Điều chắc chắn là Nga không muốn một chính quyền có đường lối tự do, muốn thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

>> 'Mời gọi' hấp dẫn, Nga thắng thế

Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được Thỏa thuận hợp tác với Ukraina. Tuy nhiên, EU vẫn để ngỏ cơ hội cho Ukraina thay đổi quyết định tại một hội nghị khác sẽ được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng 2 - 4/2014.

Hội nghị Vilnius kết thúc với những câu hỏi mở: Liệu lựa chọn hướng Nga của Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych là một quyết định chiến lược hay chỉ là một nước đi chiến thuật tạm thời trong kế hoạch xích lại gần với EU.

{keywords}
Biểu tình lớn tại Ukraina. Ảnh: AP

Kinh tế liệu có phục hồi?

Trước thềm hội nghị lần này, Nga và EU đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế hấp dẫn để lôi kéo Ukraina. Tuy nhiên, Brussels đã thất thế trước Moskva bởi các gói cứu trợ của EU tỏ ra thiếu hào phóng, trong khi có nhiều điều kiện khắt khe đi kèm về các ràng buộc chính trị hay kiểm soát chi tiêu. Vì vậy, lựa chọn của Tổng thống Yanukovych cũng là dễ hiểu khi Ukraina đang cần giải quyết khoản nợ đến kỳ thanh toán vào cuối năm nay, trị giá 2 tỷ USD.

Quyết tâm giữ Ukraina trong tầm ảnh hưởng của chính quyền Putin là rõ ràng. Song khó có khả năng Moskva đáp ứng vô điều kiện các đòi hỏi hỗ trợ của Kiev trong khi vấn đề hội nhập châu Âu vẫn còn được bỏ ngỏ. Bởi hiện nay, bản thân nền kinh tế Nga cũng đang gặp khó khăn khi tăng trưởng quý III/2013 chỉ đạt 1,2% so với mục tiêu 3% mà Chính phủ đề ra.

Trải qua một giai đoạn phát triển cao 7% vào giai đoạn 2000-2008, hàng loạt khó khăn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới khiến mức tăng trưởng của Nga chỉ còn duy trì ở mức chưa tới 5% từ năm 2010 đến nay. Do đó, Nga nhiều khả năng sẽ không "phóng khoáng" chi một khoản tiền lớn cho một Ukraina trung lập muốn duy trì cân bằng Đông - Tây.

Bất ổn chính trị - xã hội

Hiện nay, xã hội Ukraina đang bị chia thành hai thái cực, một bộ phận thân Nga và một bộ phận ủng hộ xích lại gần với EU. Trong tổng số 46 triệu người, có khoảng 47% người dân Ukraina ủng hộ xích lại gần với EU. Số lượng người ủng hộ EU đa số ở vùng phía Tây Ukraina, trong khi phía Nam và Đông lại tỏ ra thân Nga.

Ngay sau khi thỏa thuận giữa Ukraina và EU không được ký kết, hàng chục ngàn người phản đối đã tổ chức biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Kiev. Khả năng về một cuộc Cách mạng màu là không cao, tuy nhiên những cuộc đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và người biểu tình có thể là ngòi nổ làm gia tăng căng thẳng bất cứ lúc nào.

Tình hình nội bộ bất ổn như hiện nay đang là một bài toàn nan giải cho Tổng thống Yanukovych. Bởi kể cả Nga có "hào phóng" hỗ trợ kinh tế cho Ukraina như cam kết, thì những hỗ trợ này chưa chắc có thể vực dậy nền kinh tế Ukraina khi tình hình chính trị - xã hội vẫn rối ren.

Một câu hỏi khác cho tương lai của Ukraina hướng Đông đó là chiếc ghế Tổng thống nước này. Tổng thống Yanukovych là một nhà chính trị có đường lối thân Nga. Nhờ vậy, Moskva có thể phần nào gặp thuận lợi trong việc lôi kéo Ukraina.

Tuy nhiên, bối cảnh những cá nhân lãnh đạo đối lập đang kêu gọi một cuộc bầu cử sớm và một tương lai không rõ ràng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2015 cho thấy chiếc ghế của Tổng thống Yanukovych đang bị lung lay.

Điều chắc chắn là Nga không muốn một chính quyền có đường lối tự do, muốn thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Song câu hỏi liệu Moskva có hành động để ngăn cản kịch bản này xảy ra là không dễ trả lời khi chi phí để duy trì một chính quyền thân Nga sẽ không hề nhỏ.

Đâu là tương lai của Ukraina

Có thể thấy rằng trong thế lưỡng nan, quyết định của Kiev "tạm thời" theo Nga mang tính chiến thuật nhiều hơn một quyết định mang tính lâu dài. Sự quay lưng với EU của Tổng thống Yanukovych ngay trước thềm hội nghị Vilnius là khá bất ngờ, nhưng được đưa ra dựa trên những tính toán nhằm bảo vệ chế độ và sự nghiệp chính trị cá nhân.

Trong bối cảnh cánh cửa ký kết hợp tác với EU vẫn chưa "cài then" cho đến đầu năm sau, Tổng thống Yanukovych sẽ có một khoảng thời gian để cân nhắc các bước đi tiếp theo. Đây sẽ là  khoảng thời gian Ukraina tranh thủ tối đa hỗ trợ tài chính, trong khi giữ nguyên hiện trạng quan hệ với EU.

Với mong muốn cân bằng Đông - Tây, nhiều khả năng Kiev sẽ tìm kiếm giải pháp để đồng thời vừa tham gia mô hình hội nhập của Nga, vừa có thể cải cách hướng tới những chuẩn mực của EU trong tương lai./.

Chính sách EU có thay đổi?

Không lôi kéo được Ukraina trong hội nghị Vilnius vừa qua, EU đã tự đẩy mình vào thế khó trong triển khai chính sách đối với các nước láng giềng phương Đông.

Vào những năm thập niên cuối thế kỷ 20, EU gần như là thế lực ảnh hưởng châu Âu và vùng Balkans duy nhất. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, EU phải cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, Thổ Nhĩ Kì, Iran và thậm chí là Trung Quốc ở khu vực Đông Âu. "Chính sách đối ngoại đa phương" được EU triển khai vào đầu những năm 1990 nhằm tranh thủ Mỹ để cân bằng với Nga, đến nay đã tỏ ra không còn tác dụng do sự suy yếu tương đối và chính sách xoay trục của Mỹ.

Mô hình dân chủ và kinh tế phát triển cao vốn được EU coi là vũ khí sắc bén để thu hút các quốc gia lân cận tham gia hợp tác cũng tỏ ra kém hấp dẫn do bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng Euro. Với sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt từ các cường quốc khác và một sự thiếu tập trung trong chính sách, việc EU để tuột Ukraina là hoàn toàn dễ hiểu.

Sự thiếu vắng cơ chế hợp tác gần gũi với Ukraina sẽ khiến toàn bộ chính sách hướng Đông ngưng trệ. Song điều này sẽ không gây nhiều xáo trộn trong việc ra các chính sách của EU bởi các nước Tây Âu vẫn giành quan tâm cho nhiều ưu tiên khác.

Thực tế này đã diễn ra kể từ khi chính sách kéo các nước Đông Âu xích lại gần EU được triển khai từ năm 2003. Thay vì hướng Đông, EU lại tập trung toàn bộ sự chú ý cho quá trình cải cách thể chế và sau đó là đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nội khối. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, nhiều nước thành viên chủ chốt của EU dành nhiều quan tâm hơn cho các vấn đề như chiến tranh tại Iraq, Afghnistan, hay sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nước như Đức, Pháp cũng có những "ngập ngừng" nhất định khi tham gia hợp tác với một nước kinh tế yếu kém và chính trị bất ổn như Ukraina.

Với vị trí thứ yếu và sức hấp dẫn thấp, vấn đề Ukraina sẽ không gây ra nhiều thay đổi trong các hoạt động nội bộ, cũng như quá trình triển khai các véc-tơ đối ngoại của EU. Tuy nhiên, trong tương lai, EU sẽ không để Nga dễ dàng triển khai chính sách hợp tác Á - Âu bằng cách tiếp tục lôi kéo Ukraina.

Quốc Khánh - Hoài Thương