Tuần trước, tại nghị trường Quốc hội, bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói: “Quy hoạch thuỷ điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
Không ít người đã phải bàng hoàng, lo ngại trước một phát biểu như vậy. Bởi trong mấy năm nay, hàng vạn, hàng chục vạn hộ dân sống ở các vùng dày đặc các dự án thuỷ điện như ở miền Trung đã phải gánh chịu không ít hậu quả từ những trận lũ lụt, những vụ xả lũ, những cơn địa chất có nguồn gốc từ xây đập thuỷ điện… tạo nên. Đã có những cái chết thương tâm, những nhà cửa bị ngập, bị đổ nát…
Lũ dữ ở Nam Trung Bộ. Ảnh: VietNamNet |
Có những người dân bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn chạy vào rừng, lên chỗ núi… để trốn tránh hậu quả do động đất thuỷ điện Sông Tranh 2, do những đợt xả lũ bất ngờ từ các hồ, đập thuỷ điện.
Nhưng cuối cùng, trách nhiệm về hậu quả, như bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói, là “chúng ta nói về chúng ta”…
Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh hôm đó đã nói rằng: “Tôi không hiểu bộ trưởng nói gì?”
Và cũng thật trùng hợp, chỉ 2 – 3 hôm sau lời phát biểu gây lo ngại ấy của bộ trưởng bộ Công thương, những đợt xả lũ bất thần từ 15 nhà máy thuỷ điện ở miền Trung, có nơi chỉ báo cho dân là sẽ xả lũ trước 5 – 10 phút, đã nhấn chìm nhiều vùng, miền ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Cho đến hôm qua, theo các con số thống kê của các địa phương bị lũ, lụt, đã có tới 31 người chết, hàng chục người mất tích, bị thương… Hàng chục vạn ngôi nhà, xóm, làng, khu phố bị chìm ngập trong biển nước. Hàng vạn hecta đồng ruộng, hồ ao, đầm… nuôi cá đến kỳ thu hoạch đã mất trắng. Hàng chục công trình được đầu tư hàng ngàn, hàng tỉ đồng bị xuống cấp, hư hỏng. Tất cả, chưa được thống kê hết nhưng nó như một lời đáp đầy nghiệt ngã, ngay lập tức sự vu vơ về “trách nhiệm” – được nói ra từ bộ trưởng Hoàng – người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thuỷ điện, phê duyệt các dự án thuỷ điện.
Cũng trong tuần trước, Thủ tướng đã phê duyệt khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013 – 2015, theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu trong giai đoạn này là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh (chưa thuế VAT). Quyết định này cũng sẽ giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý khoản lỗ vài chục ngàn tỉ đồng, đảm bảo cho EVN kinh doanh có lãi.
Điều này được hiểu là giá điện sẽ tiếp tục tăng trong các năm sau, EVN và các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án thuỷ điện ở vùng miền Trung sẽ có lãi, nhất là thuỷ điện. Người ta đã tính rằng, trong các loại hình đầu tư nhà máy điện thì thuỷ điện có lãi nhất, đơn giản vì nó chạy bằng... sức nước. Và đó là lý do đầu tư vào thuỷ điện, như một phong trào, rầm rộ như những cơn lốc vào các tỉnh miền Trung – nơi có nhiều sông suối, có độ dốc cao, dễ làm thuỷ điện trong những năm qua.
Cho dù, đã có sự bừng tỉnh nhất định khi liên tiếp trong mấy năm vừa rồi, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số đoàn kiểm tra của bộ Công thương… đã kiểm tra, rà soát lại quy hoạch thuỷ điện và loại bỏ ra 424 dự án thuỷ điện ra khỏi quy hoạch. Nhưng dường như cũng đã chậm. Hàng trăm dự án thuỷ điện còn lại đã quét đi hơn 50.000ha rừng (số liệu của bộ Công thương), hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến họ phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… lao đao trong sinh hoạt. Và như một hậu quả nhãn tiền, những cơn mưa không thực sự lớn đã tạo lên những cơn lũ hung hãn – bởi rừng không còn giữ nước, các hồ thuỷ điện dung tích lại nhỏ, không điều hoà được cả mùa mưa, mùa khô… Những cơn lũ ấy, đã gây nên những hậu quả đau lòng thế nào thì bất cứ ai xem hình ảnh, tường thuật trên báo chí, trên đài truyền hình đều thấy rõ.
Nhưng cuối cùng, cứ như lời của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trách nhiệm của địa phương hay của bộ Công thương hay của Quốc hội – do không giám sát kỹ ? Không ai rõ, không ai truy và câu hỏi đó luôn có một câu trả lời luẩn quẩn: chúng ta nói về trách nhiệm của chúng ta. Không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cả.
Không ai bị cách chức vì cấp phép cho những dự án đã gây tác động môi trường lớn cho những thảm hoạ tiềm tàng. Mặc dù, lợi nhuận của việc bán từng kWh điện từ các nhà máy thuỷ điện vẫn đến những tài khoản cụ thể: của chủ đầu tư, của người điều hành dự án, và có thể, còn đến tài khoản của những người cấp phép cho những dự án đã xả những đợt lũ bất thần, chết chóc ấy và cả những dự án may mắn không bị loại ra khỏi quy hoạch.
Mạnh Quân/ Theo SGTT