẽ cho phép các nguồn vốn tư nhân cùng tham gia vào các ngành công nghiệp được quản lý chủ yếu bởi Nhà nước".

Christopher J. Wolfe, giám đốc đầu tư tại tập đoàn Merrill Lynch cũng cho rằng: "Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp quan trọng" và "việc thay đổi cơ cấu của TQ có thể phù hợp cho TQ và những nhà đầu tư tại thị trường của quốc gia này".

Tuy nhiên, không phải mọi nhận định đều là màu hồng. Trong bản báo cáo ngày 31/10, tờ Capital Economics (London) đã đưa ra một số nhận định khá thú vị. Theo đó, các chuyên gia kinh tế Mark Williams và Julian Evans-Pritchard cho rằng: "Mặc dù được kỳ vọng rất cao nhưng theo nhiều người, hội nghị vào tháng 11 sẽ khá gây thất vọng".

Tờ Capital Economics cũng cho rằng, cải cách hiệu quả phải giải quyết được 3 vấn đề: chia sẻ thu nhập thấp đến các hộ gia đình trung bình, vai trò thống trị của Nhà nước trong hầu hết các hoạt động kinh tế và sự kém hiệu quả trong việc phân bổ vốn. Tuy nhiên, kỳ họp lần này có thể sẽ không đưa ra câu trả lời cho những vấn đề như vậy.

Patrick Chovanec, chiến lược gia hàng đầu tại Silvercrest Asset Management cảnh báo: "các lãnh đạo TQ đang leo lên lưng cọp và không hề biết cách leo xuống". Chiến lược gia này cũng nhìn nhận thực tế rằng cải cách chưa từng có này, trên thực tế, sẽ đưa nền kinh tế TQ trở lại đúng hướng, mặc dù việc điều chỉnh sẽ khá khó khăn.

Quan điểm của Patrick Chovanec cũng nhận được sự đồng tình từ Robin Bew, tổng biên tập tờ The Economist Intelligence Unit, rằng "mặc dù có rất nhiều đồn đoán về những cải cách to lớn nhưng chúng tôi vẫn khá nghi ngờ. Chưa hề có sự thống nhất nào của giới lãnh đạo về tiến trình tự do hóa!".

Bill Bishop, tác giả cuốn sách nổi tiếng Sinocism China Newsletter lại nhìn nhận vấn đề thận trọng hơn: Đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả là chìa khóa cho hầu hết những cải cách này. Nếu Đảng Cộng sản TQ không thể kiểm soát và loại trừ được tham nhũng thì hầu hết các cải cách sẽ vẫn nằm trên bàn giấy.

Bishop cũng bày tỏ sự quan ngại khi dự báo rất nhiều trong số những thay đổi này sẽ mất nhiều năm để thực hiện, và một số có thể bị cản trở hay bóp méo khi chúng xuất phát từ Trung ương xuống các bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng mục tiêu bao quát sẽ là sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vào việc không quá nhấn mạnh vào GDP.

Đất nước TQ từng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, nhưng vài năm trở lại đây lại có nhiều dấu hiệu giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Chính vì vậy, dù giới nghiên cứu quốc tế đã cho thấy một cái nhìn bi quan hơn về kết quả của kỳ họp lần này.

Dù vậy, Hội nghị vẫn được kỳ vọng sẽ sớm vực dậy được nền kinh tế, thổi vào nó luồng sinh khí mới để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng.

Liệu hội nghị sẽ mang lại những kết quả khả quan cho nền kinh tế và xã hội TQ hay cũng chỉ mang tính hình thức, bề nổi? Đây chính là một câu hỏi lớn và cũng là thách thức cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh trong cuộc họp sắp tới.

  • Tâm Sáng - Hải Yến (Irys)