"Ngay các bộ trưởng cũng không rõ về mặt trách nhiệm. Tôi thấy rất nhiều bộ trưởng nói cái này đã trình Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ", ông Nguyễn Trần Bạt nêu ý kiến.

LTS: Như thường lệ, một năm luôn kết thúc với các phần tổng kết, đánh giá nhìn nhận lại các diễn biến của năm cũ.

2013 là năm có những đổi thay lớn về mặt vĩ mô như: sửa Hiến pháp, sửa Luật đất đai. Đồng thời, trong đời sống xã hội cũng chứng kiến những biến động lớn: Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vụ án gây chấn động nhân tâm: tráo kết quả ở Bệnh viện Hoài Đức; trẻ em chết sau khi tiêm vắc-xin; bác sĩ thẩm mỹ làm chết bệnh nhân rồi ném xác xuống sông; án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,  Phạm Văn Thành; 230 kg ma túy "thoát" cửa kiểm soát của Hải quan; chôn hóa chất của công ty Thành Thái (Thanh Hóa); quản lý thủy điện và khai thác khoáng sản (xả lũ thủy điện, vỡ hồ bùn đỏ)...

Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế,  các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.

Tham gia buổi tọa đàm có ông  Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội;  ông  Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) ông  Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn InvestConsult Group.

Sự rối loạn đáng báo động!

{keywords}
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa các khách mời, qua những vụ việc nổi cộm chúng tôi nêu ra, các vị khách có thể đưa ra mô tả chung nhất cho câu hỏi: điều gì đang xảy ra hiện nay? Những vụ việc trên bộc lộ ra những vấn đề gì trong công tác quản lý/điều hành đất nước?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Đã đến lúc chúng ta gọi những hiện tượng trên là những dấu hiệu báo động. Chưa đến mức khủng hoảng, nhưng đó là các rối loạn sâu sắc trong đời sống xã hội nói chung và trong hệ thống điều hành nói riêng; và trong các khía cạnh cấu tạo ra đời sống tinh thần của người Việt.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng có một khía cạnh quán xuyến hầu hết các mặt nguyên nhân/hệ quả của các rối loạn hiện nay. Đó là chúng ta đi nhanh quá, đòi hỏi một tốc độ phát triển nhanh quá, muốn sự "hoành tráng" thái quá. Chúng ta muốn một cấu hình Việt Nam đẹp hơn năng lực của nó. Chúng ta đi nhanh hơn khả năng chúng ta được chuẩn bị.

Chẳng hạn, nhìn lộ trình phát triển của một vài quan chức đưa ra thấy là nhanh quá, ôm đồm quá; không có một cương vị nào đủ độ dài để các quan chức thấm cương vị điều hành ở một cấp nào đó. Chúng ta xem các cấp như một bước trung chuyển để tạo ra một nhà điều hành lớn. Nhưng những bước trung chuyển ấy không đủ dài, không đủ nghiêm túc, không đủ quan trọng và cơ sở khoa học để tạo ra những năng lực quản trị cao hơn.

Trong GD chúng ta có hàng chục ngàn tiến sĩ, nhưng chúng ta không có bất kỳ cơ sở khoa học nào để xác định chất lượng. Tôi đã trông thấy có người ngày nào đó còn học bổ túc, thoáng cái đã thành TS, GS.

Chính vì đi nhanh quá, chúng ta cần nhiều cán bộ quá, chúng ta đào tạo và đề bạt ào ào, bất chấp kinh nghiệm điều hành và năng lực của hệ thống quản lý. Sự rối loạn của xã hội đã ở mức báo động, cần phải suy nghĩ và hành động nghiêm túc, khẩn trương.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM CLIP BUỔI TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN:

Sửa Hiến pháp là bước đi đúng đắn

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa ông Lê Quang Bình, ông có đồng ý với phân tích của ông Nguyễn Trần Bạt không? Từ góc độ tổ chức dân sự, ông có suy nghĩ gì?

Ông Lê Quang Bình: Tôi chia sẻ với quan điểm của ông Bạt. Trong công tác điều hành đất nước, vai trò của cơ quan công quyền vô cùng quan trọng. Làm thế nào để chúng ta có được những người có năng lực thực sự, có tầm nhìn và tài đức để điều hành đất nước là vô cùng quan trọng.

Những việc diễn ra vừa qua cho thấy chất lượng của cán bộ, của giáo dục có rất nhiều vấn đề. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hệ quả xã hội như vừa nêu trên.

Tôi muốn nói thêm về những nguyên nhân khác, từ góc độ của tôi, cũng rất quan trọng: trong năm 2013 Việt Nam đã có hoạt động vô cùng quan trọng là sửa Hiến pháp. Tôi đánh giá cao Nghị quyết của Quốc hội đề cập đến việc để người dân tham gia vào quá trình vận hành đất nước.

Cá nhân tôi cho rằng quá trình tham vấn sửa đổi Hiến pháp đã có một tác động to lớn là tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và cần thiết trên cả nước.

Tôi tin rằng đó là một bước đi đúng đắn. Khi người dân được tham gia thảo luận các vấn đề cốt yếu của đất nước như Hiến pháp, không chỉ giúp những người làm luật hiểu hơn tâm tư nguyện vọng của người dân mà còn giúp người dân hiểu hơn đất nước mình; nâng cao nhận thức của người dân.

Tôi cho rằng quản lý/điều hành đất nước không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà còn là của người dân. Hiến pháp cũng quy định người dân có quyền tham gia vào việc quản lý/điều hành đất nước.

Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta cần có một cơ chế cho các tổ chức dân sự và phi chính phủ phát triển mạnh mẽ độc lập, vì một trong những chức năng chính của các tổ chức này là bảo vệ người dân và các nhóm yếu thế; đồng thời phản hồi cho Nhà nước những chính sách đã phù hợp chưa?

Tôi muốn nhấn mạnh thêm việc quản lý xã hội không thể chỉ bằng luật pháp, mà rất cần các giá trị đạo đức và giá trị nhân văn. Tôi cho rằng đây là vấn đề Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa.

{keywords}
Ông Lê Quang Bình. Ảnh Lê Anh Dũng

Nhà báo Hoàng Hường: Khi chúng ta nói về ổn định xã hội và quyền con người, chắc hẳn chúng ta cũng phải đề cập đến trách nhiệm của chính quyền cũng như trách nhiệm của các nhà quản lý. Xin ông Nguyễn Sỹ Cương cho ý kiến?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi đồng ý với một nhận định của một số người cho rằng người dân có biểu hiện bất an trước một số hiện tượng xã hội vừa qua. Những hiện tượng đó phần nào làm người dân mất phương hướng, mất niềm tin vì trong nhiều trường hợp họ phó thác số phận, thậm chí cả tính mạng của mình cho Nhà nước, cho chính quyền. Ví như khi có bệnh thì phó thác hoàn toàn tính mạng của mình cho cơ sở y tế, cho bác sĩ. Ấy vậy nhưng khi có dấu hiệu bệnh tật đến bệnh viện, cần phải xét nhiệm thì kết quả xét nghiệm lại là của người khác, vậy là có bệnh mà không biết và đến khi biết thì đã quá muộn, hay đang sống yên ổn bỗng nhiên thủy điện xả lũ mà không có bất cứ một sự báo trước nào của doanh nghiệp hay chính quyền và thế là…bỗng chốc nhà cửa, tài sản và cả người thân trôi đi tất cả.

Vậy thì bất an là đương nhiên rồi! Trong những trường hợp như vậy người dân chỉ còn biết trông cậy vào chính quyền chứ họ không thể tự lo cho mình được.

{keywords}
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh Lê Anh Dũng

Có Bộ trưởng chẳng biết mình là ai?

Nhà báo Hoàng Hường: Tôi lại nghĩ khác, khi một người lãnh đạo nhận cương vị, cũng đồng thời nhận sự tin tưởng và mong đợi của người dân. Khi cuộc sống có sự bất ổn, sinh mạng hay nhân phẩm người dân bị ảnh hưởng, Như vậy là người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình, và người dân cần có một người để chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi chỉ xin góp thêm một vấn đề vào chuỗi mà tôi nói lúc nãy. Nguyên nhân thứ ba của sự rối loạn xã hội hiện nay là chúng ta không xây dựng nổi một hệ thống trách nhiệm, hay nói cách khác, có những mối quan hệ và trách nhiệm không rõ ràng, hết sức lơ mơ đối với nhiệm vụ của mình.

Ngay như các bộ trưởng cũng không rõ về mặt trách nhiệm. Tôi thấy rất nhiều bộ trưởng nói cái này đã trình Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều dồn trách nhiệm lên Thủ tướng.

{keywords}
Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xã hội không nhận thức được rõ ràng sự phân công trách nhiệm trong cấu trúc nội các thông qua việc cái gì cũng xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng chính phủ, không rõ trách nhiệm của bộ trưởng.

Một xã hội mà hệ thống của nó không thể xác định ngay lập tức kẻ phải "giơ đầu" chịu khi có sự cố thì làm gì có trách nhiệm mà vận hành đất nước.

Một vài tiếng đồng hồ sau khi phát động chiến tranh Iraq là tài sản của Saddam Husein bị phong tỏa ngay lập tức trên toàn thế giới. Độ nhạy của việc chỉ rõ địa chỉ và mức độ của các giải pháp quản lý xã hội phải đến mức như thế. Chúng ta không có!

Ở đây có anh Cương là Ủy viên thường trực một ủy ban của Quốc hội, cần phải đề nghị với Nhà nước, đề nghị với Đảng việc cấp bách đầu tiên là phải xây dựng hệ thống trách nhiệm hành chính.

Chúng ta phải hành chính hóa, kinh tế hóa, văn hóa hóa tất cả trách nhiệm được gọi là trách nhiệm chính trị. Nếu chỉ dừng lại trách nhiệm chính trị thì xã hội không đủ năng lực, không đủ quyền lực và không đủ khát vọng để thảo luận.

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam - Clip: Xuân Quý - Bạt Tuấn