Việc dạy sử nên khuyến
khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích, tranh luận, và tạo cách
tiếp cận so sánh đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều. Cùng là về Hoàng đế Ivan, nhưng ông vừa
'vĩ đại' lại vừa 'tàn bạo', tùy từng góc độ của người phán xét.
LTS: Đến Việt Nam trong chuyến thăm, làm việc theo lời mời của Nhà nước Việt Nam từ ngày 19 - 29/11/2013, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các quyền văn hóa, bà FaridaShaheed tập trung tìm hiểu về quyền thụ hưởng nghệ thuật, sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật và vấn đề về dạy lịch sử trong nhà trường. Một trong những nội dung bà từng đề cập được trong Báo cáo chuyên đề về viết sách sử và dạy sử trước Đại hội đồng LHQ tháng 7/2013.
Bà Farida cho rằng: "Một trong những vấn đề then chốt với Việt Nam ngày nay là có một không gian cho các cuộc tranh luận và biểu đạt những quan điểm khác nhau". Những hệ lụy quanh việc giảng dạy lịch sử không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải.
Bà Farida Shaheed (Giữa) Ảnh: Hoàng Hường |
Khuyến khích tư duy phê phán
Một ví dụ rõ ràng liên quan đến vấn đề này, mà tôi rất quan tâm, là việc dạy môn lịch sử với chỉ một bộ SGK.
Như đã đề cập trong báo cáo chuyên đề của tôi về viết sách sử và dạy sử trước Đại hội đồng LHQ (A/68/296), việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích và tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh và đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều.
Cách tiếp cận này đặc biệt cần sử dụng rộng rãi nhiều loại học liệu, bao gồm nhiều loại SGK của nhiều nhà xuất bản. Tôi khuyến khích nhiều bên liên quan ở VN tham khảo báo cáo này của tôi.
Tôi có ấn tượng tích cực rằng Chính phủ và xã hội dân sự hiện nay đang nỗ lực định nghĩa lại biên độ không gian cho những tiếng nói đa dạng có thể cất lên.Tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ mở rộng hơn không gian ấy, trên cơ sở Hiến pháp của các bạn cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Đã đến lúc Việt Nam đảm bảo tự do nhiều hơn cho các biểu đạt nghệ thuật cũng như cho các tự do học thuật, và cho phép những tiếng nói đa dạng tìm được chỗ đứng của mình.
Trong một bản báo cáo tại Hội đồng LHQ, tôi đã đưa ra những khuyến nghị về việc dạy sử trong trường học. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc giảng dạy và ghi chép lịch sử như tôi đã đề cập, không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải.
Việc ghi chép lịch sử phải phản ánh được những câu chuyện, tư duy và trải nghiệm của nhiều tầng lớp, nhiều thành phần trong xã hội, chứ không chỉ phản ánh ý chí của một nhóm người nào đó; hoặc là từ một luồng thông tin nào đó mang tính chất (dù cho là) chính thống. Vì như vậy, chúng ta sẽ không có được một cái nhìn tổng quát, khách quan về lịch sử. Điều đó dẫn đến việc môn lịch sử không thực sự mang lại ý nghĩa.
Hoặc: khi một nhóm người thiểu số có những cách ghi chép lịch sử khác với cộng đồng đa số. Nếu tiếng nói của họ cũng được lắng nghe, và câu chuyện của họ cũng được phản ánh trong lịch sử thì chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh và công tác giảng dạy tiếp cận lịch sử sẽ bao quát, toàn diện hơn. Đây là khuyến nghị của tôi, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho tất cả các nước.
Có một vấn đề khác nữa, tại sao chúng ta luôn chỉ dạy lịch sử về các vấn đề chính trị, để cuối cùng lại thu gọn lại các cuộc chiến tranh hay quân đội? Năm bao nhiêu diễn ra cuộc chiến tranh nào? Giữa nước nào với nhau? Ai là người cầm quân? Ai thắng, ai bại? chia vùng lãnh thổ..vv..
Tại sao chúng ta không giảng dạy lịch sử với những góc độ như: văn hóa đã được phát triển như thế nào? Các phát minh khoa học kỹ thuật của con người ra đời và phát triển ra sao? Các hình thái biến đổi của kiến trúc, hay sự giao lưu giữa các dân tộc... Đó cũng là các hình thức vận động trong lịch sử thế giới. Như thế không chỉ lịch sử được phát triển toàn diện hơn, mà còn giúp con người xích lại gần nhau hơn. Đó mới chính là ý nghĩa cao nhất của lịch sử.
Mỗi nước có cách tiếp cận riêng
Nhiều nước đã có kinh nghiệm trong vấn đề này, ví dụ Brazil, họ đưa ra một quy tắc trong giảng dạy lịch sử: cứ nói về lịch sử của Braxin là phải có phần nói về thời kỳ nô lệ; hoặc đã nói về Brazil là dứt khoát phải nói về văn hóa - lịch sử của các nhóm dân tộc thiểu số và bản địa. Vấn đề này đã được tranh cãi rất nhiều. Cuối cùng Chính phủ đã đưa ra luật, quy định khi biên soạn - giảng dạy về lịch sử phải bao gồm những vấn đề nói trên.
Một quốc gia khác là Pakistan cũng tồn tại nhiều trường phái về diễn giải lịch sử. Có một vấn đề tranh luận rất lớn: Ivan đại đế hay Ivan tàn bạo? Cùng đề cập về một nhân vật trong lịch sử, nhưng từ những góc độ khác nhau.
Cùng là về Hoàng đế Ivan, nhưng ông vừa 'vĩ đại' lại vừa 'tàn bạo', tùy từng góc độ của người phán xét. Ivan tàn bạo vì ông tàn sát cộng đồng người Hồi giáo; nhưng ngược lại ông vĩ đại vì ông khiến cho cộng đồng Cơ đốc giáo phát triển.
Khi tôi hỏi những nhà giáo dục bản xứ: làm sao đưa lịch sử vào giảng dạy khi tồn tại những quan điểm trái ngược như thế? Họ nói rằng họ đưa cả hai trường phái vào giảng dạy.
Ngay tại hai quốc gia Châu Âu là Đức và Pháp cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử. Tuy nhiên họ đã vượt lên những khác biệt trong lịch sử để trở thành một cộng đồng đoàn kết để cùng phát triển.
Cộng hòa Liên bang Nam Tư cũng có cách ghi nhận lịch sử rất khác nhau. Họ đã cố gắng tìm ra được cách diễn giải sử sao cho công chúng có thể tiếp cận được. Với sự hỗ trợ của UNESCO, một số quốc gia ở Châu Phi có thể biên soạn tài liệu lịch sử với sự tham gia của nhiều thành phần, ở mọi tầng lớp trong xã hội.
Một ví dụ cực kỳ sinh động chính là xung đột giữa người Palestin và người Israel. Cuộc xung đột đã diễn ra rất lâu, và vẫn đang tiếp diễn. Để giải quyết vấn đề, những người viết sử chia sách ra làm ba phần: một phần viết sử từ góc độ của người Israel, một phần viết từ góc độ của người Palestin, phần còn lại để trắng để các sinh viên tự viết sử theo suy nghĩ riêng của họ.
Tất nhiên rất khó tìm được một giải pháp tốt nhất cho mọi tình huống và cho những quốc gia khác nhau. Tôi biết một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đang có những hoạt động để đưa ra cách tiếp cận lịch sử đúng đắn nhất.
Trích Báo cáo chuyên đề bà Farida Shaheed về viết sách sử và dạy sử (A/68/296)
A. Mục tiêu giảng dạy lịch sử 56. Các văn kiện quốc tế đưa ra những chỉ dẫn về các mục tiêu quan trọng của giáo dục. Điều 29 Công ước về Quyền trẻ em được các chính phủ cam kết là giáo dục nhằm hướng đến sự phát triển tối đa nhân cách, tài năng và tinh thần - thể chất của trẻ; tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản, tôn trọng cha mẹ của trẻ, bản sắc văn hóa riêng, ngôn ngữ và các giá trị của quốc gia mà trẻ sinh sống hoặc quốc gia mà trẻ có nguồn gốc; và tôn trọng các nền văn minh khác; chuẩn bị cho trẻ em trách nhiệm cuộc sống trong một xã hội tự do, trong tinh thần hiểu biết, hòa bình, khoan dung, bình đẳng, và tình bạn giữa con người, dân tộc, quốc gia và tôn giáo bản địa. 57. Điều đáng lo ngại là cách dạy lịch sử không phải để chuyển tải thông tin đầy đủ về quá khứ mà điều được quan tâm nhất là cố gắng duy trì trật tự xã hội hiện nay dựa trên một thứ gọi là "thời hoàng kim". Nói rộng hơn, giảng dạy lịch sử được giao một nhiệm vụ chính trị, như thúc đẩy lòng yêu nước, tăng cường tự hào dân tộc và xây dựng bản sắc dân tộc, được xuất hiện khá phổ biến trong hầu hết các quốc gia. Đã đến lúc đặt câu hỏi về cách giảng dạy này, khi nó không đặt lịch sử như một ngành học. 58. Đó là sự thật, tuy nhiên, hoàn toàn ngắt kết nối chính trị ra khỏi giảng dạy lịch sử là không thể. Những ví dụ tích cực của cách này là dạy sử với mục đích giảm bớt xung đột giữa các cộng đồng, tạo âm hưởng hòa bình giữa các xã hội hay các nhóm chính trị và xúc tiến các nguyên tắc dân chủ dựa trên quyền con người. Những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi chương trình giảng dạy bao gồm tư tưởng và phân tích cốt yếu, khuyến khích tranh luận, nhấn mạnh sự phức tạp của lịch sử và tạo điều kiện cho các phương pháp so sánh và tiếp cận. C. Chính trị và lịch sử 62. Giảng dạy lịch sử thường bị giới hạn trong việc tường thuật chính trị, định hướng học sinh vào những xu hướng chính trị chiếm ưu thế. Hơn nữa, bản thân lịch sử chính trị lại thường có xu hướng tập trung vào các cuộc chiến tranh, xung đột, chiếm đóng và cách mạng. Nó dễ tạo ra cảm giác rằng những thời điểm hòa bình và ổn định là không quan trọng và thúc đẩy xu hướng giáo dục thiên về chiến tranh và quân sự. Khi những lĩnh vực lịch sử khác được giảng dạy, như lịch sử khoa học, máy móc và nghệ thuật; cũng như thông tin về sự tác động của các lĩnh vực đó lên xã hội và chính trị, con người sẽ học được sự phức hợp của quá khứ và hiện tại. Sự hiểu biết sẽ giúp con người đưa ra được những quyết định cho từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, đồng thời khuyến khích hiểu biết về tầm quan trọng của các lựa chọn và trách nhiệm của họ. 63. Điều đặc biệt quan trọng là giảng dạy lịch sử là việc kết hợp cân bằng các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học và kinh tế, cùng lịch sử về cuộc sống hàng ngày, nhằm truyền đạt sự phức hợp của xã hội và những lý do khác nhau dẫn đến các sự kiện lịch sử. Sự cân bằng cũng đòi hòi một góc nhìn rộng nhìn nhận đóng góp của con người vào nghệ thuật, khoa học và triết học. |
- Hoàng Hường (ghi)