Thời gian này, những tin tức về hoạt động bí mật phân tích và thu thập tin tức tình báo, hay còn gọi là gián điệp, của Mỹ và Australia liên tục được đăng tải trên báo chí toàn cầu. Tuy nhiên, hai quốc gia trên không phải trường hợp cá biệt.
Nghiên cứu mới đây của Viện dự án 2049 - Project 2049 Institute (Virginia, Hoa Kỳ) về Tổng cục chính trị thuộc Quân giải phóng Nhân dân (QGPND) Trung Quốc đã khiến hoạt động gián điệp của Trung Quốc cũng bất ngờ thu hút sự quan tâm. Song, trường hợp này liên quan đến tình báo từ nguồn con người (HUMINT) hơn là tình báo tín hiệu (SIGINT, hay nghe lén điện tử) như trường hợp của Mỹ và Australia.
Hai tác giả của nghiên cứu, Mark Stokes và Russell Hsiao, đã mô tả chi tiết lịch sử và các hoạt động chính trị hiện tại của quân đội Trung Quốc. "Chiến tranh chính trị" là một bộ phận trong chiến lược quân sự của Trung Quốc kể từ thời Quốc dân đảng cho đến nay. Đây vốn vẫn được định hướng là hoạt động nội địa, nhưng với sự tham gia ngày càng sâu vào toàn cầu hóa của Trung Quốc, vai trò của Cục liên lạc thuộc Tổng cục chính trị cũng ngày một quốc tế hoá.
Stokes và Hsiao cho rằng, chiến tranh chính trị, với nhiệm vụ góp phần tăng cường các quan hệ đối ngoại truyền thống và quân sự chính thức, đã trở thành "biện pháp tích cực để thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong trật tự quốc tế mới và bảo vệ đất nước chống lại các mối đe doạ an ninh quốc gia".
Ảnh minh họa, nguồn: Flickr.com |
Cục liên lạc được coi là một nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng tình báo Trung Quốc. Nhưng chức năng của cục này rộng hơn, vì còn phát triển mối liên kết với giới tinh hoa toàn cầu và nhằm mục tiêu gây ảnh hưởng lên các chính sách và thái độ của các quốc gia, các thể chế và các nhóm bên ngoài Trung Quốc.
Cục này tham gia một loạt các hoạt động bao gồm tuyên truyền, liên lạc, gây ảnh hưởng, thu thập thông tin và quản lý nhận thức. Các thành viên của Cục đôi khi được cử đến làm việc tại các đại sứ quán Trung Quốc. Tóm lại, phạm vi nhiệm vụ của cục này liên quan đến "mánh khóe" gây ảnh hưởng hơn là việc sử dụng các sức mạnh mềm thông thường.
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Cục liên lạc thiết lập một loạt tổ chức, trong đó, nổi bật nhất về mặt hoạt động quốc tế là Hiệp hội hữu nghị quốc tế Trung Quốc (CAIFC).
Trên trang web của mình, CAIFC tự giới thiệu là "một tổ chức xã hội nhằm mục đích tăng cường giao lưu hữu nghị trong khu vực và quốc tế", mà hoàn toàn lờ đi mối liên hệ mật thiết với QGPND và Uỷ ban quân sự trung ương Trung Quốc.
Hiệp hội này tổ chức các hoạt động và chuyến thăm, rồi mời những nhân vật danh tiếng thế giới tham gia. Chẳng hạn, diễn đàn từ thiện đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 11/2012 có sự hiện diện của tỷ phú Bill Gates, thủ tướng Anh Tony Blair, và thống đốc Tây Úc Malcolm McCusker, cùng với "40 chuyên gia tư vấn và lãnh đạo CAIFC". Cựu thủ tướng Úc John Howard cũng là khách danh dự được tiếp đón nhiệt tình bởi ông Thành Tư Nguy, chủ tịch Quỹ nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc - một tổ chức gắn bó chặt chẽ với QGPND Trung Quốc.
Mới đây, CAIFC cũng được cho là đã mời bà Aung San Suu Kyi đến thăm Trung Quốc, dù Bộ Ngoại giao nước này phản đối. Điều này cho thấy một số khác biệt trong chính sách ngoại giao giữa Quân đội và Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Lý Triệu Tinh, chủ tịch CAIFC hiện nay là cựu ngoại trưởng Trung Quốc, người kết hợp các hoạt động của CAIFC với các tổ chức ngoại giao chính thức như Hiệp hội ngoại giao Trung Quốc cũng do ông đứng đầu. Một trong những phó chủ tịch CAIFC là bà Đặng Dung, con gái của Đặng Tiểu Bình, cũng đang thu hút nhiều sự chú ý.
Stokes và Hsiao chỉ ra, trong vai trò thành viên CAIFC, các đặc vụ cao cấp của QGPND Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ của Cục liên lạc. Trong số các đặc vụ có Hình Vân Minh, phó chủ tịch của CAIFC, được giới thiệu trên website Hiệp hội là một quan chức từng phục vụ tại Nam Kinh và Bộ nội vụ Trung Quốc. Nhưng theo nghiên cứu tiết lộ, thiếu tướng Hình cũng là giám đốc của Cục liên lạc thuộc Tổng cục chính trị của QGPND Trung Quốc từ năm 2007.
Còn Lý Hiểu Hoa, một phó chủ tịch của CAIFC, được giới thiệu với lý lịch là kinh tế gia từng làm việc cho Uỷ ban kinh tế thương mại Quảng Đông và Uỷ ban kế hoạch quốc gia. Thế nhưng, ít ai biết ông này cũng là một thiếu tướng trong quân đội Trung Quốc và là phó giám đốc Cục liên lạc. Thiếu tướng Lý thường xuyên gặp gỡ và tiếp đón những vị khách cao cấp trong khu vực liên quan đến phạm vi quản lý của ông tại CAIFC.
Một phó chủ tịch khác của CAIFC, Trần Tổ Minh, là chuyên gia tiếng Nga trước đây làm việc cho Sở ngoại thương Sơn Đông. Ông này cũng phục vụ trong quân đội Trung Quốc với hàm thiếu tướng, và lãnh đạo Cục liên lạc nhiệm kỳ trước Hình Vân Minh. Nhiệm vụ của Trần Tổ Minh là phát triển mối liên hệ với Nga và các nước Đông Âu.
Cuối cùng là Tân Kỳ, cũng là phó chủ tịch CAIFC, một học giả tích cực tham gia các hoạt động văn hóa và xuất bản. Tuy nhiên các trang web của quân đội Trung Quốc cũng ghi nhận ông là Thiếu tướng Tân Kỳ, phó giám đốc của Cục liên lạc.
Sự tham gia mật thiết của các thành viên cao cấp thuộc QGPND Trung Quốc trong hoạt động của CAIFC rõ ràng cho thấy vai trò "cánh tay" ngầm cho quân đội Trung Quốc của tổ chức này trong công tác tuyên truyền và tình báo.
Như Nguyệt (theo Aspistrategist.org.au)
*Tác giả bài báo, Geoff Wade, là một nhà báo nghiên cứu quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ông phụ trách phát triển dự án Trung Quốc - Asean và Trung Quốc - Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.
----
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam