-Có một thời, gần như mọi tội ác, sai lầm đều được “bứng” qua cái cõi mù mờ của sự đổ thừa do “ít học, kém hiểu biết”.

>> Cách duy nhất để chống ép cung

Ta chưa thấy kẻ tiểu nhân có nghĩa bao giờ

Quả thực, thống kê cho thấy tội phạm xã hội chiếm số đông trong các thành phần bỏ học sớm, lười học – những người (kẻ) luôn chịu nhiều áp lực từ các gánh nặng về vật chất, tinh thần. Mặc định của “truyền thống” cho rằng nó đã đúng, y chang như cách Khổng Tử đã từng nói: Ta chưa thấy kẻ tiểu nhân có nghĩa bao giờ.

{keywords}
Gia đình chị Huyền (nạn nhân vụ Cát Tường) vẫn đang tiếp tục tìm xác người thân của mình trên sông Hồng. Ảnh: Tri thức trẻ

Thế nhưng, nghịch lý khó tin của xã hội ta ngày nay là ngày càng nhiều những người có học (thậm chí là học rộng, biết nhiều) phạm tội- có hình, dáng, hoặc khó nhận dạng, nhưng đủ để tạo ra sự thiên hình vạn trạng của vô vàn những tội ác đau đớn, xót xa...

Có bao giờ “30% tiến sĩ chưa thực chất” – như lời của ông nguyên Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bành Tiến Long đã nói, thoảng qua ý nghĩ rằng sự khẳng định khó có thể chấp nhận về khoa học và sự thật, được làm mềm hóa, có khi lại góp phần vào sự bất an của xã hội, thậm chí có khi là tội ác?

Tại sao hàng loạt những người có học (có chức, có quyền) có đủ tinh vi để tham nhũng nhưng chẳng có sự… tinh vi hiểu biết nào trị nổi.

Có những cái “nhẹ nhàng” như chuyện “quên” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách giáo khoa về lịch sử. Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam biết rõ mình bị quên mà không hề phản ứng, âu cũng là cái độc đắc, lạ thường của một nhân cách. Dù sao, các nhà sử học, các nhà biên soạn SGK không thể biện minh về sự cố tình quên của họ. Và, dù có sửa sai hay nói cách nào đi nữa, sự dối trá (được ngụy trang bằng “quên”) cũng là một dạng khác khó chấp nhận.

Đã bao giờ ông, bà, bác, chú, anh, chị, bạn... quan sát, lắng nghe một buổi hàn huyên của giới trí thức trong phòng chờ trước giờ lên lớp hay trong một buổi họp? Tuyệt nhiên rất ít nghe nói đến chuyên môn mà quanh đi quẩn lại chỉ nghe bàn đến chuyện... tiền(!) Sắm cái gì, mua cái gì, ví như mới mua ô tô, “chỉ có 500 chơ mấy”... 500 triệu với từ đệm “chơ mấy” cho biết nhiều bậc trí thức thời nay tưởng chừng như không coi trọng đồng tiền nhưng lại chứng tỏ có không ít tiền.

Những cái xác bị lãng quên

Gần 1.000 tờ báo, trang báo dường như đang cố sức “định nghĩa” đúng và đủ về thực chất của văn hóa- đạo đức thời nay. Nếu không phải thế, tại sao vì một cái xác bị bác sĩ ném phi tang xuống sông Hồng lại dẫn đến “kết quả” khủng khiếp là cứ đi dọc theo sông Hồng, còn “tìm thấy” 06 cái xác nữa(!)? Ph.Th.H. là một trong những người phát hiện ra điều chua chát này: Những cái xác đó nhanh chóng bị lãng quên, trở nên “ít quan trọng” hơn cái xác mà cả nước muốn tìm thấy.

Có nghĩa là vì sự tò mò là chính chứ không phải vì thương xót hay đồng cảm, bởi nếu đồng cảm thì cái chết của 06 người kia tại sao lại kém tương đương so với 01 người xấu số hơn?

Chuyện bác sĩ chưa thể yên (vì đến nay xác người chết vẫn chưa nổi) thì đến vụ án động trời liên quan đến nạn nhân là ông Nguyễn Thanh Chấn. Tên của ông như là định mệnh: Chấn động cả nhân gian và làm rung chuyển cả một nền pháp lý.

Tất cả những cán bộ điều tra, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm đều là trí thức, học hành đầy đủ, nhưng ngay cả cái sự “đầy đủ “ ấy lại đẻ ra muôn vàn cái ác khác: Ép cung, “diễn” cung, chứng minh tội lỗi như diễn kịch; xử rồi quên; sai rồi đổ lỗi cho phúc thẩm, phúc thẩm công nhận tức là sơ thẩm đúng(!)? Cái tư duy lạ đời ấy có lẽ chỉ có ở nước ta: Cấp trên công nhận điều đó có nghĩa là cấp dưới không sai?

Ngay cả Érostrace có sống lại cũng phải chào thua sự ngụy biện nhường ấy.

Nên làm gì?

Đưa con người trở lại với cái “nhân chi sơ” ban đầu, có khó không?

Thứ nhất, phải dạy cho học sinh từ nhỏ việc ghét cái ác, không dung thứ sự dối trá, để sao cho thế hệ mới sau này không lặp lại những sai lầm như cha, anh, chú, bác... Làm sao đứa trẻ lại không “nuôi dưỡng” dối trá khi mà chúng được người lớn “dạy bảo” rằng dù ngoan hay không ngoan, cuối tuần vẫn có phiếu bé ngoan(!) Cái phiếu bé ngoan tưởng chừng như vô hại ấy có khi lại bắt buộc trẻ dối trá, bước khởi đầu của bệnh thành tích.

Thứ hai, một xã hội chấp nhận đạo văn, đạo học vị, học hàm TS, PGS (cả đạo danh hiệu anh hùng) mà nghe cứ như chuyện lá úa trên một bó rau thì làm sao có thể xây dựng, tái lập được các giá trị của phẩm hạnh? Vì vậy, muốn tạo nên một hay nhiều sản phẩm đúng, phải loại bỏ nhanh chóng, dứt khoát, toàn bộ các chi tiết sai – ngược lại, chỉ tạo nên sự sai, hỏng ngày càng trầm trọng hơn, đau đớn hơn.

Thứ ba, tất cả mọi sai phạm phải bị trừng trị thích đáng mà không phải vương lụy bất kỳ một sự nhân nhượng, châm chước nào. Cái tốt phải được nêu gương từ trên.

  • Thịnh Hà