Áp đặt của Bắc Kinh về một vùng phòng không mới chỉ là một phần trong cuộc vật lộn xung quanh tương lai lớn hơn khu vực Đông Bắc Á.
Cho tới thời điểm hiện tại, các tranh cãi thảo luận về Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đưa ra ở Hoa Đông - với những quy định mới yêu cầu máy bay nước ngoài nhận diện với nhà chức trách Trung Quốc khi bay qua đây - chủ yếu tập trung vào động cơ của Bắc Kinh: Trung Quốc cố đạt được gì khi thiết lập ADIZ? Và nếu nó lập tức gây ra phản đối từ phía Mỹ hay Nhật Bản thì đây có phải là quyết định sai lầm?
Đây là những câu hỏi quan trọng, nhưng cần phải mở rộng và xem xét kỹ càng hơn về những nguyên nhân cơ bản gây ra căng thẳng tại Đông Bắc Á. Khi đó, vấn đề trở nên phức tạp hơn. Liệu sự gây hấn của Trung Quốc có phải bắt nguồn từ một vị chủ tịch mới cố gắng thiết lập vị thế hợp pháp cho mình? Hay là cách tận dụng tâm lý chống Nhật trong nước? Hoặc xung đột phản ánh lịch sử trước Thế chiến II tiếp tục định hình quan hệ Đông Á hiện tại? Hay đơn thuần là một cuộc chiến tranh giành tài nguyên giàu năng lượng nằm sâu dưới vùng nước tranh chấp?
Đáng tiếc, đáp án cho mỗi câu hỏi là "Đúng". Và nó khiến cho xung đột hiện tại ở Đông Bắc Á trở nên khó giải quyết.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là điều khác thường trong một khu vực đông đúc, nơi rất nhiều lợi ích chồng lấn và cạnh tranh. Kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân năm 1949, Trung Quốc đã giải quyết nhiều bất đồng ranh giới với các láng giềng, xong vẫn còn nhiều điểm nóng tồn tại như: tranh chấp với Ấn Độ (về khu vực Arunachal Pradesh); với một số nước Đông Nam Á (ở Biển Đông). Nhật cũng có tranh chấp với Hàn Quốc về đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo).
Ảnh: Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters |
Bất đồng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu từ năm 1971 khi Mỹ bàn giao cho Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền. Tuy vậy, mọi thứ chỉ bắt đầu nóng lên trong thập niên này, khi xung đột leo thang vượt ra ngoài vấn đề khu vực và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tại sao tranh chấp một quần đảo nhỏ hẹp, không có người ở lại trở thành vấn đề lớn?
Vì nhiên liệu hóa thạch
Cả Trung Quốc và Nhật đều cần nhiên liệu hóa thạch. Và Senkaku/Điếu Ngư có thể có. Nó gồm một chuỗi các đảo và vỉa đá ngầm ở Hoa Đông. Kể từ khi Nhật tuyên bố phát hiện ra quần đảo vào những năm 1880 cho tới nay chưa từng có người ở. Vào cuối những năm 1960, một cuộc khảo sát địa chất đã xác định rằng, vùng nước xunh quanh quần đảo dường như chứa khá nhiều trầm tích dầu khí tự nhiên. Và mặc dù tiềm năng năng lượng này chưa từng được công nhận, thì Bắc Kinh và Tokyo đều có động lực mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền.
Không một quốc gia nào trên thế giới nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn Trung Quốc và Nhật Bản. Với đảng cầm quyền Trung Quốc, sự tồn tại hợp pháp và vị thế phụ thuộc nhiều vào đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhập khẩu dầu và khí tự nhiên là điều tối quan trọng để thúc đẩy cơ sở hạ tầng và mở rộng quyền sở hữu xe hơi tự nhân. Thêm nhiều nguồn tài nguyên nội địa sẽ cho phép họ giảm bớt trông chờ vào các nhà xuất khẩu dầu bất ổn như Iran, Sudan, và Venezuela.
Nhật Bản lại đối mặt với tính toán hoàn toàn khác biệt. Trong ít thập niên qua, nước này đã "tránh xa" được nhập khẩu dầu và khí tự nhiên. Nhưng thảm họa nguyên tử Fukushima 2011 là nguyên nhân khiến chính phủ Nhật phải đóng cửa toàn bộ 50 lò phản ứng và dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để bù đắp lại.
Nhưng chính sách bên miệng hố chiến tranh hiện tại xung quanh ADIZ dường như là sự phản ứng thái quá khi một vấn đề thương mại có thể thương thảo. Theo Shihoko Goto, chuyên gia Nhật tại Trung tâm Wilson thì: "Với cả Nhật và Trung Quốc, vấn đề vượt xa câu chuyện ai tiếp cận được vùng biển khơi, dầu khí và các tài nguyên khác. Đó là câu chuyện về lịch sử".
Sức hút chủ nghĩa dân tộc
Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, các quốc gia Đông Bắc Á đã trải qua một tiến trình hêện đại hóa có lẽ là nhanh nhất, ấn tượng nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, di sản chính trị từ chiến tranh và những năm trước đó - tiếp tục định hình mối quan hệ hiện tại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bắc Kinh, Seoul, và nhiều nước châu Á khác cảm thấy rằng, Tokyo đã không "chuộc đủ lỗi lầm" cho những hành xử trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, khi Nhật Bản thống trị châu lục thông qua "Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á". Tuy nhiên, những người bảo thủ Nhật lại lập luận rặng rằng, Tokyo xin lỗi đã đủ, và phải xem xét lại các điều khoản "chống phòng thủ" trong hiến pháp của mình.
Trong khi đó, ba thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định của Trung Quốc đã giúp họ nâng cao sự tự tin trong việc khẳng định vị trí thống trị lịch sử khu vực - điều đã mai một ở hai thế kỷ vì sự suy yếu, phân chia và xâm chiếm của nước ngoài. Và khi quân đội của Trung Quốc lớn mạnh, hiện đại hóa thì chính phủ trở nên quả quyết hơn trong thực thi chủ quyền lãnh thổ. Tại Biển Đông, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm phần lớn diện tích vùng biển thông qua cái gọi là "đường chín đoạn" kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác trong khu vực.
Những diễn biến trong cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư là một ví dụ hữu ích. Năm ngoái, Shintaro Ishihara, thống đốc cánh hữu Tokyo tuyên bố tại Qũy Heritage rằng, ông mong muốn sẽ mua ba trong số năm đảo thuộc quần đảo này từ tay chủ sở hữu tư nhân. Chính phủ Nhật lập tức đã tiến hành mua các đảo với hy vọng sẽ tháo gỡ một cuộc khủng hoảng tiềm năng với Trung Quốc, giữ các đảo khỏi tầm kiểm soát của Ishihara. Nhưng kế hoạch đã bất thành. Theo chuyên gia Goto: "Người Trung Quốc rất thất vọng vì thực tế các đảo chuyển từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác khi họ cảm thấy họ có chủ quyền rất hợp pháp với quần đảo này".
Chính phủ của cả Trung Quốc và Nhật đều bị cuốn vào chiều hướng chủ nghĩa dân tộc. Ông Tập Cận Bình, người đảm nhận vai trò chủ tịch Trung Quốc cuối năm ngoái, đã thông qua khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Quốc" và tỏ rõ thái độ phản đối Nhật, từ chối gặp gỡ chính phủ Nhật. Trong khi đó, ở Nhật Bản, cuộc bầu cử mà phần thắng thuộc về thủ tướng bảo thủ Shinzo Abe đã phản ánh phần nào nỗ lo ngại của người Nhật với sức mạnh Trung Quốc. Kết quả là, chính phủ cả Nhật và Trung không hề có ý thỏa hiệp với nhau.
Dính líu Mỹ
Chuyến thăm mới đây của phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden tới châu Á - ban đầu là để trấn an thế giới rằng "trục xoay châu Á" của Mỹ thực sự có ý nghĩa - đột nhiên trở thành một phép thử về khả năng của Washington trong việc quản lý cuộc tranh chấp giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Mỹ bị ràng buộc, vì hiệp ước phòng thủ chung với Nhật. Và phó tổng thống Mỹ đã mất công khẳng định rằng, không hề có bất đồng giữa Washington và Tokyo về vấn đề ADIZ. Nhưng theo thông tin của Nhật báo phố Wall, chính phủ Nhật dường như thất vọng vì Mỹ không thể quyết định nên theo các quy định mới của Trung Quốc hay phủ nhận nó. Nghĩa là về bản chất, Tokyo và Washington có động cơ khác nhau.
Về ngắn hạn, chiến lược của Mỹ khá rõ ràng: Giảm nhiệt căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật. Nếu có thể, thương thảo đi tới kết thúc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng về dài hạn, cuộc khủng hoảng lại có thể chỉ là khúc dạo đầu cho vấn đề chi phối chính sách đối ngoại Mỹ trong những thập niên tới: Thức thức ngày càng lớn của Trung Quốc với ưu thế Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Học giả Stephen F. Walt viết trên Tạp chí Đối ngoại (Mỹ) rằng:
"Nếu Mỹ có thể duy trì nguyên trạng tại châu Á, góp phần ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực, thì sau đó, Bắc Kinh phải tập trung nhiều hơn vào những vấn đề địa phương. Năng lực định hình chính trị của họ ở những phần khác của thế giới sẽ bị hạn chế. Ngược lại, nếu Trung Quốc rốt cuộc có thể đẩy Mỹ khỏi châu Á, họ sẽ nắm giữ vị trí bá chủ trong khu vực tương tự như Mỹ từng nắm giữ lâu dài trước đây. Vấn đề liệu Bắc Kinh có thể chịu đựng sự hiện của Mỹ ở châu Á trong bao lâu là rất quan trọng".
Sau tất cả, điều này mới thực sự là câu chuyện lớn ẩn sau cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc không khẳng định tuyên bố chủ quyền vì chủ nghĩa dân tộc, vì lịch sử hay những lý do liên quan tới năng lượng, mặc dù chúng rất quan trọng. Lý do thực sự là, khi Trung Quốc có một quân đội hùng mạnh hơn, thì các khả năng và lợi ích của họ sẽ cần phải thay đổi. Các quốc gia như Mỹ hay Nhật cũng sẽ phải thích nghi. Không phải là sự kiện rời rạc, có thể giải quyết thông qua đàm phán và ngoại giao, xu thế hiện tại cho thấy, cuộc khủng hoảng Trung - Nhật quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ chỉ là bước khởi đầu cho một con đường xung đột lớn hơn.
Minh Tâm (Theo Theatlantic)