Từ một tai nạn chết người
Ngày 8/12, một công nhân 33 tuổi người Ấn Độ, đã bị một chiếc xe bus từ Little India cán chết. Vụ việc đã châm ngòi cho vụ bạo loạn đầu tiên tại Singapore trong hơn bốn thập kỷ qua.
Xe cảnh sát và xe cứu thương đều bị tấn công, một số đã bị đốt. 18 người đã bị thương, bao gồm cảnh sát và các nhân viên cấp cứu. Cuộc bạo loạn đã được dập tắt trong một giờ đồng hồ, nhưng vụ việc xảy ra đã gây sốc cho người dân Singapore và tạo một tì vết lên sự bình yên vốn có của đảo quốc thịnh vượng này.
Chính phủ Singapore đánh giá vụ việc do một đám đông say rượu gây ra, và một lệnh cấm rượu tạm thời đã được ban hành. Các phương tiện truyền thông địa phương cũng tập trung khai thác góc độ lạm dụng rượu trong thành phần lao động nhập cư từ Nam Á.
Tuy nhiên, điều này không thể che đậy một thực tế là trong nhiều năm gần đây, những vụ việc không được coi là "cách hành xử Singapore" bắt đầu xảy ra. Tháng 11/2012, tại Singapore xảy ra vụ đình công đầu tiên trong 26 năm của hơn 100 lái xe buýt thuộc công ty giao thông công cộng SMRT.
Tháng 2/2013, một cuộc biểu tình với hơn 3.000 người tham gia, được coi là cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử độc lập của Singapore. Một cuộc biểu tình tiếp theo diễn ra vào tháng 5 thu hút đáng kể người tham gia. Vụ bạo loạn ở khu Litte India chỉ là vụ việc mới nhất trong một chuỗi những bất ngờ gần đây.
Các vụ việc này đều có nguyên nhân khác nhau và liên quan đến các nhóm dân cư khác nhau. Mặc dù không có mối liên kết trực tiếp nào, nhưng những diễn biến này khiến nhiều người đặt ra vấn đề về mặt sau một hình ảnh chau chuốt của một quốc gia thịnh vượng và trật tự.
Singapore luôn nổi tiếng về sự ổn định, giàu có |
Phía sau một hình ảnh hoàn hảo
Trong khi các quốc gia khác trên thế giới chao đảo vì bất ổn kinh tế, Singapore đã làm rất tốt. Báo cáo Thịnh vượng thế giới (World Wealth Report) năm 2012 đã liệt kê Singapore đứng đầu danh sách về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng đó, bằng cách này hay cách khác, lại không chia đều cho cư dân của quốc đảo, khiến Singapore là nước có mức độ bất bình đẳng xã hội cao nhất trong các nước phát triển. Sự phụ thuộc của quốc gia vào việc nhập khẩu lao động giá rẻ từ nước ngoài giữ thấp mức lương, đặc biệt đối với những công nhân "cổ xanh" (lao động phổ thông), và không có mức lương tối thiểu.
Việc đồng cảm với thủ phạm gây ra vụ bạo loạn sẽ rất khó khăn nếu chúng ta mãi ảo tưởng về một "Singapore" với các chuẩn mực - Singapore mà chúng ta đã quen thuộc. Trong Singapore đó, Singapore của chúng ta, chúng ta luôn nghĩ rằng có thể dựa dẫm vào các cơ quan chức năng bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp đe doạ cuộc sống. Tuy nhiên, trong biên giới này có những Singapore khác của những lao động nước ngoài. Một trong những bất cập trong những Singapore này là người tuyển dụng lừa đảo đối xử vô nhân đạo với công nhân bị thương. Điều này chẳng lẽ không làm méo mó đánh giá của công nhân khi họ thấy đồng nghiệp của mình trọng thương? PGS. Cherian George (Singapore)/ Cheriangeorge.net |
Mặc dù không có chuẩn nghèo chính thức nhưng đất nước này cũng có số lượng đáng kể người dân được coi là "lao động nghèo" phải đấu tranh kiếm sống khi lượng công việc ngày càng giảm đi. Các tầng lớp của xã hội - dù là công dân hay không phải công dân Singapore - bắt đầu cảm thấy bị tước quyền, không được phục vụ và bị bỏ quên, trong khi có một tầng lớp siêu giàu bên trên.
Những công nhân nhập cư, nguồn lao động phổ thông chính là nền tảng của hệ thống bấp bênh này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Họ được nhập khẩu lao động để dọn dẹp đường phố và làm việc ở các công trình xây dựng của Singapore, nhưng nằm ngoài dân số chính và tách biệt hẳn với xã hội.
Charan Bal, một giảng viên đại học nghiên cứu về các vấn đề lao động nhập cư ở Singapore đã nhận thấy sự phân biệt này. "Có rất ít sự tương tác hàng ngày giữa những lao động nhập cư hợp đồng và người Singapore. Hầu hết những công nhân này đều bị âm thầm hoặc công khai loại trừ khỏi không gian đô thị trong thời gian nghỉ ngơi của họ".
Charan Bal cho biết, "Họ thường sống ở các khu ký túc xá trong các khu công nghiệp cách xa nơi người Singapore sinh sống. Và nếu một ký túc xá nào mọc lên gần nơi người Singapore cư trú, những cư dân ở đó ngay lập tức phàn nàn".
Ngay cả những người tiếp xúc với các công nhân, như chở họ đến và về từ nơi làm việc hoặc tuần tra khu vực mà họ tụ tập, cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong nghiên cứu của mình, Bal nhận thấy các nhân viên lái xe bus và cảnh sát hỗ trợ nhận mức lương thấp và làm việc nhiều giờ. Không mấy ngạc nhiên khi giữa họ và công nhân nhập cư thường xảy ra xô xát.
Charan Bal cảnh báo, tăng cường kiểm soát với lao động nhập cư không phải là giải pháp lâu dài. "Tăng cường an ninh và kiểm soát nhất cử nhất động sẽ khiến họ yên tĩnh bề ngoài, nhưng chỉ tạo ra thêm mâu thuẫn giữa cơ quan thực thi và người lao động."
Uỷ ban điều tra sẽ sớm họp để nghiên cứu các khía cạnh của vụ án. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Chính phủ Singapore chấp nhận cuộc bạo loạn là một dấu hiệu để xem xét lại chính sách. Bộ trưởng Ngoại giao và Pháp luật K Shanmugam cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy các công nhân không hài lòng với người sử dụng lao động hay Chính phủ.
Nhưng không phải ai bị thuyết phục trước lập luận này. Mạng lưới truyền thông xã hội và blog Singapore tràn ngập những bình luận yêu cầu tự nhìn nhận và xem xét nội bộ. Ngay cả khi việc bất hoà hàng ngày giữa công nhân nhập cư không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc bạo động, nó có thể là một nguyên nhân ngầm chưa được để ý tới.
Đường phố đã sạch sẽ và khu Little India lại trở lại kinh doanh bình thường. Nhưng những ảnh hưởng ồn ào của đêm Chủ nhật vừa rồi vẫn còn vương vất. Bất kể nguyên nhân chính thức nào được công bố, chúng ta đã một lần nữa thoáng nhìn thấy sự phức tạp bên dưới những thành tựu của Singapore. Các vấn đề của cộng đồng bị thiệt thòi nghiêm trọng hơn rượu, và không thể bỏ qua lâu hơn nữa.
Như Nguyệt (theo The Diplomat)
Có hơn năm triệu người sinh sống tại Singapore, nhưng chỉ 3 triệu người được sinh ra ở đây. Trong đó 75% dân số là người Trung Hoa, người Malaysia, Ấn Độ và Á-Âu lập thành những nhóm dân tộc lớn khác. Nghiên cứu nhân khẩu học chi tiết hơn: Theo nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Transient Workers Count Two, có khoảng một triệu lao động nhập cư có mức lương thấp ở Singapore - khoảng 20% tổng dân số quốc gia - làm những công việc chân tay, bẩn, nguy hiểm và có mức lương khiêm tốn mà người Singapore không muốn làm. Những người công nhân này phần lớn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Phillipines, làm việc trong các ngành công nghiệp khác nhau từ xây dựng, vệ sinh, sản xuất và làm thuê. Nhóm nghiên cứu cho biết: "Lao động nhập cư đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và xã hội của Singapore nhưng thường bị lạm dụng một cách vô lương tâm", trong đó bao gồm làm việc dài ngày ( hoặc không có ngày nghỉ), nhà ở không đạt tiêu chuẩn và không trả lương. Họ cũng bị phân biệt đối xử và sự thất vọng là do có quá ít sự lựa chọn trong cuộc sống. Lần gần nhất khi cảnh sát được triển khai trong hoàn cảnh tương tự là trong một loạt các vụ bạo động sắc tộc tại Singapore vào năm 1964. Tháng 7 cùng năm, 36 người chết và 568 người bị thương khi xảy ra đối đầu giữa nhóm người Trung Quốc và Mã Lai trong một cuộc diễu hành kỷ niệm sinh nhật nhà tiên tri hồi giáo Muhammad. Ba ngàn người đã bị bắt giữ. Vào tháng 9, có 13 người chết và 106 người bị thương sau khi một nhóm người Trung Quốc bị buộc tội giết chết người đạp xích lô Mã Lai. Khoảng 500 người đã bị bắt giữ.
Forbes.com |