Nghiêm khắc, nhưng thầy là người bao dung, dễ động lòng trắc ẩn trước những bài toán của cuộc đời học trò, những bài toán thế thái nhân sinh.
>> 'Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai'
Cách đây 7 năm, vào dịp gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2006, độc giả cả nước được biết đến và bàn luận nhiều về sự kiện một thầy giáo đọc văn của học trò trong lễ chào cờ đầu tuần. Đó là thầy Lê Trần Bân, phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An), phát biểu cảm nghĩ và đọc bài văn của em Nguyễn Thị Hậu, một học sinh nghèo của trường về người cha của mình.
Chắc là nhiều người nghĩ thầy Bân dạy văn mới yêu văn như vậy. Hóa ra thầy dạy toán suốt mấy chục năm, nổi tiếng ở Nghệ An vì dạy toán hay. Học trò thầy nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau là học sinh giỏi toán. Thế mà thầy lại rất mê thơ văn, mê sách.
Tủ sách của thầy dọc bức tường căn phòng toàn là tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, sách lịch sử, sách chân dung.... Tuần nào thầy cũng tìm đọc các báo về văn học như Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, Nghệ Thuật Mới..., hoặc các mục về văn học-nghệ thuật trên các báo ngày.
Vợ chồng thầy Bân. Ảnh: tác giả cung cấp |
Mê văn, bản thân thầy cũng đậm chất văn. Theo lời kể của những người tham dự lễ chào cờ, "thầy Bân đọc được nửa bài văn quá xúc động nghẹn lời, ngân ngấn nước mắt". Có lẽ đây là một trong những bài "giáo dục công dân" lay động nhất nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu của người thầy dành cho học sinh mình, trân trọng suy nghĩ, tình cảm của học trò. Những học sinh được nghe thầy đọc bài văn dưới cờ sẽ có một dấu ấn rất khó quên trong cuộc đời sau này...
Mau nước mắt, nhưng thầy Bân nổi tiếng là nghiêm khắc trong giảng dạy, đánh giá học trò, đến nỗi nhiều học sinh "sợ" thầy. Nhưng sự nghiêm khắc đó lại rất công tâm, công bằng với mọi học trò. Nghiêm khắc, nhưng thầy là người bao dung, dễ động lòng trắc ẩn trước những bài toán của cuộc đời học trò, những bài toán thế thái nhân sinh.
Thời bao cấp, vợ chồng thầy với hai đứa con ở căn phòng nhỏ trong khu tập thể của trường, mái tranh vách nứa, thiếu thốn đủ bề. Nhưng thầy cô đã cho cậu học trò ở cùng theo lời nhờ của bố mẹ các cậu, nuôi dưỡng, chăm nom, kèm cặp như con. Đến đúng dịp thi tốt nghiệp, cô đi vắng, thầy đã lo các bữa ăn cho mấy trò nữa. Nay cậu bé ấy đã là đại tá hải quân, không bao giờ quên những ngày tháng ở với thầy cô như cha mẹ.
Một lần, trong vở của cậu học trò vốn nghịch ngợm có dòng chữ "Thầy Bân..." lời lẽ rất hỗn. Ngồi trước trang vở, thầy đã phải chong đèn suy nghĩ rất lâu. Hôm sau, hai mẹ con cậu được mời đến nói chuyện. Người mẹ rất đỗi lo sợ con mình sẽ bị đuổi học, nhưng thầy chỉ nhẹ nhàng nói: "Chuyện đã qua rồi, thầy sẽ không đưa nó ra, và cũng sẽ không nhắc lại nữa. Chỉ mong em không lặp lại lỗi lầm này nữa".
Thế là, một bài toán khó đã được hóa giải bằng tình yêu thương, lòng bao dung đối với học trò. Đứa học trò xưa nay đã thành đạt, mỗi lần đến thăm thầy lại nhắc lại chuyện cũ, "lúc đó thầy mà đưa chuyện của em ra, em bị đuổi học thì không biết cuộc đời em đi về đâu".
Còn nhiều những câu chuyện như vậy trong suốt cuộc đời làm thầy.
Thầy Bân bây giờ đã về hưu mấy năm, vui vầy cùng cháu con. Những lứa học trò cũ nhiều người gửi con cho ông Bân dạy toán. Cô học trò nhỏ được thầy đọc bài văn dưới cờ, cùng bao thế hệ học trò khác thật hạnh phúc khi được sự dìu dắt, dạy dỗ của những người thầy như thế!
Do những cống hiến cho ngành giáo dục, thầy Lê Trần Bân đã được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng trong suốt cuộc đời dạy học của mình, niềm hạnh phúc lớn hơn nhiều, hạnh phúc lớn nhất chính là tình cảm bao thế hệ học trò dành cho thầy, thậm chí phải nói là trò "mê" thầy Bân. Không chỉ dịp lễ Tết, 20/11, và nhất là không chỉ học trò đang học, mà học trò cũ đến với thầy đông không kém, vui không kém, tình cảm không kém.
Thầy đi đâu, dù ra Hà Nội, vào Sài Gòn, hay Nha Trang, đều có học trò cũ đón tiếp như đón cha mẹ mình. Nghe tin thầy định đi nghỉ, học trò liền gọi điện "em xin phép lo vé máy bay cho thầy cô", học trò khác "bao" ăn nghỉ; biết thầy cô sửa nhà, học trò các nơi gửi tiền về như gửi cho cha mẹ; hè đến, thầy cô lại "phải" sắp xếp lịch để "chạy sô", vì học trò các khóa tranh nhau mời thầy cô xuống Cửa Lò nghỉ mát...
Không hiểu tại sao các thế hệ học trò lại yêu quí, "mê" thầy đến vậy. Như năm nay, còn một tháng nữa mới đến ngày Nhà giáo Việt Nam, đã có học trò cũ gọi điện "đặt hàng": 20/11 chúng em xin phép gặp thầy cô ở Hà Nội để chúc mừng, kệ các bạn ở Nghệ An nhá. Trò sẽ lại mời thầy đi ăn, thầy và trò sẽ lại ngồi với nhau, ăn thì ít, ôn lại chuyện cũ, hàn huyên mới nhiều.
Và mấy đứa "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" lại trêu chọc thầy, trách thầy ngày xưa "cưng thằng Tú, nhưng em mới là thằng học giỏi nhất"... Thầy lại không nói gì nhiều, chỉ ngồi cười, có lẽ hơi rơm rớm nước mắt, nụ cười hiền hậu, bao dung, rạng ngời hạnh phúc và niềm vui trong tình thầy - trò, trò - thầy.
-----
*Mấy lời ngoài lề:
Con gái mình cũng được Thầy Bân "tự nguyện" kèm toán và kèm cả văn, vẫn với phong cách ấy, vừa nghiêm khắc, vừa hiền hậu, bao dung, nhưng có khác đôi chút là thỉnh thoảng "trò" được phép nhõng nhẽo với "thầy". Chắc là nhờ cô trò nhỏ cũng đồng thời là cháu ngoại của Ông.
Con gái út của thầy giờ cũng dạy toán, chủ nhiệm lớp, được trò yêu mến nhiều.
Còn con gái đầu thì "bao dung độ lượng" đã cứu đời mình và giúp cả bố mẹ mình cất đi nỗi lo thằng con bị... ế.
Nguyễn Đức Lam
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam