-Theo dõi các trưởng ngành "trả bài" trên nghị trường ba ngày qua, vẫn thấy có những phiên hỏi - đáp "lấy lệ", câu giờ. Trong khi đó, vẫn còn những câu hỏi tâm huyết đang "treo" lơ lửng đâu đó.

Khảo sát bỏ túi với các ĐBQH sau ba ngày chất vấn vừa qua, rằng "ghế" nào nóng nhất, thì hầu hết câu trả lời nhận được, đó là ... mấy cái ghế còn trống. Trong đó, đáng nói nhất là chiếc ghế trống của vị trưởng ngành Công thương, người đã không xuất hiện trong danh sách "trả bài" ở nghị trường lần này nhưng liên tục nhận được các câu hỏi chất vấn liên quan đến chuyện thủy điện xả lũ gây lũ lụt lịch sử ở khu vực Nam Trung Bộ.

Đang đi công tác nước ngoài, hẳn vị trưởng ngành Công thương cũng gián tiếp cảm nhận được sức nóng, thông qua các bản tin nghị trường hàng ngày mà báo chí cập nhật...

{keywords}
Câu chuyện thủy điện làm nóng hành lang nghị trường, khi cánh phóng viên "quây" Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để hỏi tình hình, ngay sau khi ông vừa thị sát rốn lũ miền Trung trở về. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chuyện thủy điện xả lũ vốn đã được nhiều ĐBQH đeo bám suốt nhiều kỳ họp QH vừa qua, với những cái tên đã gắn "thương hiệu" chuyên hỏi về thủy điện, như ĐB "Quảng Nôm" Ngô Văn Minh, ĐB Trương Văn Vở...

Còn theo tờ VNEconomy, thì tại một kỳ họp khóa 12, ĐB Nguyễn Đình Xuân  thậm chí đã từng đề xuất lập một ủy ban điều tra liên ngành để điều tra thực trạng vận hành thuỷ điện có sai sót gì hay không. Theo ông Xuân, Quốc hội nên thành lập một ủy ban lâm thời điều tra về hiện trạng thuỷ điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên... ở khu vực miền Trung rồi mới tính xem nên làm gì tiếp theo....

Chất vấn kỳ họp này diễn ra ngay giữa thời điểm khúc ruột miền Trung đang oằn lưng gánh trận lũ lịch sử. Chính vì vậy, phiên thảo luận đầu tiên đã nóng lên với những truy vấn gay gắt về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng thủy điện xả lũ không đúng quy trình gây ngập lụt. Liên tiếp các câu hỏi được ĐBQH đặt ra, với chung một tâm tư là, Quốc hội đã làm gì, Chính phủ đã làm gì để ngăn ngừa những thảm họa "thiên tai và nhân tai". ĐB Nguyễn Văn Phúc còn tha thiết đề nghị làm thật nghiêm, bởi nếu nếu không có giải pháp căn cơ thì các Phó thủ tướng dù có vào miền Trung chỉ đạo chống bão lũ quyết liệt nhưng đến khi “các phó thủ tướng ra, lũ lại về”.

Và, người kiên trì theo đuổi câu chuyện thủy điện xả lũ ở đợt chất vấn này chính là ĐBQH Đỗ Văn Đương.

{keywords}
ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngay buổi thảo luận đầu tiên về kết quả thực hiện các lời hứa hậu chất vấn, ĐB Đương đã bấm nút hỏi: "Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện, vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?". Ông Đương còn đề nghị phải "truy tố trách nhiệm hình sự" về tổn thất này.

Do không nhận được hồi âm, nên ĐB Đương lại tiếp tục mang theo câu hỏi này đến phiên chất vấn của Thủ tướng Chính phủ...

Bộ trưởng Công thương không được chọn để đăng đàn giải trình tại phiên chất vấn lần này nên chuyện ông Đương và các ĐB tâm huyết khác "ném câu hỏi vào thinh không" là hiển nhiên.  Nhưng, thực ra, chính vị trưởng ngành Công thương đã bỏ lỡ một cơ hội để nói cho dân hiểu thêm về thủy điện, cũng như, để chia sẻ với nỗi đau của bà con rốn lũ.  

Bởi vì, một điểm mới tại phiên chất vấn kỳ họp này đó là Quốc hội bố trí hẳn một buổi thảo luận về kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ sau ba kỳ họp.

Buổi thảo luận diễn ra với độ mở rất cao, tạo cơ hội cho một số vị trưởng ngành không có tên chính thức trong danh sách chất vấn, được giải trình thêm về các vấn đề nóng gây bức xúc dư luận. Và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người đang hứng chịu "búa rìu dư luận" quanh vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, đã tranh thủ buổi thảo luận này để bày tỏ thái độ nhận trách nhiệm một cách rất cầu thị. "Nhận" xong rồi sẽ làm gì tiếp hẳn là một câu chuyện rất dài, nhưng chí ít  sự lên tiếng đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm đã góp phần giải tỏa rất nhiều tâm tư của cử tri.

Đúng ra, tại rất nhiều kỳ chất vấn trước đó, hễ mỗi khi có một vị trưởng ngành nào đó đứng ra nhận trách nhiệm, mà thậm chí là chân thành xin lỗi về sai sót của ngành, thì sau đó rất dễ được Quốc hội "xí xóa", bằng cách không truy vấn thêm những người liên đới, hoặc ghi nhận để không còn chất vấn tái hồi ở những lần sau.

Một lời xin lỗi trên nghị trường, thiết tưởng cũng không dẫn đến một hệ quả trực tiếp nào, nhất là khi chuyện bỏ phiếu tín nhiệm sau chất vấn vốn chưa từng xảy ra....

Nhưng vì sao, vẫn có những chiếc ghế nóng trở thành ghế trống? Và theo dõi các trưởng ngành "trả bài" trên nghị trường ba ngày qua, vẫn thấy có những phiên hỏi - đáp "lấy lệ", câu giờ chưa làm hài lòng đại biểu lẫn cử tri. Trong khi đó, vẫn còn những câu hỏi tâm huyết đang "treo" lơ lửng đâu đó...

Tiếc là phần chất vấn trực tiếp dành cho Thủ tướng chưa đủ dài để hóa giải hết mọi băn khoăn.

"Cử tri nói với tôi rằng anh đến nghị trường cố gắng đem tiếng nói, tâm tư và nguyện vọng của cử tri để chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và những người có thẩm quyền về trách nhiệm của mình. Cái gì tiếp thu được, cái gì cần phải đề ra giải pháp để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong lĩnh vực quản lý của mình. Tôi thấy đây là những đòi hỏi rất xác đáng.

Qua chất vấn các kỳ họp vừa qua tôi thấy ít nhiều đã có tác dụng rất tích cực, cử tri cả nước ngày hôm nay cũng vậy, đặc biệt quan tâm tới chất vấn lần này, thấy có những chuyển biến tích cực trong hoạt động, điều hành của Chính phủ... Nhưng nhiều chất vấn chưa được một số bộ trưởng và trưởng ngành quan tâm" (ĐB Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh).

 

Xem các bài cùng tác giả:

Khi Bộ trưởng được mồi câu hỏi

Chỉ cần dăm câu hỏi dạng này được nêu lên, chẳng mấy chốc mà bộ trưởng "trả bài" xong suôn sẻ. Vậy là hết giờ, nhường ghế nóng lại cho người khác.

Bộ trưởng vấp câu hỏi  khó

Theo dõi 5 buổi chất vấn, cử tri dễ dàng nhận ra vị trưởng ngành nào cũng ý thức được đâu là câu hỏi dễ - khó để chọn phương án trả lời. Trong một số tình huống, cách ứng xử na ná nhau.