Ông Phạm Bình Minh đã nhận được 85,75% phiếu từ Quốc hội để trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây không hẳn là câu chuyện về cha truyền con nối, mặc dầu ông là thứ nam của cố Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Trong quá trình công tác từ sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế năm 1981, ông Minh đã trải qua nhiều cương vị và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Điều chắc chắn hiện nay là ông Minh chưa thể nghĩ đến một cuốn sách về mình như trước đây các đồng nghiệp trong và ngoài Bộ đã viết về thân phụ của ông (1). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ông là chỉ đạo mảng ngoại giao để góp phần thúc đẩy công cuộc hội nhập toàn diện trong hoàn cảnh mới.
Tân Phó thủ tướng, ông Phạm Bình Minh. |
Thời thế tạo anh hùng
Không nhắc lại thời của kháng chiến kiến quốc mà chỉ nhìn từ giai đoạn Đổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã đi qua những cột mốc lớn. Góp phần phá bao vây cấm vận sau chiến tranh, mở đầu/thúc đẩy hội nhập bằng các hiệp định BTA và WTO lịch sử.
Thời cuộc một lần nữa, lại đặt lên vai các nhà ngoại giao nhiệm vụ không kém phần nặng nề như thuở chiến tranh hay những năm đầu mở cửa để đi đến hội nhập toàn diện như ngày nay. Bao thế hệ ngoại giao Việt Nam đã đóng góp công sức và trí tuệ để đất nước thực sự qua giai đoạn "quảng canh", đi vào thời kỳ "thâm canh" về đối ngoại.
Giờ là kỷ nguyên của các hiệp định FTA, của gia cố hệ thống đối tác chiến lược. Thời thế cấp bách cần "tư lệnh chiến trường" đủ bản lĩnh để đối mặt với thách thức.
Ông Phạm Bình Minh hoàn toàn ý thức được trọng trách của nhiệm vụ mới, giúp Thủ tướng trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Chính phủ. Sự kế tục các bậc tiền bối ở ông không hẳn là kế tục theo thế tập. Hãy nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu ông với Quốc hội: ông Minh là cán bộ được đào tạo cơ bản, kinh qua nhiều chức vụ trong ngành, được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X từ tháng 1/2009. Trong quá trình công tác, ông Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã đóng góp tích cực vào thành công trong công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định: "Ông Phạm Bình Minh đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ".
Việc Quốc hội chuẩn thuận với số phiếu cao bổ nhiệm ông Minh cho thấy, ở Việt Nam truyền thống "tre già măng mọc" được tôn vinh. Cách đây 7 năm khi mới làm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), ông Minh là thành viên duy nhất của ngành trúng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, với chức danh ủy viên dự khuyết.
Lúc bấy giờ có đại biểu tuy giữ chức vụ cao đi dự đại hội Đảng nhưng không hề có chút thông tin nào về ông Minh và phải lật giở bản danh sách ủy viên dự khuyết màu xanh nhạt để tìm kiếm. Giờ đây, tuy chưa có điều kiện giới thiệu nghị trình làm việc thể hiện quan điểm lẫn phương pháp điều hành trước Quốc hội, ông Minh vẫn được các đại biểu tin tưởng và gửi gắm nhiều hy vọng.
Một số cán bộ lão thành trong ngành Ngoại giao từng cho rằng, ông Nguyễn Cơ Thạch thả con mình xuống nước "hơi bị sớm" nên con ông chóng trưởng thành! Từ đối ngoại lẫn đối nội, ông Minh quả thực đã tìm cách "tự bơi" trong biển lớn của các thử thách từ Liên Hợp quốc (như an ninh toàn cầu, giải trừ quân bị và đặc biệt là về vấn đề Campuchia trước đây) đến các vấn đề trong nước.
Trên bàn làm việc của tân Phó Thủ tướng tuy vẫn là những hồ sơ cũ: Biển Đông, các hiệp định TPP, RCEP và gia cố đối tác chiến lược với P5 (2)... nhưng các đề xuất của ông sẽ được giới hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe. Từ lãnh đạo của một ngành, từ nay, ông Minh sẽ theo dõi công tác chỉ đạo đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ngoại giao ở tuyến đầu
Khi được truyền thông hỏi về các vị tân Phó Thủ tướng, trong đó có việc Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu, đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng - từng cho rằng, "ít nhất (các vị ấy) phải có một đối thoại với Quốc hội hoặc có bản chương trình hành động để đại biểu Quốc hội biết anh là ai, chương trình hành động sắp tới của anh thế nào? Có những lĩnh vực nào anh phụ trách và có đột phá gì với lĩnh vực đó. Có như vậy thì đại biểu Quốc hội mới yên tâm để bỏ lá phiếu phê chuẩn đối với các chức danh quan trọng này...".
Tuy nhiên, ông Tiến vẫn đánh giá, ông Phạm Bình Minh đã hoàn thành tốt trọng trách của mình, thời gian qua, công tác ngoại giao có nhiều khởi sắc tốt.
Ngày 12/11 vừa qua, thời điểm ông Minh chuẩn bị đảm đương trách nhiệm Phó Thủ tướng thì cũng là lúc Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa bầu ra 14 thành viên mới vào Hội đồng Nhân quyền, là cơ quan theo dõi và kiểm soát tình trạng lạm dụng quyền con người bằng cách ra các nghị quyết trong những trường hợp cần thiết. Và Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất so với 13 nước còn lại, đạt 184/192 phiếu thuận.
"Việc đông đảo các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt", ông Phạm Bình Minh trả lời báo chí về sự kiện này như vậy. Bảo vệ/thúc đẩy quyền con người là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hiệp quốc, bên cạnh vấn đề hòa bình - an ninh và phát triển.
Cũng theo vị tân Phó Thủ tướng, việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của ta trên lĩnh vực này. Việc Việt Nam trúng cử thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với chính sách và thành tựu của công cuộc Đổi mới toàn diện, là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trả lời báo giới bên lề Quốc hội đang họp, ông Minh khẳng định, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục đi theo đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa mà vẫn giữ được độc lập. Chính độc lập trong đường lối đối ngoại mới thể hiện được vai trò của Việt Nam. Nếu không độc lập thì sẽ bị lệ thuộc, lúc đó sẽ bị mất vai trò và các nước sẽ lợi dụng.
Nhưng bên cạnh độc lập tính, Nhà nước ta, ngay từ đầu còn nhấn mạnh hai bản chất khác của ngoại giao Việt Nam là "dân tộc và dân chủ". Nếu vai trò của người làm ngoại giao ở thời bình cũng quan trọng giống người lính ở thời chiến, như ông Minh từng phát biểu, thì trong cuộc trường chinh vĩ đại vì xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, ngoại giao Việt Nam rõ ràng đang đảm nhận một sứ mệnh mới.
Hải Đăng (theo Bizlive)
------
(1) Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003
(2)
Theo thông tin chính thống, nền ngoại giao chính trị-kinh tế-văn hóa
Việt Nam tới đây sẽ chủ động góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo (trước
hết là biển Đông), thúc đẩy công cuộc hội nhập toàn diện (tham gia hai
hiệp định tự do mậu dịch là TPP và RCEP...), xây dựng/gia cố hệ thống
"đối tác chiến lược" với các ủy viên thường trực của Liên hiệp quốc (gọi
tắt là P5) và các thành viên quan trọng khác của cộng đồng quốc tế.