-Thách thức lớn nhất của năm 2014 không chỉ nằm ở chỗ giải quyết bài toán trước mắt mà là làm cách nào để tạo dựng nền tảng phát triển cho những năm kế tiếp.

>>Làm sao nói cải tổ mà không dám hy sinh

>>Việt Nam giải 'bài toán' rủi ro trước nước lớn

>> Thông điệp của Thủ tướng và bước ngoặt 2014

Bài học chính rút ra từ những tồn đọng của năm cũ là phải tăng cường giám sát, mở rộng dân chủ, xây dựng các cơ chế để tiên liệu và phòng ngừa rủi ro.

Khép lại loạt bài “Xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển” Tuần Việt Nam “đặt hàng” hai lĩnh vực nổi cộm của năm cũ, mong rằng đây sẽ là những vấn đề  được ưu tiên giải quyết trong năm nay.

Nông nghiệp: Năng lực dự báo và nguyên tắc thị trường

Chính sách nông nghiệp và chiến lược phát triển hàng xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam vẫn chỉ dừng ở thế “phụ thuộc”, hoặc “lèo lái” theo khó khăn thị trường chứ chưa ở thế chủ động. Chính vì vậy, nông nghiệp Việt Nam phải đối diện với nhiều nguy cơ: sự mất ổn định trong chuỗi cung ứng; giá nông sản rẻ; và tác hại của biến đổi khí hậu.

{keywords}
Ảnh minh họa

Xét trên tổng thể, sản lượng nông nghiệp Việt Nam mọi năm đều cao. Các mặt hàng gạo, cà phê… đều nằm trong Top đầu thế giới về xuất khẩu. Nhưng nếu xét từng giai đoạn, việc cung ứng nông sản không đều, thậm chí bất ổn. Nguyên nhân là do mạng lưới thương lái tại Việt Nam quá dày đặc, nhiều cấp. Hệ thống “chân rết” của VFA chưa đủ để đến tận ruộng hay tận vườn để thu mua trực tiếp từ nông dân. Thế nên, nông sản thì nhiều, nhưng lượng sản phẩm nhỏ lẻ, chất lượng pha trộn đủ kiểu khiến việc tập trung xuất khẩu khó khăn.

Ngay cả khi Ấn Độ, Thái Lan xả kho gạo, thì giá “hàng tồn” ấy cũng cao hơn nhiều so với gạo Việt Nam đồng cấp. Hệ lụy của một nền cung ứng thiếu ổn định, khó xây dựng thương hiệu; cộng với sự yếu kém của bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu kém bản lĩnh, kinh nghiệm đàm phán do quen kinh doanh theo kiểu “chỉ định từ VFA” đã khiến giá gạo rơi vào tư thế “chịu trận”.

Đó là hai “căn bệnh” mà nông nghiệp Việt vẫn đang vật lộn để chữa trị. Chưa kể đến căn bệnh “không mới”, nhưng được dự báo từ rất sớm, cũng đang mon men gặm nhấm nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2013, báo cáo số liệu từ Tổng cục Thống kê đánh giá tình hình nông nghiệp khó khăn do nắng hạn, nhiễm mặn.

Thực tế đây là những dấu hiệu khởi đầu cho những kịch bản biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong tương lai không xa, mà Việt Nam là một trong những nước chịu thiệt hại nhiều nhất. Ước tính kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất nếu diễn ra, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa quốc gia và là “chén cơm” nhiều nước trên thế giới, sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, với thực trạng quản lí môi trường lẫn chính sách cải cách nông nghiệp hiện nay, dường như chưa có một kịch bản đối phó nào.

Ba nguy cơ về cung ứng, giá cả, và môi trường cho ngành nông nghiệp đòi hỏi sự đột phá trong cơ chế quản lí của một nhà nước kiến tạo phát triển. Ví dụ, đối với hệ thống cung ứng, Việt Nam cần phải có những kịch bản đối phó đối với thị trường xuất khẩu. Kịch bản này được xây dựng dựa trên năng lực cung ứng ngành nông nghiệp nội địa, năng lực các quốc gia đối thủ, nhu cầu thị trường trên cơ sở dự báo ngắn và dài hạn. Không để chuyện gạo dư không ai mua, hoặc bán tràn lan khiến khi cần thì không có bán.

Đối với giá gạo, dựa trên hệ thống cung ứng ổn định để xây dựng chất lượng, thương hiệu. Chính sách “nới lỏng” để doanh nghiệp “tập bơi”, va chạm, sàng lọc ra những doanh nghiệp có khả năng trên thị trường quốc tế.

Nguồn cung chất lượng, người bán bản lĩnh thì khi đó ắt giá gạo sẽ lên, chứ không phải chống chịu giá thấp như hiện tại.

Đừng để mỗi tỉnh là một pháo đài

Tình hình quy hoạch cụm công nghiệp trong những năm gần đây vẫn còn là bài toán nan giải.

Không thể phủ nhận được vai trò và đóng góp của cụm công nghiệp với nền kinh tế. Tuy nhiên, quy hoạch cụm công nghiệp hiện nay dường như vẫn theo kiểu “muốn thì làm, sai thì sửa”, mà chưa tính toán dựa trên cái nhìn tổng thể.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2012, cả nước có đến 878 cụm công nghiệp được thành lập theo quy hoạch. Như vậy trung bình, mỗi tỉnh có đến hơn 10 cụm công nghiệp. Nói như nhiều người từng châm biếm, “mỗi tỉnh thành là một pháo đài cụm công nghiệp. Thay vì liên kết với nhau để hạn chế chồng chéo, ai cũng muốn có cụm công nghiệp của riêng mình”. Tuy nhiên, với năng lực hữu hạn và khó khăn của nền kinh tế, việc mở rộng “quá cỡ” đã dẫn đến hệ lụy mất kiểm soát.

Hai hệ lụy lớn mà việc quy hoạch cụm công nghiệp vô tổ chức, tùy tiện chính là ô nhiễm môi trường và thiếu khả năng thu hút đầu tư. Đơn cử tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện nay có đến 120 khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Theo số liệu về quản lý môi trường được các tỉnh, thành ĐBSCL báo lại, hiện nay có khoảng đến ¾ lượng khu công nghiệp, và khoảng 85% lượng cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chính vì thiếu quy hoạch tổng thể, hàng năm áp lực ô nhiễm lên các đô thị là rất lớn.

Bên cạnh đó, lượng cụm công nghiệp quá nhiều gây khó khăn cho việc tập trung thu hút đầu tư. Bởi lẽ, càng nhiều cụm công nghiệp mọc lên, nguồn vốn càng bị phân tán mạnh mẽ. Thực tế mức lấp đầy trung bình cả nước của các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chỉ chiếm dưới 60%. Thậm chí vùng ĐBSCL, tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp chỉ khoảng 37%, một con số quá khiêm tốn so với kì vọng của chính quyền các địa phương. Việc không thể lấp đầy các cụm công nghiệp, khu công nghiệp còn gây ra áp lực về đất đai, nguồn lao động không có việc làm, lãng phí tài nguyên...

Như vậy, để tiến hành quy hoạch cụm công nghiệp, buộc Chính phủ phải có tầm nhìn tổng thể trên nguyên tắc phân quyền, kết hợp liên kết sức mạnh giữa các vùng để hạn chế “tỉnh nào cũng xây cụm công nghiệp na ná nhau”. Khi quy hoạch chuẩn về lượng, cần tập trung “thực thi một cách chi tiết” để đảm bảo các rủi ro về môi trường sẽ bị triệt tiêu, thay vào đó là lợi ích kinh tế.

Thắng Nguyễn - Hoàng Phú