“Các nhà máy thủy điện ở miền Trung trong vùng lũ vừa qua rất nhỏ, nhỏ lắm. Kể cả khi bị vỡ đập thì lượng nước hữu dụng trong hồ cũng chẳng tác động đáng kể đến  cơn lũ”

Tiếp sau bài trả  lời phỏng vấn về chuyện lũ chồng lên lũ, TS Nguyễn Bách Phúc tiếp tục lý giải về "công và tội" của thủy điện nhỏ và vừa miền Trung.

Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?

Vẫn giữ thủy điện nhỏ

Chỉ như hắt thêm vài thùng nước vào một con kênh

Như cơ quan chức năng giải thích thì các nhà máy thủy điện nhỏ, vừa ở Miền Trung vừa qua xả lũ đúng quy trình. Nhưng dân vẫn không "thông", vì đúng quy trình thì tại sao  lũ lụt vẫn lớn?

Trong các trận lũ năm 2009 và năm 2013 họ không làm sai quy trình. Năm 2009 Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra cho thấy các nhà máy thủy điện không có sai sót.

Lần này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói rõ, các nhà máy điện vận hành đúng quy trình rồi.

Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều bài, nhiều ý kiến quy kết trách nhiệm cho những nhà máy thủy điện ở miền Trung gây ra lũ hoặc tác động khiến lũ lớn hơn, thành thảm họa. Tôi cho rằng, cần phải xem lại một cách nghiêm túc, khoa học.

Nếu cần thiết, có thể thành lập hội đồng khoa học, mời các chuyên gia am tường tham gia để xem xét, điều tra và kết luận một cách chính xác.

Vậy ông nói sao với các luận điểm cho rằng do quản trị xả lũ kém nên hậu quả lớn hơn dự kiến?

- Hãy thử chứng mình đi, thủy điện tác động như thế nào để lũ lớn hơn, dữ dội hơn? Tôi nhấn mạnh một lần nữa, các nhà máy thủy điện ở miền Trung trong vùng lũ vừa qua rất nhỏ, nhỏ lắm. Trong nghề chúng tôi gọi họ là nhà máy thủy điện “con cóc”!

Kể cả khi bị vỡ đập thì lượng nước hữu dụng trong hồ cũng chẳng tác động đáng kể đến  cơn lũ. Có thể so sánh thế này, một con kênh đang chảy, ta hắt vào thêm vài thùng nước cũng chẳng hề thay đổi gì thêm được!

Còn bảo “quản trị xả lũ kém” là nói là hoàn toàn sai!

Khả năng dự báo khí tượng của nhân loại chưa chính xác. Rất nhiều lần các cơ quan dự báo khí tượng đã dự báo sai đường đi của bão trên biển Đông, kể cả dự báo của Mỹ. Và cũng không thể dự báo thủy văn của dòng sông ở miền Trung bởi địa hình nơi này dốc, lưu vực hẹp, dòng sông ngắn. Hễ mưa đổ xuống là lũ dữ dội ào về ngay, không ai kịp tính toán để dự báo.

Như vậy làm sao biết chính xác lúc nào mưa và mưa thế nào,  sao có thể “quản” hay “trị” được ở đây?

Và cũng không thể có chuyện khi lũ đến phân công “ông” này xả trước, “ông” kia xả sau. Khi nước lũ về nhiều, hồ không thể chứa được thêm thì phải xả. Đến Tề Thiên cũng không thể khác được chứ đừng nói chi con người.

{keywords}
TS Nguyễn Bách Phúc

 Thế còn quy trình vận hành liên hồ? Nói như ông thì quy trình này chẳng có ý nghĩa gì à?

-Quy trình vận hành liên hồ là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải của nhà máy thủy điện! Nói thật, vận hành quy trình này rất khó chứ không phải dễ.

Nhưng quy trình trình vận hành liên hồ cũng chỉ có tác dụng trước khi lũ đến. Quy trình này chỉ có hiệu quả là phải có được thông tin dự báo khí tượng thủy văn thật tốt kèm theo. Quy trình này nhằm mục đích xả nước ra khỏi hồ để có không gian trống, sẵn sàng cắt lũ khi nước tràn về. Tức là tích nước lại để hạn chế dòng chảy của lũ về hạ du. Chứ lũ đã đến thì hồ nào không chứa được nữa là phải xả tràn ngay!  

Với lại, quy trình chỉ áp dụng cho các hồ thủy lợi có nhiệm vụ chống lũ và chống hạn và những hồ thủy điện lớn được giao nhiệm vụ làm thủy lợi. Đặc biệt trường hợp hồ thủy điện Hòa Bình, nhiệm vụ thủy lợi được đặt lên hàng đầu để bảo vệ Hà Nội và đồng bằng sông Hồng. Điều này chắc ít người biết.

Còn hệ thống thủy điện miền Trung thuộc loại nhỏ thì chẳng ai giao cho nó nhiệm vụ đó cả. Đơn giản vì nó không đủ khả năng!

Không xả nước là thủy điện tự sát, gây họa

Ông có thể giải thích rõ quy trình xả của thủy điện nhỏ như ở miền Trung?

- Có hai giai đoạn là “Xả lũ, đồng thời cắt đỉnh lũ” và “Xả lũ hoàn toàn”.

Giải đoạn “Xả lũ, đồng thời cắt đỉnh lũ” là hễ lũ đến là nhà máy thủy điện nhỏ buộc phải xả. Nhưng hồ còn khoảng trống, tức còn “dung tích hữu ích” nên phải chờ đến thời điểm dòng lũ đạt đến “đỉnh lũ” theo dự báo, thủy điện sẽ điều chỉnh để chia bớt một phần đỉnh lũ chứa vào lòng hồ và xả xuống hạ lưu dòng lũ nhỏ hơn dòng đỉnh lũ. Đó là hành vi “cắt đỉnh lũ” của thủy điện.

Nhưng thao tác này không thể kéo dài với thủy điện nhỏ. Ví dụ dòng đỉnh lũ là 5.000 m3/s, hồ xả xuống hạ lưu 3.000 m3/s, còn 2.000 m3/schứa vào khoảng trống lòng hồ. Lúc ấy giả sử khoảng trống lòng hồ là 21 triệu m3 thì khoảng thời gian có thể cắt đỉnh lũ là gần 3 giờ. Với những cơn lũ dữ dội ở miền Trung thì cắt lũ trong 3 giờ chẳng nhằm nhò gì cả!

Giai đoạn “xả lũ hoàn toàn” xảy ra khi cắt đỉnh lũ, nước trong hồ sẽ dâng lên đến “mức nước gia cường” là mức cao nhất cho phép , thì thủy điện phải dừng cắt đỉnh lũ. Thủy điện phải mở rộng thêm cửa xả, xả thêm dòng lũ của trời đổ từ thương lưu xuống sao cho mức nước trong hồ giữ ở “mức gia cường” an toàn cho phép. Tức là lúc này buộc phải xả hoàn toàn.

Ở đây cần biết rằng “mức gia cường” ở thủy điện nhỏ thấp hơn đỉnh đập 1 – 2m tùy theo mặt hồ rộng hay hẹp. Tức là vẫn còn không gian trống. Có người cứ tưởng rằng có thể chứa thêm nước để cắt lũ. Điều này không phải quy trình không cho phép mà cái chính là nếu nước dâng cao hơn “mức giac ường” thì nguy cơ vỡ đập là không thể tránh khỏi. Tức là thủy điện tự sát, gây ra đại họa! 

Vậy theo ông, đợt lũ vừa qua ở miền Trung các nhà máy thủy điện hoàn toàn vô can, lũ là do trời?

- Trong nghề chúng tôi gọi lũ tự nhiên là “lũ trời”. Tuy nhiên, nói như vậy thì cũng không đồng nghĩa hoàn toàn là tại trời. Mặt khác, con người cũng có phần gây ra, tác động vào như nạn phá rừng, khai thác rừng bừa bãi, thiếu tổ chức! Con người cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Những thứ như thế khiến cho nạn lũ lụt ngày càng nhiều.

Còn các nhà máy thủy điện ở miền Trung thì không “đóng góp”gì vào trận lũ vừa qua. Rất đơn giản vì họ quá nhỏ bé, không thể có khả năng đó. Dù họ có muốn làm cũng không làm được!

Có một nhà xã hội học bảo với tôi rằng, “người nhỏ làm việc nhỏ”, thủy điện nhỏ vẫn phải tham gia chống lũ chứ! Trả lời câu hỏi này khá rắc rối, tôi đành lấy ví dụ này cho dễ hiểu: Đấu với “võ sĩ lũ lụt” nặng cả trăm ký cần có “võ sĩ thủy điện” nặng trăm ký. Còn các “võ sĩ nhí” nặng chưa đầy 1 ký thì không thể “tham gia” cuộc đấu của hai võ sĩ kia được!

Hiện nay dư luận ít biết “nông nỗi” này của thủy điện miền Trung. Cứ nghĩ đáng ra chúng phải làm được thế này thế kia, giống như thủy điện lớn. Khi thấy không làm được thì đổ tội cho chúng!

Là nhà khoa học nghiên cứu về thủy điện, theo ông, mặt trái của thủy điện là gì?

- Nói cho cùng thì bất cứ sự việc gì cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực! Đó là sự chọn lựa và giải quyết cái nào tốt, tích cực thì chọn và kèm theo là các giải pháp hạn chế, xử lý mặt trái của nó! Vấn đề là ta phải công bằng, khách quan trên cơ sở khoa học.

Ngành thủy điện nước ta có phần hạn chế là khâu quy hoạch trước đây chủ quan, duy ý chí. Chưa có tiếng nói của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều nước tiên tiến đã đưa ra quy định này và Việt Nam cũng đã tham gia công ước về quyền của người bản địa (UNDRIP), cần phải thực hiện ngay. Mặt khác, cần bổ sung và hoàn thiện chính sách liên quan đến việc sự phát triển của ngành thủy điện.

Thực tế đầu tư thủy điện gần đây, theo tôi cần chấn chỉnh ngay khâu chất lượng trong thi công. Không thể chấp nhận được có nhà máy mới xây chưa kịp tích nước đã bị vỡ đập! Đó là do con người làm không nghiêm túc, cẩu thả và cũng do thiếu kiến thức chuyên môn. Vỡ nhà máy thủy điện khi đang vận hành là tai họa, gây thiệt hại khủng khiếp nếu nhà máy lớn, có hồ chứa nước nhiều.

Những vấn đề như trên là do chúng ta cư xử chưa đúng mức. Chứ bản thân thủy điện là rất tốt, cần thiết, không thể thiếu mà đang cần phải phát huy. Xã hội hóa thủy điện là cách làm hay, huy động nguồn lực cho sự nghiệp phát triển điện.

Chúng ta nên biết rằng, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, cho SX - KD và các lĩnh vực khác của đất nước đang ngày một lớn. Thiếu điện gây ảnh hưởng lớn ra sao thì ai cũng hiểu cả rồi. Thủy điện có ưu thế giá rẻ, dễ làm hiện nay mới chỉ đáp ứng trên 40% sản lượng điện của cả nước. Phần còn lại vẫn là do các nhà máy nhiệt điện đảm trách, giá thành rất cao và ảnh hưởng môi trường rất lớn. Mặt khác, nguyên liệu cho nhiệt điện ngày càng đắt vì than đá đã sắp hết rồi. Khó khan lắm, nếu không phát triển các nguồn điện khác, trong đó có thủy điện thì lấy đâu cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau dung? Lấy đâu điện cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước?

Cần nhận thức rõ ràng, đúng đắn  một cách khoa học. Và phải hết sức tỉnh táo trên tinh thần trách nhiệm cao với đất nước và nhân dân như vậy!

Duy Chiến

Xem bài cùng tác giả

Quyền xả của ông, quyền... chết của dân

“Ông thủy điện nào cũng muốn tích trữ nước, đợi sát nút mới xả thì thiệt hại, chết người là phải! Và “ông” này xả mà “ông” kia không xả hoặc nấn ná thêm thời gian là cũng đủ chết dân rồi!”, ông Doãn Mạnh Dũng phân tích.

Sau 24 năm cường quốc, Việt Nam có gì?

Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá!", như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân?