-Những nhà làm luật phải nhìn xa trông rộng, đừng để có luật mà phải nói: Chưa có tiền lệ, thì luật xem như không thật sự có ích trong đời sống.

Những ngày cuối năm 2013, câu chuyện người phụ nữ trí thức tên Hoàng Thị Kim Dung sinh đôi bé trai từ tinh trùng của người chồng đã mất trước đó 4 năm lan truyền trên truyền thông đã gây xúc động trái tim hàng triệu người Việt…

Sự kiện không chỉ là đánh dấu thành công như kỳ tích trong nền y học Việt Nam về sản khoa, mà còn là một câu chuyện hoàn mỹ thời hiện đại về tình yêu đầy nhân văn, rung động cảm xúc mọi người.

Trong suy nghĩ, người viết tưởng rằng sẽ tiếp diễn rất đẹp để hoàn hảo câu chuyện tuyệt mỹ này thì việc “vấp” rào cản pháp lý khai sinh cho những đứa trẻ, dù sau đó đã giải quyết ổn thỏa  nhưng cho thấy khoảng cách luật pháp với thực tế đôi khi là khoảng trống vô cảm và luôn… “sau rốt”.

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…

Đó là câu mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945, khẳng định “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của mỗi người khi sinh ra.

{keywords}
Hai bé song sinh. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Chương II, điều 37, mục 1, Hiến pháp nước CHXHCNVN (sửa đổi năm 2013): “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Căn cứ Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình về Quyền nhận cha, mẹ thì: “Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.

Và trong Công pháp Quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thứ 02 trên thế giới ký kết cũng quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em.

Chiếu theo các điều luật trên, bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra mang quốc tịch Việt Nam đều được hưởng “quyền lợi” của mình, được khai sinh, được bình đẳng trong bất kỳ trường hợp nào.

Đứng về luật, trường hợp 02 trẻ được sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết trước đó 04 năm với đầy đủ chứng cớ xác thực về người cha theo di truyền học, có quyền được khai sinh với đầy đủ tên cha, tên mẹ. Không thể viện cớ vì người cha đã chết trước đó 04 năm mà tước đoạt của trẻ  vị trí người cha trên khai sinh của các bé.

Một việc tưởng chừng chẳng có gì “ầm ĩ” vế vấn đề khai sinh, có thể làm thủ tục một cách bình thường như bao nhiêu trẻ em được sinh ra khác, thì trở thành chuyện “to”. Bởi cái lý là “chưa có tiền lệ”, bởi cha  của hai đứa trẻ đã chết cách đó 04 năm…

Ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực- Bộ Tư pháp) tại cuộc họp báo tổng kết công tác tư pháp quý 04 do Bộ Tư pháp tổ chức: “Pháp luật về hộ tịch chỉ có quy định về đăng ký khai sinh cho các cháu khi bố mẹ có hôn thú và đăng ký khai sinh khi mẹ khai sinh con ngoài giá thú.

Trường hợp người mẹ sinh con từ tinh trùng của người cha đã chết thì khai sinh cho con phải tuân theo pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về trường hợp này trong pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự.

Trước mắt, để có cơ sở thì khi làm khai sinh cho trẻ, đứa trẻ có thể mang họ mẹ, phần tên cha để trống, sau này nếu có cơ sở pháp lý sẽ sửa đổi trên giấy khai sinh đó, có thể sửa tên cha”.

Và chính vì điều này mà một việc khai sinh cho 02 đứa trẻ từ “bé” xé ra “to”. Người mẹ, đại diện cho 02 đứa con của mình không thể chấp nhận chuyện bỏ trống chỗ điền tên cha trong khai sinh, vì rõ ràng chúng được sinh ra từ “tinh khí” của người cha ruột, đã được xác thực bằng khoa học y học.

Luật sự Nguyễn Ánh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào cấm người vợ sinh con từ phương pháp lấy tinh trùng của người chồng quá cố. Như vậy ở đây được hiểu, công dân có thể được thực hiện các hành vi mà pháp luật không cấm. Vấn đề này cũng không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam”.

Tiến sĩ Luật Phan Thị Hương Thủy(Văn phòng Công ty Luật TNHH Hoàng Long, Đoàn Luật sư Hà Nội), cũng có ý kiến: “Chiếu theo các điều khoản về Luật dân sự liên quan đến vấn đề khai sinh, hộ tịch, các điều quy định về Quyền trẻ em trong Luật, Hiến pháp, Công ước quốc tế…, thì trong trường hợp này nếu không cho khai sinh đề tên cha là sai.

Không thể lấy lý do người cha đã chết để bác bỏ quyền ghi tên cha. Và nếu đưa trường hợp này vào khoản “con ngoài giá thú” để làm giấy khai sinh là một hình thức vi phạm luật- làm mất danh dự, phẩm hạnh  đối với người mẹ (chưa kể đứng về tình thì thật bất nhẫn).

Rõ ràng, Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam (dù có bổ sung, sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2000, thì đến nay cũng là lạc hậu ở một số điều khoản.

Khoa học kỹ thuật trong y học mỗi ngày một tiến bộ, và còn những gì con người có thể thực hiện được nữa, nhưng những nhà làm luật phải nhìn xa trông rộng, đừng để có luật mà phải nói: Chưa có tiền lệ, thì luật xem như không thật sự có ích trong đời sống.

Luật không thể chạy theo sau hành vi

Đúng là trên nguyên tắc, luật được xây dựng trên cơ sở thực tế xảy ra, nhưng luật còn là văn bản quy phạm để đưa mọi việc vào một khuôn khổ trật tự từ hiện tại đến tương lai, nếu như không có cái nhìn vào tương lai, và tiên liệu những vấn đề xảy ra, thì luật vừa ban ra đã có thể trở thành lạc hậu không khả thi.

Đối với trường hợp này, nếu như tiếp tục xảy ra những trường hợp tương tự, thì khai sinh cho đứa bé lại phải đưa lên Bộ Tư pháp giải quyết? Và rồi nếu như có những trường hợp sinh con theo những trường hợp đặc biệt khác, ví dụ như việc một “người nổi tiếng” muốn có nhiều “giống di truyền” của mình, hay có nhiều người muốn có được “giống di truyền” của “người nổi tiếng”, thì họ có quyền đề tên cha trong khai sinh của con, như một chứng thực “hàng thật”? Mà chuyện này thì ở nước ngoài đã có rồi.

Hay như trường hợp một người nổi tiếng tài năng, không muốn lấy vợ, nhưng muốn giữ “giống” nên đưa vào ngân hàng tinh trùng lưu giữ, để rồi sau này sẽ “nhân giống”… . Người đó chết đi, và “giống” đó lưu trữ có thể 10 năm, 20 năm hay lâu hơn, vì khoa học tiến bộ… Sẽ thế nào khi khai sinh cho con?

Thiết nghĩ, những nhà làm luật nên có tư duy “viễn tưởng”, và không thể chỉ nhìn cái đã xảy ra để làm luật, mà phải biết nhìn cái có thể xảy ra trong tương lai xa, để luật khi ban ra có sức sống lâu.

Minh Châu