Trong thời điểm hiện nay, giả sử ngành điện phải "chịu đựng" một chút, mà cái được là cho cả nền kinh tế, thì tại sao không?

LTS: Thông tin giá điện sắp tăng 22% trong bối cảnh đời sống người dân, hoạt động của các DN đều đang rất khó khăn khiến dư luận băn khoăn về hệ quả. Trân trọng giới thiệu đến độc giả những phân tích của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn xung quanh vấn đề này.

Giá điện như hộp đen

Hiện kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng trì trệ, yếu kém. Sản xuất, kinh doanh đều rất khó khăn, giảm sút, dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền là cầu không tăng, khiến giảm số lao động, tăng nạn thất nghiệp. Cầu giảm làm hàng hóa DN sản xuất ra càng khó bán.

Hàng hóa bán với giá hiện nay đã khó, nếu tăng theo giá điện thì càng khó bán. Còn giữ giá cũ thì không có lợi nhuận, không có tiền đóng thuế.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế, năm nay thu ngân sách không đạt, thất thu nhiều do các nguồn thu giảm.

{keywords}

Giá điện như hộp đen. Ảnh minh họa: Ngọc Thắng/TNO

Giữa bối cảnh như vậy, việc tăng giá điện đã thực sự cân nhắc hết thiệt hơn? Điều dư luận quan tâm nhất là giá điện như hiện nay đã hợp lý chưa và có phù hợp với quy định không. Những năm qua "ông" điện lực đầu tư ngoài ngành khá nhiều và đều bị lỗ. Liệu "ông" có đưa các khoản lỗ đó vào giá để bắt cả nền kinh tế và người tiêu dùng gánh hay không?

Cơ quan chức năng từng phát hiện ngành điện đưa cả những chi phí như đầu tư nhà ở, sân chơi mấy trăm tỷ vào giá điện. Đến nay, vẫn chưa biết chuyện này xử lý thế nào.

Chính vì vậy, người dân đang yêu cầu ngành điện phải công khai giá bán điện. Nhưng tới nay, giá điện vẫn như cái hộp đen, chỉ ngành điện biết với nhau.

Bài toán "2 chọn 1"

Tuy nhiên, cứ cho rằng những khó khăn mà ngành điện nêu ra là đúng đi nữa, thì vẫn phải cân nhắc, xem xét cẩn thận những hậu quả gấp bội của tăng giá điện lên đời sống người dân và nền kinh tế cả nước.

Trước hết, số tiền thu được từ tăng giá nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền thất thu ngân sách do sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng. Ở tầm quản lý vĩ mô, việc tính toán để ra được con số cho bài toán thiệt hơn này không quá khó.

Ngoài ra, tăng giá còn gây ra nguy cơ nghiêm trọng là thổi bùng lạm phát đang rình rập nền kinh tế. Cả nước đang phấn đấu giữ lạm phát ở mức 7%/năm mà chưa chắc đã đạt được, nếu điện tăng giá e rằng con số này sẽ bị vượt qua ngay.

Hơn nữa, điện là ngành độc quyền của Nhà nước. Do đó, ngành này có thể chịu khó khăn để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế,  giữ cho nhiều ngành khác đứng vững và san sẻ với đời sống người dân. Nền kinh tế đang đối diện nhiều thách thức, rất cần sự ổn định đó. Thêm cú sốc tăng giá điện, tình hình sẽ bị đẩy lên gay gắt và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Có thể nói đây là tình huống buộc phải quyết định chọn 1 trong 2. Nhà nước là người quản lý vĩ mô, tất nhiên phải lấy lợi ích chung làm trọng. Đặt các ưu tiên lên bàn cân sẽ thấy rõ ngay nặng nhẹ.

Chẳng hạn, chỉ tính riêng chuyện thu ngân sách. Thất thu ngân sách như năm nay, Nhà nước và nền kinh tế đã rất khó khăn, nếu thất thu nghiêm trọng hơn, cái giá phải trả chắc chắn sẽ rất lớn và đáng lo.

Xem xét toàn diện, tổng thể tất cả, Nhà nước sẽ có cơ sở để quyết định lựa chọn lợi - hại, thiệt - hơn. Trong thời điểm hiện nay, giả sử ngành điện phải "chịu đựng" một chút, mà cái được là cho cả nền kinh tế, thì tại sao không? Tôi nghĩ, đây cũng là vai trò cần có của một DNNN trong lúc cả nước khó khăn, nhiều DN đang phải gắng gượng để vượt qua.

Duy Chiến (ghi)

Bài cùng tác giả:

Quyền xả của ông, quyền… chết của dân

“Ông thủy điện nào cũng muốn tích trữ nước, đợi sát nút mới xả thì thiệt hại, chết người là phải!”, ông Doãn Mạnh Dũng phân tích.

 Sau 24 năm cường quốc, Việt Nam có gì?

Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá!", như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân? 

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam