Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TPP cũng là luật chơi mà các "đại gia về sáng chế" như Mỹ đặt ra. Các quốc gia trước nay vốn chưa có sự chuẩn bị kĩ cho luật SHTT như Việt Nam, sẽ đứng trước nguy cơ "đi hầu tòa" liên tục sau TPP do vi phạm luật SHTT.

TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) ra đời khi WTO đang dần bão hòa quyền lợi, đã một lần nữa "thẩm định" năng lực tạo ra những ưu thế riêng biệt của từng quốc gia. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn luôn là lĩnh vực đàm phán quan trọng và gây nhiều tranh cãi. Yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo hộ ở mức cao hơn hiệp định TRIPS trước đây càng khiến các nhà đàm phán Việt Nam phải đau đầu với bài toán hài hòa lợi ích các bên.

Sở hữu trí tuệ trong TPP: ngặt nghèo hơn WTO

Mới đây, trang Wikileaks tiết lộ một bản dự thảo về vấn đề SHTT trong đàm phán TPP tính tới ngày kết thúc vòng thứ 19 tại Brunei (30/8/2013). Những tranh cãi xoay quanh sự việc này một lần nữa chứng minh, câu chuyện về quyền SHTT luôn là thách thức lớn đối với các nước đàm phán vấn đề về mậu dịch tự do.

Hiệp định về các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) có hiệu lực từ năm 1995 là một trong những thành tựu đáng kể của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Trước đó, các quy định về quyền SHTT đã được quy định trong GATT (Hiệp định chung về thuế và thương mại trong khuôn khổ WTO).

Với sự ra đời của TRIPS, các quy định về quyền SHTT đã được hoàn thiện. Theo đó, TRIPS thiết lập các bảo hộ đối với quyền tác giả, nhãn hiệu mặt hàng, thương hiệu địa lí, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, đa dạng thực vật và bí mật thương mại. Điều này buộc các nước thành viên WTO phải áp dụng tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT một cách nghiêm túc theo một lộ trình nhất định. TRIPS cũng cho phép các nước phát triển có thể áp dụng các tiêu chuẩn tối thiểu và thủ tục bảo hộ mà họ muốn.

Tương tự TRIPS, SHTT trong TPP cũng là luật chơi mà các "đại gia về sáng chế" như Mỹ đặt ra. Theo những gì mà Wikileaks tiết lộ, các đề xuất của Mỹ trong TPP, cụ thể là các đòi hỏi tăng cường mức độ bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại v.v...

Cụ thế, Mỹ yêu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ sáng chế đối với cả những phương pháp chẩn đoán, điều trị hay phẫu thuật vốn trước nay được phép tự do học hỏi, áp dụng lẫn nhau; Yêu cầu bảo hộ không chỉ cho thuốc mới mà cho cả các phương pháp hay cách thức sử dụng mới của một loại thuốc cũ; Các quy định buộc người xin phép lưu hành các loại dược phẩm hay thuốc trừ sâu, phân bón phải làm lại các thử nghiệm trên người/động thực vật cho dù các dữ liệu thử nghiệm tương tự đã có; Những yêu cầu bảo vệ cao về bản quyền, đặc biệt trong môi trường mạng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hai dòng tư tưởng ngược chiều

Nhằm tăng cường khả năng và đẩy mạnh sự phát triển về nhân lực và kinh tế, nhiều nước đang phát triển như Việt Nam phải đẩy mạnh việc tiếp thu các công nghệ mới. Tham gia TPP, việc này sẽ không còn dễ dàng trong môi trường bảo hộ SHTT ngặt nghèo mà Mỹ đưa ra.

Bằng chứng là, khi TRIPS có hiệu lực, quan điểm về vấn đề quyền SHTT giữa nhóm nước đang phát triển và nhóm nước phát triển vấp phải sự chia rẽ sâu sắc.

Các nước công nghiệp phát triển phần lớn có nền kinh tế lệ thuộc vào thông tin và chuyển giao công nghệ cho rằng việc thắt chặt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ đem lại các lợi ích lớn về mặt kinh tế. Trái lại, việc sao chép và vi phạm quyền SHTT làm giảm động lực tạo ra các sáng chế.

Các nước đang phát triển lại muốn hướng tới một hệ thống bảo vệ quyền SHTT thật cởi mở, khuyến khích phân phối thông tin một cách tự do, thiết lập nền móng cho công nghệ. Họ phản đối việc thiết lập một hệ thống bảo hộ quyền SHTT quá khắc nghiệt, vì cho rằng họ cần có sự tiếp cận tối đa đối với nền công nghệ tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển.

Các nước đang phát triển lập luận: phần lớn các nước phát triển đã được tự do khai thác các tài sản trí tuệ để phát triển nền kinh tế của họ trong suốt thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Trong khi đó, các nước đang phát triển phải trả tiền cho việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của các cá nhân hoặc các công ty của các nước phát triển. Các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế thấp tại các nước như Ấn Độ, Brazil tạo nên sự phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm.

Tương quan với TRIPS, những yêu cầu SHTT trong TPP từ Mỹ tỏ ra khắc nghiệt hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia trước nay vốn chưa có sự chuẩn bị kĩ cho luật SHTT như Việt Nam, sẽ đứng trước nguy cơ "đi hầu tòa" liên tục sau TPP do vi phạm luật SHTT.

Lựa chọn và đánh đổi

Kết thúc vòng đàm phán thứ 20, các thảo luận về quyền SHTT, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và các biện pháp chữa bệnh vẫn chưa ngã ngũ. Theo những gì mà Wikileaks tiết lộ, các đề xuất của Mỹ trong TPP, cụ thể là các đòi hỏi tăng cường mức độ bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại...

Tiêu chuẩn do Mỹ đưa ra nếu được áp dụng sẽ đưa giá thuốc leo thang. Dự kiến, trong khi các công ty dược tại Mỹ bỏ túi lợi nhuận khổng lồ, thì ở Việt Nam sẽ chỉ có 20% số người bệnh có nhu cầu tiếp cận thuốc, nếu việc sử dụng các loại thuốc cùng công thức không còn được cho phép. Nhìn chung, vấn đề sức khỏe cộng đồng hiện là mối lo ngại lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Các biện pháp bảo hộ quyền SHTT còn tác động đến các quốc gia có tỉ trọng nông nghiệp cao như Việt Nam. Giá các loại nông hóa phẩm như thuốc thú y, phân bón... theo đó sẽ tăng lên đáng kể, làm tăng chi phí và hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung. Những đề xuất bảo hộ cụ thể đối với các giống cây trồng và vật nuôi thậm chí có thể xóa sổ hàng triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vốn khá phổ biến ở Việt Nam.

Tất nhiên, bảo hộ quyền SHTT tạo ra động lực cho các cá nhân và tổ chức đầu tư vào nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới bởi vì chúng cho phép nhà sáng chế được hưởng các thành quả mà họ đã đầu tư và tạo ra bằng cách trao cho họ các quyền độc quyền tạm thời. Mặc dù vậy, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, khả năng tiếp cận các thành tựu khoa học kĩ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực mang tính cộng đồng như y tế sẽ gặp phải những rào cản.

Hơn ai hết trong TPP, Việt Nam rất cần một lộ trình phù hợp trong việc tham gia vào các điều khoản SHTT, tập trung vào việc khuyến khích phân phối thông tin một cách tự do, và qua đó thiết lập được nền móng cho công nghệ. Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phải đi và do đó cần có sự tiếp cận tối đa đối với các công nghệ trên thế giới để thúc đẩy sự phát triển.

Không thể phủ nhận Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực từ việc tham gia TPP. Tuy nhiên, những rào cản từ việc siết chặt bảo hộ SHTT đối với sáng chế dược phẩm, chỉ dẫn địa lí, bản quyền, v.v... nhiều khả năng sẽ làm mờ đi các lợi ích đó.

Nhật Anh - Bảo Yến

Xem thêm các bài:

Sẽ không có "bữa đại tiệc" cho Việt Nam

"Ta đã từng chấp nhận mở cửa cả những ngành như viễn thông, tài chính mà trước đó khoanh vùng rào kín. Việc tham gia TPP tới đây sẽ mở tiếp".

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

TPP: cầu nối kinh tế hai bờ Thái Bình Dương

 Nếu thời gian tới Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP thì hàng hóa Việt Nam vào các nước và ngược lại sẽ không còn những ranh giới nhất định, sân chơi trên thương trường càng ngày càng rộng rãi hơn.