- Nỗi lo cán bộ tha tôi ra rồi có bắt lại nữa không của ông Chấn không phải không có cơ sở. Kéo dài và số phận pháp lý chưa có gì có thể nói trước được - đó là tình trạng hiện nay của ông Chấn sau khi có quyết định tái thẩm của TANDTC.

LTS: Vụ án Nguyễn Thanh Chấn hiện nay đã được VKSNDTC kháng nghị tái thẩm và TANDTC xét xử tái thẩm ra quyết định hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm kết tội ông Chấn, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSNDTC để điều tra lại theo thủ tục chung. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc kháng nghị tái thẩm hay giám đốc thẩm  mới đúng? Tuần Việt Nam xin giới thiệu thêm góc nhìn của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga xung quanh vấn đề này.

{keywords}

Anh Nguyễn Thanh Chấn trở về trong vòng tay gia đình. Ảnh: XĐ

Để giải quyết vấn đề tái thẩm hay giám đốc thẩm mới đúng thì cần phải trả lời các câu hỏi sau: Vụ án có tình tiết giám đốc thẩm không và đánh giá của người kháng nghị về tính chất, mức độ của những tình tiết này như thế nào? Tình tiết đã được dùng để kháng nghị tái thẩm có đáp ứng đầy đủ căn cứ kháng nghị tái thẩm theo điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự không? Tái thẩm hay giám đốc thẩm thì dẫn đến hệ quả tốt hơn hay xấu hơn cho ông Chấn?

1. Vụ án có tình tiết để giám đốc thẩm không?

Với những thông tin mà chúng tôi có được thì có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm.

Điều này được minh chứng rõ nhất tại mục 1 trang 3 Kháng nghị tái thẩm số 01/QĐ/VKSTC-V3 ngày 04/11/2013 của Viện trưởng VKSNDTC “quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với Nguyễn Thanh Chấn có nhiều sai sót, cụ thể như sau.....”.

Những sai sót mà bản kháng nghị đề cập đến đó là: về khám nghiệm hiện trường, về đánh giá chứng cứ nhất là chứng cứ ngoại phạm, về điều tra chưa đầy đủ...  Đặc biệt, bản kháng nghị đã khẳng định: “Từ những tình tiết nêu trên, thấy rằng Tòa án các cấp kết án Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người là chưa đủ căn cứ”.

Tôi cho rằng, đây không chỉ là “sai sót” mà chính là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án, có đầy đủ căn cứ quy định tại Điều 273 để kháng nghị giám đốc thẩm.

Nhưng điều khó hiểu ở đây là: tuy đã thẳng thắn chỉ ra đúng những sai sót của quá trình xử lý vụ án, khẳng định việc Tòa án các cấp kết án Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người là chưa đủ căn cứ, nhưng Viện kiểm sát tối cao (VKSTC) lại không kháng nghị giám đốc mà đưa ra một tình tiết khác, coi đó là tình tiết tái thẩm để rồi đi đến kết luận: Kháng nghị tái thẩm.

2. Căn cứ để kháng nghị tái thẩm?

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là tình tiết đã được VKSNDTC dùng để kháng nghị có đáp ứng căn cứ kháng nghị tái thẩm theo điều 291 BLTTHS không?

Theo Kháng nghị tái thẩm số 01/QĐ/VKSTC-V3 và Quyết định tái thẩm số 18/2013/HS-TT ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì tình tiết tái thẩm chủ yếu là: Bản tự thú và lời khai nhận giết chị Hoan của Lý Nguyễn Chung.

 Vậy thì việc Lý Nguyễn Chung tự thú có đúng là căn cứ tái thẩm theo quy định tại Điều 291 của BLTTHS hay không?

Tôi xin trở lại với điều 291 quy định về những căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, bao gồm 4 căn cứ:

“1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

 2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật”.

Phân tích kỹ quy định tại các khoản từ 1 đến 4 cho thấy: những căn cứ này đều phải là những tình tiết mà Tòa án đã dùng để giải quyết vụ án cũ. Cái mới ở đây là phát hiện nội dung mới, khác với bản chất so với trước đây mà tòa án đã không biết được khi dùng làm căn cứ kết luận vụ án nhưng không do lỗi của Tòa.

Do Kháng nghị số 01 đã không viện dẫn đích danh tình tiết mới dùng để kháng nghị là thuộc khoản cụ thể nào của Điều 291 nên cần phải phân tích kỹ. Tình tiết Lý Nguyễn Chung tự thú chắc chắn không thuộc các khoản 1, 2, 3. Vậy khả năng còn lại chỉ là VKSTC đã áp dụng khoản 4: “Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật”.

Vậy việc Lý Nguyễn Chung tự thú có phải là nguyên nhân làm cho Vụ án kết tội ông Chấn giết người bị giải quyết không đúng sự thật không?Tôi cho rằng hoàn toàn không phải như vậy, bởi căn cứ  các lý do sau đây:

- Thứ nhất, tình tiết này khá độc lập với việc giải quyết vụ án ông Chấn bởi tòa án chưa từng dùng nó để giải quyết vụ án. Như vậy là không thỏa mãn tinh thần của Điều 291 là tình tiết đó phải là tình tiết đã từng được xét đến trong vụ án cũ.

- Thứ hai, quan trọng hơn, đó là: Việc Chung tự thú không thể là nguyên nhân làm cho vụ án đã kết tội ông Chấn bị giải quyết không đúng sự thật được!

Lý do: vệc ông Chấn có giết chị Hoan như VKS truy tố không, và nếu không phải ông Chấn thì ai giết là hai việc hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau.

Không thể có chuyện nếu không tìm ra ai giết chị Hoan thì chỉ có là ông Chấn.

Theo pháp luật hiện hành thì: Nếu việc điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Chấn đảm bảo khách quan, hoàn toàn đúng pháp luật thì cho dù Lý Nguyễn Chung hay bất kỳ người nào nữa đứng ra nhận mình giết chị Hoan cũng không ảnh hưởng gì  đối với bản án đã kết tội ông Chấn.

Ngược lại, nếu việc điều tra, truy tố, xét xử ông Chấn sai lầm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cho dù đến hàng bao nhiêu năm sau không tìm ra thủ phạm giết chị Hoan thì ông Chấn vẫn là người hoàn toàn vô tội.

Thế thì tại sao lại có thể khẳng định việc Lý Nguyễn Chung tự thú lại là nguyên nhân làm cho Vụ án kết tội ông Chấn giết người bị giải quyết không đúng sự thật và lấy đó làm căn cứ để tái thẩm?

Sự thật khách quan mà tòa án có nhiệm vụ phải xác định ở đây là: ông Chấn có giết người như VKS truy tố hay không, và việc kết tội phải dựa trên những bằng chứng có thật, đúng đắn, không liên quan gì đến việc Lý Nguyễn Chung tự thú sau này.

{keywords}

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga. Ảnh: Ngọc Lê

Tôi cho rằng, cùng với những sai lầm nghiêm trọng mà VKSTC đã chỉ ra, chính tình tiết Chung tự thú lại càng minh chứng rõ ràng hơn cho những khả năng có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc kết tội ông Chấn để giám đốc thẩm chứ không phải là tình tiết để tái thẩm.

3. Lấy thủ tục tái thẩm để thay thế cho giám đốc thẩm sẽ dẫn đến hậu quả gì cho ông Chấn

Do tính chất và giới hạn phạm vi của tái thẩm nên Hội đồng tái thẩm chỉ xem xét tình tiết tái thẩm mà VKS kháng nghị, không xem xét để chỉ ra những vi phạm pháp luật và sai lầm nghiêm trọng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử ông Chấn vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của giám đốc thẩm.

Lấy tái thẩm thay thế giám đốc thẩm là đã bỏ qua hay nói đúng hơn là giấu đi được những sai lầm chủ quan của các hoạt động tố tụng trước đó.

Mặc dù nếu ông Chấn bị oan thì trách nhiệm bồi thường sau này vẫn thuộc tòa án cấp phúc thẩm theo Khoản 2 Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Nhưng ông Chấn thì bị đưa vào một tình trạng pháp lý bất lợi hơn. Cụ thể là:

Thứ nhất: Do Lý Nguyễn Chung mới tự thú, còn để kết luận Chung có phạm tội hay không còn phải đợi đến lúc bản án kết tội Chung có hiệu lực. Vì vậy, Hội đồng tái thẩm không thể hủy án, đình chỉ vụ án đối với ông Chấn, mà chỉ có  thể hủy án và chuyển hồ sơ cho VKS để điều tra lại theo thủ tục chung, tức là lại bắt đầu một vòng quay tố tụng mới từ giai đoạn điều tra.

Như vậy là 10 năm ngồi tù với đầy khả năng oan chưa đủ dài? Nay lại quay trở về điểm xuất phát, vẫn là bị can với các trình tự thủ tục từ giai đoạn điều tra, với số phận pháp lý lại treo lơ lửng!

Nỗi lo “cán bộ tha tôi ra rồi có bắt lại nữa không?" của ông Chấn không phải là không có cơ sở.

Kéo dài và số phận pháp lý chưa có gì có thể nói trước được - đó là tình trạng hiện nay của ông Chấn sau khi có quyết định tái thẩm của TANDTC.

Có thể ông sẽ được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, hoặc ở giai đoạn truy tố, hoặc tuyên vô tội ở xét xử sơ thẩm, hoặc phúc thẩm. Nhưng thực tiễn hoạt động tố tụng nhiều năm qua cho thấy cũng không hiếm trường hợp sau khi hủy án điều tra lại thì kết quả lại vẫn như cũ.

Trong khi đó, nếu giám đốc thẩm, xem xét kỹ nếu thấy việc kết tội ông Chấn là không đủ căn cứ như khẳng định của Viện trưởng VKSTC mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên thì Hội đồng giám đốc có thể hủy án, giao TAND tỉnh Bắc Giang xử lại theo hướng ông Chấn không có tội, trả tự do và sau đó tiến hành các thủ tục bồi thường, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông.

Hướng xử lý này không những ngắn mà với trình tự giải quyết này sẽ đảm bảo công bằng cho ông Chấn vì: nếu 10 năm trước, ông bị kết tội oan bởi một Hội đồng xét xử nhân danh nhà nước thì nay cũng phải nhân danh nhà nước bằng một một HĐXX khác để minh oan cho ông.

Thứ hai: Khi hủy án để điều tra lại không phải vì nguyên nhân “lần trước điều tra sai pháp luật” mà vì lý do Chung tự thú thì vô hình chung, việc điều tra lại để xác định ông Chấn có phạm tội hay không lại phụ thuộc vào kết quả điều tra đối với Lý Nguyễn Chung?

 Giả sử kết quả điều tra không đủ căn cứ để kết luận Chung giết chị Hoan thì VKSTC lại hủy quyết định tạm đình chỉ thi hành án và bắt ông Chấn tiếp tục vào tù hay sao? Đây là một điều hết sức phi lý, không chỉ pháp luật Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng không ai cho phép ghép hai việc này làm một để làm như thế!

Tóm lại, quan điểm cá nhân tôi cho rằng: Lý Nguyễn Chung tự thú là tình tiết nằm ngoài vụ án  đã kết tội ông Chấn, không đáp ứng bất kì căn cứ tái thẩm nào quy định tại 4 khoản của Điều 291 BLTTHS.

Việc tự thú của Lý Nguyễn Chung là một tình tiết có giá trị cùng với các tình tiết sai lầm khác mà VKSTC đã chỉ ra, càng minh chứng rõ ràng hơn cho những vi phạm nghiêm trọng của việc xử lý vụ ông Chấn. Cần phải kháng nghị để giám đốc thẩm.

  • ĐBQH Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội)

Xem các bài cùng chủ đề

Khi quyền bào chữa chỉ là... hư quyền

Minh bạch hóa ở mức có thể nhất trong quá trình tố tụng là một trong những giải pháp chống oan sai. Khi đó, bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trong thu thập chứng cứ và tranh luận , bên xét xử khách quan, vô tư phán quyết trên cơ sở tranh tụng giữa bên buộc và bên gỡ.  

Án oan, bồi thường không bù đắp hết tổn thất

Việc định kiến người bị tình nghi là người có tội là hết sức nguy hiểm. Kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tràn lan, thiếu căn cứ.