-"Hiện nay, có rất nhiều nhóm được thành lập, cơ quan hoạch định chính sách nào cũng có. Nhưng đó chủ yếu là các nhóm nói (talking group), phát biểu ý kiến của mình là chính", ông Nguyễn Trí Dũng - Quản đốc quốc gia Dự án Chính sách Kinh tế vĩ mô (Ủy ban Kinh tế QH) chia sẻ.

Quốc hội cần có thông tin của mình

Thưa ông, vừa rồi, nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô của UB Kinh tế QH vừa công bố bản báo cáo 2013 với cái tên nghe có vẻ khá lạ lẫm: “Thách thức còn ở phía trước”. Ông có thể giải thích rõ hơn mục đích ra đời bản báo cáo này?

- Ở  nước ta hiện nay có nhiều cơ quan xây dựng báo cáo, đặc biệt là tại các viện nghiên cứu, trường ĐH.

Nhưng hầu hết những báo cáo đó đều mang tính học thuật, hàn lâm mà ĐBQH sẽ rất vất vả khi tham khảo những tài liệu đó. Chưa kể nhiều nghiên cứu không được “trong sáng” cho lắm. Chẳng hạn như gần đây một nghiên cứu đưa ra kết luận  rằng thâm hụt ngân sách ở nước ta không có tác động gì tới lạm phát. Nếu như vậy thì mấy năm tới Chính phủ có thể “yên tâm” với mức thâm hụt tăng cao của mình rồi.

Hoặc hồi đầu năm có chuyên gia khuyến nghị phá giá 4%. Những khuyến nghị kiểu như vậy rất nguy hiểm.

{keywords}

Bên cạnh đó, các ĐBQH hiện nay không có văn phòng giúp việc riêng trong khi nhu cầu cung cấp thông tin “của Quốc hội” trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô là rất lớn, phục vụ cho việc thảo luận chính sách cũng như phản biện các đề xuất chính sách của Chính phủ. Trong thời gian dài các ĐB dường như chủ yếu sử dụng báo cáo thẩm tra của các Ủy ban, thông tin từ báo chí mà ít được cung cấp những thông tin nghiên cứu độc lập.

Bởi vậy, bản báo cáo vừa công bố là một sản phẩm nằm trong những nghiên cứu chính sách của chúng tôi (gọi là action research), không phải là nghiên cứu học thuật, phát hiện vấn đề nữa mà là đề xuất chính sách cụ thể.

Báo cáo do  nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện. Đúng là hiện nay, có rất nhiều nhóm được thành lập, cơ quan hoạch định chính sách nào cũng có. Nhưng đó chủ yếu là các nhóm nói (talking group), phát biểu ý kiến của mình là chính.

Còn điểm khác của nhóm này là nhóm làm việc (working group), làm thật và có sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó nhóm MAG cũng cung cấp rất nhiều ý tưởng cho việc thiết kế và tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, mùa Thu cũng như giúp kiểm soát chất lượng các nghiên cứu trước khi công bố.

Nhưng ông giải thích ra sao khi có ý kiến cho rằng, do nhiều nội dung của bản báo cáo không cập nhật nên đã chưa thể cung cấp được các thông tin thiết thực đến cơ quan hoạch định chính sách?

- Đúng là nhiều số liệu phân tích chỉ dừng lại ở năm 2012.

Một trong các lý do đó là tuy chúng tôi đã chuẩn bị từ khá lâu nhưng vì nhiều lý do nên dẫn đến chuyện công bố muộn.

Tuy nhiên, nên lưu ý là những câu chuyện nêu ra thì không chỉ là chuyện của riêng năm 2012.

Cụ thể như trong phần Doanh nghiệp, chúng tôi đã chỉ ra rằng việc các doanh nghiệp Việt Nam đồng loạt rơi vào trạng thái khó khăn trong thời gian vừa qua, một phần từ tác động của yếu tố bên ngoài đối với sụt giảm tổng cầu, nhưng mặt khác và quan trọng hơn, là từ các chính sách kinh tế vĩ mô từ bên trong, từ việc chúng ta đã duy trì một chính sách tiền tệ tùy nghi, không theo quy tắc và chính sách tài khóa chưa nhất quán cũng như quy mô quá lớn của khu vực DNNN.

Rõ ràng bài học ở đây là để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tốt nhất là nên đi vào giải quyết các nguyên nhân có tính nền tảng thay vì tập trung nguồn lực để hỗ trợ một khu vực cụ thể nào đó của nền kinh tế, duy trì chính sách tiền tệ theo quy tắc và chính sách tài khóa nhất quán, kỷ luật ngân sách chặt chẽ.

Hay như phân tích trong chương về bộ ba bất khả thi đã chỉ ra rằng trong ngắn hạn cần tăng cường tính độc lập chính sách tiền tệ để hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời với đó là gia tăng dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá ổn định và ổn định được lạm phát, và trì hoãn việc mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính theo cam kết đến năm 2018.

Chúng ta cũng sẽ sớm là thành viên của RCEP, cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP chương cuối đã phân tích để chỉ ra liệu nền kinh tế trong nước có đủ sức cạnh tranh, chống cự nổi không khi chúng ta bước vào những sân chơi này. Nếu không nhìn nhận nghiêm túc và có sức ép với những cải cách trong nước thì thất bại là khó tránh khỏi. Bài học WTO đã rõ ràng.

Kinh tế VN vẫn đi lệch pha thế giới

Bản báo cáo chủ yếu phân tích tình hình các năm cũ, vậy còn đề xuất cho năm 2014 sắp tới?

- Một trong những khó khăn rất lớn cho chính sách tài khóa, tiền tệ giai đoạn vừa qua là áp lực lớn về chính trị đòi hỏi phải tăng trưởng dương bằng mọi cách để bảo đảm an sinh xã hội.

Quan điểm này được xem là đã “cưỡng lại” tác động của khủng hoảng khi đưa ra những chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng thông qua các gói hỗ trợ lớn trong khi những nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô còn khá mong manh, để đạt được thành tích là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất trong số các nước chịu tác động của khủng hoảng.

{keywords}
ĐBQH cũng cần có những thông tin của riêng mình. Ảnh: Lê Anh Dũng

Như vậy rõ ràng trong năm 2014 và những năm tiếp theo, chính sách tiền tệ phải có được sự độc lập nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu của chính sách.

Vừa qua việc ra đời Nghị định 156 cũng đã có một số điểm mới, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để chính sách tiền tệ có được sự độc lập cần thiết và thoát ly khỏi những áp lực về chính trị đòi hỏi tăng trưởng bằng mọi giá.

Cải cách tài khóa là một trong những khâu chậm nhất ở nước ta trong những năm qua. Cách phân bổ vẫn vậy, mô hình “búp bê nga” nhiều bất cập vẫn được duy trì … tạo ra cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách.

Trong năm tới mục tiêu thiết kế lại hệ thống ngân sách nhà nước, tách bạch rõ ràng các cấp ngân sách phải được đặt lên hàng đầu khi sửa đổi Luật Ngân sách. Ngân sách phải được phân bổ trên cơ sở đo lường kết quả đầu ra một cách chính xác. Cắt giảm chi thường xuyên và đảm bảo quy mô thu ngân sách hợp lý để giảm gánh nặng thuế khóa, tăng cường kỷ luật tài khóa để kiểm soát chi tiêu vì quy mô chi NSNN của Việt Nam thậm chí còn cao hơn rất nhiều các nước có thu nhập cao như Singapore (khoảng 17,8% GDP) hay Hàn Quốc (21,5%).

Còn với khu vực ngân hàng và doanh nghiệp?

- Chúng tôi cũng kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa ngân hàng, DN và Chính phủ.

DNnợ quá hạn ngân hàng, DN nợ lẫn nhau, DN nợ thuế nhà nước, và chính quyền địa phương nợ đọng DN. Nếu tình trạng này không được giải quyết, dòng vốn trong nền kinh tế sẽ không được lưu thông và nền kinh tế sẽ tiếp tục ở trong tình trạng trì trệ. Việc giải quyết nợ đọng cơ bản có lẽ sẽ là nút mở quan trọng mà nhà nước có thể chủ động để làm cho vốn trong xã hội lưu thông.

Ngoài ra là những kiến nghị về cải cách doanh nghiệp nhà nước cần triển khai ngay. Như tách bạch vai trò chủ sở hữu và vai trò quản lý trong DNNN thông qua việc phân tách đội ngũ quản trị khu vực DNNN thành hai nhóm: quản giám (stewardship) và quản lý (managementship). Nhóm đầu có trách nhiệm thu vén bảo toàn vốn cho Nhà nước và cần hành xử theo các quy tắc đối với công chức. Nhóm sau sẽ hành xử như những nhà quản lý theo các tiêu chí thị trường.

Định hướng các chủ đề mà nhóm sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất trong năm tới?

- Như bạn đã thấy, thông điệp bao trùm của báo cáo là thách thức vẫn còn ở phía trước, chúng ta không thể thoát khỏi khó khăn nếu không quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất vì trong vài năm tới khi chúng ta có thể ngóc đầu lên một chút thì có thể thế giới lại rơi vào một chu kỳ khó khăn mới.

Kinh tế VN đi lệch pha thế giới như vậy khó khăn sẽ còn kéo dài. Trong mấy năm qua các doanh nghiệp đã chịu đựng quá nhiều khó khăn, chính sách vĩ mô cũng có nhiều nỗ lực để ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn (kiểm soát lạm phát, tỷ giá ổn định tương đối…), tất cả cũng chỉ để tạo điều kiện cho những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất. Tuy nhiên quá trình này gặp quá nhiều lực cản, đặc biệt là từ những DNNN với nhiều lợi ích chằng chéo bên trong.

Trong bối cảnh đó, trong năm 2014 Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 và dự kiến sẽ không đề cập trực tiếp tới ba lĩnh vực DNNN, ngân hàng và đầu tư công vì đã có quá nhiều phân tích đánh giá chẩn bệnh rồi, mà sẽ phân tích những yếu tố nền tảng để có thể tái cơ cấu thành công. Ví dụ như nhiều đầu vào cho sản xuất ở nước ta còn chưa có thị trường dẫn tới “phân bổ nguồn lực không hiệu quả”.

Báo cáo này cùng với một loạt nghiên cứu chính sách cụ thể khác hy vọng sẽ cung cấp những bằng chứng khoa học cho các đại biểu trong quá trình thực hiện giám sát.   

  • Ngọc Lê