Theo bà Phạm Chi Lan, tuy chiếc "ghế" mới trong Hội đồng Nhân quyền là một tin vui, nhưng Việt Nam phải làm ngay các bước để cải thiện tình hình nhân quyền.
>> "Thành công kỳ diệu" của Việt Nam
"Ý nghĩa lớn về nhiều mặt"
Ngày 12/11, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) vừa bầu ra 14 thành viên mới bổ sung vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ). Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất so với 13 nước còn lại, đạt 184/192 phiếu thuận.
"Việc đông đảo các quốc gia thành viên LHQ tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt" - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (BNG) Phạm Bình Minh trả lời báo chí về sự kiện thời sự này như vậy.
Bộ Ngoại giao đã thực hiện chiến dịch vận động tranh cử trên diện rộng cả trong nước và nước ngoài, cũng như luôn chủ trương khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Người phát ngôn BNG từng khẳng định: "Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vì vậy, việc đông đảo các quốc gia thành viên LHQ tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Trước hết, điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Trong nhiều năm qua, có thể nói phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Vẫn theo vị tân Phó Thủ tướng, thành công này không đến một cách ngẫu nhiên. Ngoài việc nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, đây còn là là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Ông Phạm Bình Minh nhớ lại, trong các cuộc tiếp xúc để vận động các nước bầu Việt Nam vào HĐNQ, ông cũng rất xúc động về tình cảm sâu sắc bạn bè quốc tế đối với đất nước, nhân dân ta; trong đó, nhiều vị lãnh đạo đã tích cực ủng hộ chúng ta trong những năm tháng đầy khó khăn trước đây của đất nước ta.
Còn nhiều việc cấp thiết phải làm
Tuy nhiên, các ý kiến trái chiều trong nước và quốc tế về việc Việt Nam trở thành thành viên mới nhất vẫn là đề tài nóng của tuần này. Có khá nhiều phản ứng khác nhau sau khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng tự hào nói với hãng BBC: "Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng".
Ông Hằng cho biết thêm: "Khi thế giới hiểu rõ hơn, từ đó họ sẽ có nhận thức, cách nhìn về vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Trước đây khi chúng ta không là thành viên, họ nói thậm chí họ ra các nghị quyết mà chúng ta không được tham gia. Còn giờ chúng ta đã có quyền phát biểu, chứng minh bằng hành động, bằng điều kiện thực tế cụ thể để cho họ nhận thức và thấy rõ quyền con người ở Việt Nam".
Trong khi đó, trao đổi với truyền thông ngày 13/11, chuyên gia Phạm Chi Lan, cho rằng: "Việt Nam còn nhiều việc cấp thiết phải làm để đáp ứng kỳ vọng trong nước cũng như của cộng đồng quốc tế".
Theo nhà quan sát này, tuy chiếc ghế mới là một tin vui, nhưng Việt Nam phải làm ngay các bước để cải thiện tình hình nhân quyền: "Trước hết, Hiến pháp của Việt Nam phải làm rõ hơn các quyền về con người, cũng như các vấn đề về nhân quyền đã được nêu ở trong Hiến pháp".
Một nội dung nữa, về cơ chế thi hành từ luật tới đây thực hiện như thế nào là việc Việt Nam cũng phải tập trung nhiều nỗ lực.
Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã hạ quyết tâm tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ.
Trong khi đó, giới phân tích trong nước cũng cho rằng, khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền rồi thì cánh cửa cũng đang mở ra rất lớn đối với Việt Nam trong qua trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.
Hải Đăng
Hội đồng nhân quyền LHQ được thành lập năm 2006 với vai trò là cơ quan quốc tế tối cao về quyền con người, chịu trách nhiệm thúc đẩy/bảo vệ quyền con người, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người trên khắp toàn cầu, hợp tác chặt chẽ và khuyến khích các quốc gia cải thiện nhân quyền. Tiền thân của Hội đồng Nhân quyền là Ủy ban nhân quyền LHQ có mục tiêu thúc đẩy/khuyến khích sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. |