- "Ghế nóng" chất vấn không thể tùy ý bị biến thành "ghế nguội" hay cơ hội cho ai đó ít xuất hiện trước công chúng đứng lên "trả bài".

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 đã đi qua những ngày "nóng" nhất. Đó là các phiên thảo luận Kinh tế - xã hội và thảo luận Hiến pháp, phê chuẩn nhân sự các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng...

Sự kiện được mong đợi cuối cùng chính là phiên chất vấn trực tiếp tại nghị trường sẽ diễn ra trong tuần này. Và, như thông lệ, câu hỏi "chọn ai ngồi ghế nóng" lại tiếp tục được hầu hết cử tri quan tâm.

{keywords}

Phiên chất vấn tại nghị trường sẽ diễn ra từ 19 – 21/11. Ảnh: Minh Thăng

Theo lôgic, hẳn nhiên, Quốc hội sẽ chọn các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đang "nổi sóng", được dư luận quan tâm nhiều nhất.

Ở nhiều kỳ họp trước, đặc biệt trong khóa 12, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã từng dăm lần "chịu trận" vì các chất vấn "sôi sùng sục" về chuyện nhà đầu tư nước ngoài trồng rừng ở VN.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đăng đàn liên tục nhiều kỳ họp trong "tâm bão" dư luận để giải trình về thua lỗ ở EVN, chuyện tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thủy điện tràn lan, khai thác bôxit Tây Nguyên....

Những câu trả lời đó cho dù chưa thật sự giải tỏa được tâm tư của đại biểu và cử tri, thậm chí các trưởng ngành còn có lúc “sẩy miệng” nói hớ, nhưng chỉ riêng sự xuất hiện của họ trên nghị trường đã cho cử tri lời giải về vấn đề mà họ đang quan tâm nhất.

Đặc biệt, người dân có thể thấy rất rõ rằng, nguyện vọng của cử tri cũng chính là nguyện vọng của các ĐBQH. Hay, nói cách khác, là chính các ĐBQH, bằng bản lĩnh và sự quyết liệt của mình đã đeo bám các vấn đề người dân gửi gắm, để chất vấn trực tiếp trên nghị trường chứ không chỉ nghe, hứa, rồi để nói ở đâu đó.

Như thế, không ai khác, mà chính cử tri, thông qua các ĐBQH, là người có quyền "được chọn" ai lên ghế nóng chất vấn... Vậy quy trình chọn người nào lên "trả bài" ở nghị trường lâu nay đã hữu hiệu, chặt chẽ hay chưa?

Kỳ họp QH thứ 6 lần này vốn đã "nóng" ngay từ những ngày đầu bởi câu chuyện ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường  và hàng loạt các vụ việc sai phạm gây bức xúc khác của ngành y. Trước phiên chất vấn, một số ĐBQH khi trao đổi với báo giới đã khẳng định, họ quan tâm đến vấn đề chất lượng y tế và một số vấn đề khác về kinh tế như nợ công, thâm hụt ngân sách...

Tuy nhiên, phiếu xin ý kiến của đoàn thư ký kỳ họp thậm chí không hề có tên vị trưởng ngành y tế hay một số bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực về kinh tế, mà chỉ ghi tên 5 người, để chọn ra 4.

5 vị bộ trưởng trong danh sách là trưởng các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Khoa học- Công nghệ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Phiếu xin ý kiến cũng không có mục "đề xuất thêm" để các ĐBQH có thể tự do bổ sung tên vị bộ trưởng mình muốn chất vấn. Một thành viên đoàn thư ký kỳ họp lý giải, do trước đó, các ĐBQH đã nhận được một phiếu thăm dò khác yêu cầu ghi các câu hỏi/ vấn đề cần chất vấn. Trên cơ sở tổng hợp các câu hỏi đó mới tiếp tục sang "bước thứ hai" là chọn lựa người trả lời chất vấn.

"Bộ trưởng Bộ Y tế có  số câu hỏi gửi đến không nhiều, xếp thứ tự chỉ đứng thứ 7, thứ 8 cho nên không đưa vào danh sách 5 vị bộ trưởng để ĐBQH lựa chọn", ông Nguyễn Hạnh Phúc, trưởng đoàn thư ký kỳ họp lý giải.  Ngoài ra, việc chọn ai lên ghế nóng còn dựa trên tiêu chuẩn khác, là  ưu tiên các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có dịp nào lên trả lời chất vấn ở Quốc hội.

Vậy là, các ĐBQH muốn chất vấn bộ trưởng Y tế đành "ngậm ngùi" chấp nhận lời giải thích này. Cho dù, có một thực tế là vị trưởng ngành nông nghiệp vừa mới đăng đàn trả lời chất vấn vào kỳ họp thứ 5 vừa rồi.

Và, chuyện "phân chỉ tiêu" này chỉ là nói miệng chứ không đặt thành luật lệ hay nội quy. Bởi thực tiễn cuộc sống đòi hỏi nghị trường phải có tương tác phù hợp, chứ "ghế nóng" chất vấn không thể tùy ý bị biến thành "ghế nguội" hay cơ hội cho ai đó ít xuất hiện trước công chúng đứng lên "trả bài" cho  phải phép.

Một số ĐBQH cho rằng, quy trình chất vấn đáng lý phải chặt chẽ hơn. Chọn vấn đề gì, chọn trưởng ngành nào phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Việc lấy ý kiến thăm dò của ĐBQH cũng vậy, phải được thống kê rõ ràng, công khai minh bạch, chứ không phải "lấy cho có"....

Bởi, nếu cứ làm theo cách cũ, thì  việc chọn ai đó lên ghế nóng dường như đã được thông qua "một bộ lọc" khác. Chứ không phải dựa trên nguyện vọng của cử tri hay đòi hỏi bức xúc của cuộc sống.

 

Phiên chất vấn tại nghị trường sẽ diễn ra từ 19 – 21/11. Bốn vị trưởng ngành sẽ đăng đàn kỳ này là bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thông tin- Truyền thông và Chánh án Toàn án Nhân dân Tối cao.

Như thông lệ ở các phiên họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người “chốt” phiên chất vấn, để giải trình, làm rõ thêm các vấn đề.

  • Lê Nhung