“Khi Việt Nam mua đội tàu ngầm Kilo, nhiều ý kiến cho là chạy đua vũ trang. Tôi cho các ý kiến đó là thiếu căn cứ”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ.

Tàu ngầm Hà Nội vào cảng Cam Ranh an toàn

LTS: Sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Putin, Việt Nam đã nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên: Kilo – Hà Nội, là một trong 6 chiếc tàu ngầm Việt Nam đặt mua của Nga. Ngày 3/1 vừa qua, tàu ngầm Kilo - Hà Nội đã được lai dắt về Quân cảng Cam Ranh. Dự kiến thủ tục bàn giao tàu ngầm Hà Nội giữa Nga và Việt Nam được tiến hành ngày 10/1 tới. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam? Tuần Việt Nam ghi nhận quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4,nguyên Đại biểu Quốc hội.

Ngay từ khi Việt Nam mua đội tàu ngầm Kilo, có nhiều thế lực cho rằng Việt Nam đang chạy đua vũ trang. Tôi cho rằng ý kiến đó là thiếu căn cứ. Việt Nam là quốc gia biển với 3.200km bờ biển, 1 triệu km vuông biển, chiếm ¾ diện tích đất nước, việc tăng cường phòng vệ biển là cực kỳ quan trọng. Đáng lý ra nếu ta có tiềm lực quốc phòng thì phải làm việc này từ lâu rồi.

{keywords}
Tàu ngầm Kilo Hà Nội. Ảnh: Tiền phong

Tôi xin nhắc lại là việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là vấn đề thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ bảo vệ trên đất liền mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ trên biển vì diện tích biển đảo lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Do Việt Nam là nước gắn liền với biển, nên muốn bảo vệ được Tổ quốc, trước tiên phải bảo vệ được biển đảo.

Nhìn sang các nước trong khu vực, thì ngay cả Singapore nhỏ xíu cũng trang bị cả một đội tàu hải quân tinh nhuệ.

Như vậy, việc tăng cường thêm tàu ngầm là xu hướng tất yếu của một quốc gia biển, lực lượng phải có đủ tàu nổi, tàu chìm, tàu hải quân… Tàu ngầm là thiết bị hàng hải tốt nhất.

Hiện nay, chúng ta đã trải qua thời kỳ chiến tranh, đang trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là an ninh quốc phòng. Việc trang bị tàu ngầm là một trong những công việc cần thiết nhằm củng cố nội lực quốc phòng. Lực lượng hải quân và lực lượng đóng giữ trên các đảo là nòng cốt. Các đảo phải là vị trí pháo đài trong công cuộc bảo vệ đất nước, với sự góp sức của 90 triệu dân.

Tuy nhiên, không phải chỉ sắm tàu ngầm là đủ.

Cùng với việc tăng cường phòng thủ tại các đảo, ta đang cố gắng phòng vệ đất nước bằng nhiều biện pháp. Chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh hay bất ổn, nhưng việc phòng vệ vẫn rất cần thiết.

Bên cạnh các hoạt động quân sự, các hoạt động dân sự cũng phải được đẩy mạnh. Làm sao để biển của ta phải giống như sân nhà, luôn có người ra vào. Nếu chỉ chú trọng trang bị phương tiện kỹ thuật không, thì dù có bao nhiêu hải quân, tàu ngầm, tàu chiến… gì cũng không bao giờ đủ. Phải có sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế - quốc phòng; quân sự và dân sự.

Tôi vẫn nói: nếu có chuyện gì trên đất liền, 90 triệu dân có thể trực tiếp hành động. Như Bác Hồ nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nhưng chuyện xảy ra ngoài biển thì không thể ngay một lúc huy động toàn dân được. Cho nên, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho biển: tăng cường sức mạnh phòng thủ của các đảo; tăng cương lực lượng hải quân; không quân; tên lửa đất/biển.

Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông nóng lên trong các diễn đàn khu vực và cả thế giới. Việt Nam không ngoại lệ. Điều này đòi hỏi ta phải chú trọng tăng cường nội lực.

Quan điểm xuyên suốt của chúng ta từ trước đến nay là một nước nhỏ, yếu đánh lại nước mạnh là việc hết sức khó khăn. Dù cho chúng ta có trang bị đến đâu đi nữa, thì những nước đó cũng sẽ hơn ta trong các cuộc chạy đua trang thiết bị quân sự hiện đại.

Trước nay trên mọi mặt trận ,trên bộ, trên không, ta đều nhất quán quan điểm: phải dùng chiến thuật phòng vệ khéo léo, đẩy manh chủ trương hòa bình, linh hoạt. Dù trang bị đến đâu, vẫn dùng phương thức lấy yếu thắng mạnh, lấy nhỏ chống lớn, bằng đường lối chiến tranh nhân dân.

Điều mà tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đó là ta cần tăng cường nội lực quốc phòng, vững mạnh lên. Kinh nghiệm cho thấy, quốc gia nào muốn giữ được bình yên đều phải có nội lực quốc phòng tốt.

Còn việc Việt Nam mua tàu ngầm của Nga là do hai bên từ lâu đã có mối quan hệ quân sự quốc phòng truyền thống. Chúng ta quen thuộc với các phương tiện vũ khí, trang thiết bị của Nga. Gắn với những trang bị kỹ thuật đó là con người. Quân đội ta trong mấy chục năm vừa qua đã được đào tạo rất cơ bản ở Liên Xô, kể cả không quân, hải quân, bộ binh, xe tăng... Do đó, việc mua tàu ngầm của Nga là phù hợp với Việt Nam.

Tổng thống Nga khi sang thăm Việt Nam từng khẳng định “đối tác không khi nào phản bội”. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi Bác Hồ sang tìm đường cứu nước tới tân ngày nay, chưa có một giai đoạn nào người Nga phản bội chúng ta.

Tôi tin rằng Nhà nước ta đang đầu tư phát triển kinh tế biển, tiến ra biển bằng con đường ngoại giao và thương mại.

  • Hoàng Hường (ghi).