Việc đạt được thỏa thuận về di dời căn cứ không quân đã giúp ông Abe "ghi điểm" trước Nhà trắng và đánh bóng tên tuổi của mình.

>> 'Phát súng' của Nhật đẩy Trung - Hàn xích gần?

>> Dấu ấn 'con ông cháu cha' của nguyên thủ

>> Vùng phòng không TQ: Xem Nhật chính thức 'ra tay'

Ngày 27/12, chính quyền Okinawa chính thức phê duyệt di dời căn cứ không quân của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa tới Nago - một địa điểm thưa dân cư hơn. Quan hệ Mỹ - Nhật, vốn đã bế tắc nhiều năm qua, rốt cuộc đã được khai thông nhờ vào quyết định của tỉnh trưởng Okinawa Hirokazu Nakaima.

Táo bạo hay táo tợn?

Việc di dời căn cứ US Futenma là một bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Nhật. Quyết định này được thông qua sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gặp thống đốc Nakaima hôm 25/6 để thúc đẩy việc phê chuẩn di dời căn cứ Futanema sang một cơ sở mới. Theo đó, ông Abe cũng cam kết một gói kích thích kinh tế hằng năm ít nhất là 300 tỷ yen (hơn 2 tỷ euro) cho Okinawa đến năm 2021.

Thủ tướng Abe đã ca ngợi hành động của ông Nakaima là một "quyết định dũng cảm", trong khi Bộ trưởng quốc phòng Itsunori Onodera cam kết "chính phủ sẽ làm hết sức để di dời căn cứ Camp Schwab càng nhanh càng tốt".

Tetsuro Kato, giáo sư danh dự tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo) nhận định: "Thủ tướng Abe đã chi bạo để có được cái gật đầu từ thống đốc Nakaima. Thành công này giúp ông Abe không phải mất mặt với Washington". Căn cứ mới truyền tải hàm ý của Nhật Bản rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây vẫn sẽ được duy trì. Động thái mới này của ông Abe đã tháo gỡ nút thắt cho quan hệ Mỹ - Nhật từ cam kết đóng cửa căn cứ Futenma giữa Nhật và Mỹ năm 1996.

Cơ sở mới sẽ được xây dựng tại một địa điểm thuộc thành phố Nago là Henoko. Đây là một phần của thỏa thuận di dời 9.000 lính thủy đánh bộ ra khỏi Okinawa, bao gồm 5.000 quân tới Guam. Thỏa thuận ban đầu của Mỹ và Nhật để đóng căn cứ Futenma đã được ký kết vào năm 1996 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần.

Tuy nhiên, hàng ngàn người biểu tình tại Okinawa đã bao vây văn phòng chính quyền địa phương với các biểu ngữ phản đối như "không bao giờ khuất phục". Những người phản đối tin rằng việc xây dựng căn cứ mới tại Nago sẽ đe dọa môi trường sống của các sinh vật biển.

Trước động thái này, chính quyền ông Nakaima vẫn chưa bộc lộ thái độ cụ thể nào. Tokyo và Washington dự kiến ​​sẽ vạch ra các kế hoạch quản lý môi trường nhằm xoa dịu những quan ngại của người dân Okinawa.

{keywords}

Căn cứ Futenma sẽ di dời lên phía bắc Okinawa - Ảnh: Reuters

"Chủ nghĩa dân tộc" và "tư duy thực dụng"?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh quyết định hôm thứ sáu của ông Abe, và xem đó là "cột mốc quan trọng nhất" cho đến nay trong cuộc chạy đua dài hơi nhằm tổ chức lại lực lượng Mỹ tại Okinawa. Ông Hagel còn cho rằng, đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch "tái cân bằng" lực lượng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việc đạt được thỏa thuận lần này đã giúp ông Abe "ghi điểm" trước Nhà trắng và đánh bóng tên tuổi của mình. Đây cũng là cơ hội giúp Tokyo và Washington thắt chặt quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống. Bàn cờ Đông Bắc Á với hàng loạt các ngòi nổ như vấn đề Đài Loan, bán đảo Triều Tiên và quan trọng là quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đã khiến ông Abe quyết đoán hơn.

Động thái lần này của ông Abe cũng thể hiện sự tự tin trong việc có thể thuyết phục dư luận trong thời gian tới. Kinh nghiệm cầm quyền và khả năng chuyển hướng dư luận từ trong nước sang các tranh chấp tại quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong thời gian qua có thể vẫn hữu ích.

Rõ ràng, ông Abe đã ghi được một điểm quý giá từ Nhà trắng. Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo tuyên bố: "Mỹ mong muốn làm việc với chính phủ Nhật Bản trong việc củng cố các cơ sở quân sự". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng tuyên bố bước đi này "sẽ giúp Mỹ và Nhật cập nhật và hiện đại hóa liên minh để đối phó lại các thách thức về an ninh trong thế kỷ 21".

Cho đến thời điểm này, tư duy thực dụng của Thủ tướng Abe đã giúp Mỹ và Nhật đều được lợi: Washington củng cố và mở rộng các căn cứ quân sự tại Đông Bắc Á trong khi Tokyo đảm bảo sự hỗ trợ quân sự từ Nhà trắng.

Những hành động gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc và thái độ quyết đoán của Trung Quốc xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đã khiến ông Abe đi một nước cờ táo bạo. Để bảo vệ chủ quyền, Nhật Bản rất cần lực lượng bảo vệ mạnh mẽ trong trường hợp có xung đột tại Senkaku/ Điếu Ngư. Đó là lý do Nhật sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi vẫn không chắc chắn về khả năng thuyết phục dư luận tại Okinawa.

Washington cũng hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp đảm bảo mối quan hệ quân sự lâu dài với Nhật Bản và giúp Mỹ phân phối lại lực lượng ở Thái Bình Dương. Sau hơn một thập kỷ sa lầy tại Trung Đông, Mỹ rất cần thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật Bản, nhất là khi sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc đang khiến Nhật vô cùng lo lắng.

Thế nhưng, căn cứ Okinawa lại là quần đảo nằm "sát sườn" Senkaku/ Điếu Ngư. Động thái không nhượng bộ của Nhật Bản sẽ càng khiến chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc dâng cao. Quan hệ hai nước rất có thể sẽ càng thêm khó khăn nếu ông Abe vẫn kiên trì củng cố sức mạnh cho Nhật Bản bằng cách liên tiếp chủ động thắt chặt quan hệ Mỹ - Nhật.

Nước cờ có tính chiến lược lần này của ông Abe là sự tiếp nối sự kiện ông viếng thăm đền Yasukuni. Nếu chuyến thăm đền Yasukuni hôm 26/12 đã bộc lộ "chủ nghĩa dân tộc" thì việc ký quyết định tái căn cứ không quân Mỹ sang Nago hôm 27/12 đã thể hiện "tư duy thực dụng" của Thủ tướng Nhật. Chính sách đối ngoại của ông Abe trong năm 2014 cũng hứa hẹn nhiều sự thay đổi mang tầm chiến lược.

Huỳnh Tâm Sáng