- “Một số bên liên quan đến tranh chấp vẫn theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở biển Đông mà chưa tính đến lợi ích các nước khác trong khu vực và lợi ích chung”, ông Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý phát biểu trong phiên khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về biển Đông khai mạc tại Hà Nội sáng 11/11.

Theo ông Quý, trong 5 năm qua, tình hình biển Đông và những vấn đề liên quan đã có nhiều thay đổi.

Điểm tích cực là cộng đồng khu vực và quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông. Nhưng mặt không tích cực lớn nhất là còn một số bên liên quan đến tranh chấp vẫn theo đuổi các lợi ích trước mắt của mình ở biển Đông mà chưa tính đến đầy đủ lợi ích lâu dài và rộng lớn hơn của chính mình, chưa tính đến đầy đủ lợi ích của các nước trong khu vực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

{keywords}
Tứ trái sang: TS Termsak Chalermpalanupap, TS Ralf Emmers, GS Clive Schofield, Bà Li Jianwei.

Ông Quý kỳ vọng, hội thảo biển Đông sẽ là nỗ lực xây dựng những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở nơi đây.

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả quốc tế đã dành thời gian trả lời một số câu hỏi của báo giới. Tuần Việt Nam xin lược ghi nội dung cuộc trao đổi.

Kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm

Như các học giả nói: nhìn về phương diện ngoại giao, các bên đều có sự tiến triển. Tuy nhiên nhìn vào thực tế mà Trung Quốc đã hành động trong năm qua, dường như vẫn còn nhiều hoạt động gây căng thẳng trên biển. Cần lý giải các động thái đó như thế nào?

GS Clive Schofield, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Úc về An ninh và Tài nguyên Biển (ANCORS), Đại học Wollongong: Tôi đã có thời gian nghiên cứu những yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc. Theo tôi, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc là yêu sách rất mập mờ và có thể gây ra những vấn đề nếu như xem xét góc độ quốc tế. Bởi vì quyền lịch sử chỉ được điều chỉnh rất hạn chế trong luật tập quán quốc tế và chỉ được quy định rất ít ỏi trong Công ước Luật biển năm 1982.

Yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong thời gian vừa qua cũng đã có sự thay đổi. Ban đầu Trung Quốc dường như chỉ giới hạn quyền lịch sử với quyền đánh cá. Sau đó Trung Quốc thay đổi quyền lịch sử với cả những tài nguyên ở đáy biển bao quanh 200 hải lí của quần đảo Trường Sa. Đây là diễn biến tiêu cực có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.

TS Termsak Chalermpalanupap, Nhà nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, ISEAS, Singapore: Tại Biển Đông, vấn đề đường chín đoạn (đường lưỡi bò) cũng như các yêu sách của Trung Quốc là vấn đề liên quan đến luật pháp. Vì thế nên kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp đối với yêu sách tại Biển Đông.

Không một quốc gia hay cường quốc lớn nào có thể áp dụng luật riêng của mình. Theo tôi luật pháp ở đây là Luật quốc tế và Công ước Luật Biển, các luật có thể áp dụng những yêu sách tại vùng biển. Vì thế các cơ quan truyền thông có thể nhấn mạnh lời kêu gọi của chúng tôi đối với Trung Quốc: có trách nhiệm quốc tế trong thực hiện luật quốc tế!

TS Ralf Emmers, Trường nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS): Báo chí đã đề cập đến một thiếu sót đáng quan tâm. Đó là trong các cuộc thảo luận ngoại giao, mức độ chi tiết của thảo luận đang bị bỏ qua. Trong tất cả thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc đã có những ngôn từ ngoại giao một cách chung chung, mập mờ để cố gắng giải quyết những tình huống. Tuy nhiên biện pháp cụ thể chưa có. Chúng ta cần những biện pháp cụ thể liên quan đến đánh bắt cá để tránh đẩy sự kiện về đánh bắt cá thành vấn đề khủng hoảng ngoại giao.

Việc thực hiện DOC rất quan trọng và cần có những biện pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện DOC.

Bà Li Jianwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển, Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc: Tôi chia sẻ về tầm quan trọng về hoà bình và ổn định có quan trọng với mọi quốc gia không chỉ ASEAN và Trung Quốc, cũng như việc tôn trọng luật pháp có tầm quan trọng rất lớn với hoà bình, ổn định. Các biện pháp cụ thể cần tiến hành để thúc đẩy thực hiện các cam kết từ DOC sang COC. Chúng tôi biết giải quyết các tranh chấp nghề cá là hết sức khó khăn và tôi nghĩ các bên liên quan cần ngồi lại đàm phán với nhau. Trung Quốc và Việt Nam đã có những đàm phán về vấn đề này thông qua đường dây nóng.

Tích cực nhưng chưa thực chất

Tiến trình đàm phán DOC và COC hiện nay như thế nào, quan điểm của ASEAN và Trung Quốc trong tiến trình này? Điều gì khiến Biển Đông phức tạp hơn?

TS Ralf Emmers: Trong thời gian vừa qua thấy cả hai bên tiến triển tích cực: Trung Quốc đồng ý chính thức bắt đầu tham vấn COC đầu năm. Đây là một thay đổi của Trung Quốc vì trước đây Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, không hợp tác trong vấn đề đàm phán.

Tháng 9 năm nay đàm phán lần đầu tại Trung Quốc. Chúng tôi không hy vọng tiến trình nhanh chóng, nhưng đây là một tín hiệu tốt. Thứ hai là trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc vừa rồi, khái niệm khai thác chung được đề cập và thảo luận cả vấn đề tài nguyên.

TS Termsak Chalermpalanupap: Quan điểm của ASEAN thì DOC là không đủ, cần phải có những cam kết pháp lý chặt chẽ và có tính ràng buộc mạnh hơn để giải quyết những sự kiện xảy ra ở Biển Đông. Tuy nhiên quan điểm của Trung Quốc chưa thực hiện hết DOC và cần tiếp tục thực hiện DOC.

Đấy là quan điểm khác nhau giữa ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc luôn nói rằng, quá trình tham vấn là một phần thực hiện của DOC. Theo tôi đánh giá không có gì mới trong quan điểm của Trung Quốc cả. ASEAN và Trung Quốc đã gặp gỡ với nhau, khuôn khổ gặp gỡ đấy là nhóm công tác chính thức DOC tiến đến COC.

Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc tham gia nhóm công tác này chỉ là quan chức bậc trung, không có tính quyết định chính sách. Tóm lại hai bên đã có những điểm tích cực nhưng điểm tích cực ấy chưa thực chất lắm. 

Việt Nam và các nước ASEAN rất đồng thuận trong việc đưa vấn đề Biển Đông đàm phán đa phương nhưng Trung Quốc kiên quyết đàm phán song phương. Vậy sự liên kết của các nước ASEAN có làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc hay không? Vai trò của các cường quốc khác, ví dụ Mỹ là gì?

TS Termsak Chalermpalanupap: ASEAN không phải là một bên tranh chấp nên không thể đàm phán trực tiếp về các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. ASEAN chỉ có thể liên quan đến các vấn đề đàm phán về DOC, COC. Vì vậy nên Trung Quốc muốn đàm phán trực tiếp với từng bên tranh chấp về Biển Đông. Cũng vì ASEAN không liên quan đến tranh chấp về chủ quyền nên không thể đưa ra các giải pháp. 

TS Ralf Emmers: Quan điểm chính thức của Mỹ rất rõ:  Mỹ là bên trung lập, không đứng về bên nào. Chính quyền Obama có những tuyên bố rõ ràng, họ có những lợi ích lớn hơn ở Biển Đông và lợi ích đó dựa vào nguyên tắc tôn trọng quyền tự do hàng hải và không để bất kì hoạt động nào vi phạm tự do hàng hải xảy ra. 

Bà Li Jianwei: Quan điểm của Trung Quốc là muốn giải quyết với những bên có tranh chấp trực tiếp, nếu tranh chấp song phương thì giải quyết song phương, đa phương giải quyết đa phương. Vì vậy chính xác là giải quyết tranh chấp các bên có trực tiếp liên quan.

Hoàng Hường (ghi)