Nhìn lại kinh tế năm 2013, trong khi ghi nhận những tiến bộ đã đạt được, chúng ta không thể không lo lắng về những gánh nặng đang chờ đợi giải quyết năm 2014.
Theo những số liệu chính thức đã được công bố, tăng trưởng GDP năm 2013 ước tính là 5,42%, tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,50%, song cũng đã cao hơn năm 2012 (5,25%). Như vậy có thể xem kinh tế Việt Nam đã vượt đáy, bắt đầu quá trình hồi phục chậm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với trước đây (7-8%) và cũng thấp hơn mức tăng trưởng của Lào (7,9% năm 2012) và Campuchia (7,2% năm 2012). Đồng thời, khoảng cách giữa nước ta và các nước ASEAN khác như Indonesia và Malaysia ngày càng loãng ra chứ không xích gần lại.
Như Thủ tướng công bố hôm 5/12 trước các nhà tài trợ nước ngoài GDP của Việt Nam theo giá hiện hành đã đạt mức 176 tỉ USD, GDP đầu người đạt 1.960 USD (trong khi đó theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ hệ Thống tài khoản quốc gia, Tổng cục thông kê, ước tính DGP bình quân đầu người năm 2013 là 1.890 USD).
Ổn định kinh tế vĩ mô đã có bước cải thiện nhất định với mức lạm phát cả năm là 6,04%, tỷ giá so với đô la Mỹ ổn định hơn, chỉ tăng hơn 1% năm, thấp hơn nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng, dự dữ ngoại tệ mức ba tháng nhập khẩu, dù vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, nhưng là mức cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể.
Xuất khẩu đạt mức 132, 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,4%, gấp ba lần mức tăng xuất khẩu cao trong các nước ASEAN và đóng góp đáng kể vào quá trình hồi phục kinh tế. Nhập khẩu ước đạt 131,3 tỉ đô la Mỹ.
Ảnh minh họa |
Nghịch lý
Mặc dù nền kinh tế đã có những tiến bộ, song cũng đang bộc lộ khá nhiều nghịch lý.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao hơn có phần đóng góp quan trọng của xuất khẩu và đầu tư nước ngoài lại chuyển lãi thu được ở Việt Nam về nước họ, vì vậy tổng thu nhập quốc gia (GNI), tức thu nhập ròng còn lại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với GDP được công bố.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2012 số vốn chuyển theo sở hữu nước ngoài là 7,5 tỉ đô la Mỹ, tức 196 đô la/người. Mức chuyển vốn này trong năm 2013 còn cao hơn , lên đến 171.930 tỉ đồng( theo tổng cục Thống kê), tức hơn 8 tỉ đô la Mỹ.
Năm 2013 nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012 khoảng gần 0,2% trong tổng đầu tư xã hội đạt 30,4% GDP, thấp hơn mức 33,5% của năm 2012. Trong đó đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm mạnh từ 15% GDP trong giai đoạn 2007 -2010 xuống còn 11,5% năm 2013. Theo điều tra của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2007 co 74,3% doanh nghiệp được hỏi có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ này năm 2012 chỉ còn 20,3%.
Tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc đến 56% vào vốn (trong khi đóng góp của yếu tố TFP chỉ còn khoảng 25%, phần còn lại là đóng góp của lao động), nên việc giảm đầu tư sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng. Như vậy dường như kinh tế Việt Nam đã có thể tăng trưởng cao hơn với mức đầu tư ít hơn và chỉ có thể giải thích sự dị thường này là hiệu quả đầu tư xã hội đã được cải thiện, có lẽ do xắp xếp lại đầu tư công. Song, điều này còn phải được chứng minh bằng những nghiên cứu độc lập.
Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt từ mức tăng trung bình 3,3% của giai đoạn 2006- 2010 xuống chỉ con 2,67% năm 2013. Đây là điều đáng lo ngại vì nông nghiệp vốn là trụ đỡ bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Số hộ nông dân bỏ ruộng lan ra 22/63 tỉnh, thành phố, số mắc nợ, phá sản tăng lên.
Điều đáng lo ngại các dấu hiệu hồi phục kinh tế lại xuất hiện đồng thời với các triệu chứng "trầm cảm" của nền kinh tế, bất chấp các nỗ lực đầu tư của Nhà nước. Mặc dù lãi xuất tín dụng đã giảm mạnh từ 21% (năm 2011) xuống 9-11% năm 2013, song tổng mức tín dụng năm 2013 chỉ tăng 9%, tức chỉ cao hơn mức 7,5% của năm ngoái một ít, chửng tỏ "cục máu đông " nợ xấu vẫn ngăn cản hoạt động bình thường của nền kinh tế. Vòng quay của đồng vốn chỉ còn khoảng 1 so với mức hơn 2 của những năm trước đây thể hiện sự trì trệ đáng lo ngại của việc lưu chuyển vốn trong nề kinh tế.
Tồn kho bất động sản vẫn còn rất lớn, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng lên (1,36 triệu tỉ đồng), đầu tư công còn rất dàn trải. Nếu không đạt được tiến độ trên các lĩnh vực này thì các triệu chứng "trầm cảm"của nền kinh tế sẽ không tự động biến mất và khó có thể tăng trưởng bền vững.
Chi tiêu hộ gia đình Việt Nam chỉ tăng 5,1% trong thời kỳ 2009 - 2012 so với mức 8,9% của giai đoạn 2004-2008. Sức mua của người dân đã xuống rất thấp, thể hiện sự ế ẩm của nhiều lọa hàng hóa và tồn kho hàng công nghiệp vẩn cao hơn năm 2012 khoảng hơn 10%. Như vậy, tăng trưởng GDP chưa thực sự cải thiện đới sống của đông đảo dân cư.
Tiêu dùng cũng không tăng lên mặc dù nhiều chiêu khuyến mãi đã được đưa ra và chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, đặc biệt chỉ số giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm không tăng mặc dù bão lũ đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung. Thị trường vào dịp Giáng sinh, Tết dương lịch cũng trầm lắng khác thường cho thấy sức mua của nhân dân đã giảm sút nghiêm trọng. Niềm tin của người dân vào triển vọng ổn định và tăng trưởng mạnh của nền kinh tế vẫn chưa được khôi phục.
Số doanh nghiệp tư nhân tuyên bố phá sản hoặc ngừng hoạt động vẩn tiếp tục tăng 11,9% so với năm 2012, 65% doanh nghiêp báo không có lãi, trong đó không ít doanh nghiệp hạng trung đang gắng gượng trụ lại trong những năm vừa qua. Khu vực kinh tế dân doanh năng động, tạo ra nhiều việc làm nhất đã bị tổn thất nặng nề và chưa biết bao giờ mới phục hồi được. Cũng vì vậy, số lao động mất việc làm từ các ngành xây dựng, ngân hàng tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm.
Trong khi tăng trưởng GDP có dấu hiệu phục hồi thì ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra (chỉ đạt 96,9% dự toán năm), trong đó đáng chú ý thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 91% dự toán năm, nhiều tổng ty, tập đoàn báo lỗ.
Trong khi xuất khẩu tăng cao thì thu thuế từ xuất khẩu rất khiêm tốn chỉ bằng 84,6% dự toán. Lý do là 65% giá trị xuất khẩu do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp nhưng các doanh nghiệp đó được hưởng nhiều ưu đãi, được miễn, giảm nhiếu sắc thuế. Chính phủ đã phải đề nghị Quốc hội cho phép nâng chỉ tiêu bội chi ngân sách năm 2013 từ 4,8% lên 5,3%, tức là thêm 0,5 điểm phần trăm nữa và nợ công tiếp tục tăng nhanh.
Một nghịch lý nổi cộm là sự kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu trừ đi sự đóng góp của lĩnh vực y tế, giáo dục, hành chính, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2011 chỉ còn 32,1% nhưng sử dụng đến 60% tổng tín dụng của nền kinh tế và tổng số nợ không ngừng tăng lên.
Những nghịch lý đó cho thấy tuy có dấu hiệu hồi phục nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với những yếu kém nan giải, đòi hỏi phải có nổ lực lớn, kiên trì để khắc phục.
Tái cấu trúc và cải cách: một năm bị bỏ lỡ
Mặc dù đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhưng thực tế cho thấy năm 2013 đã không tạo được chuyển biến đáng kể nào về tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chính phủ đã làm việc với cường độ rất cao, tổ chức rất nhiều cuộc họp, ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị nhưng kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Các nút thắt cổ chai nền kinh tế về cấu trúc hạ tầng, lao động có trình độ cao và thể chế kinh tế không có cải thiện rõ rệt. Đánh giá về môi trường kinh doanh của ngân hàng thế giới vẫn ở mức thấp, xếp hạng 99/187 nền kinh tế.
Các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế chưa có tính hệ thống, cơ bản và chưa xác định tường minh mục tiêu cần đạt được sau một khoảng thời gian nhất định.Cách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo phương pháp mỗi tập đoàn, tổng công ty đang nợ đầm đìa đang đề ra phương án tái cấu trúc, tự mình nắm tóc mình đứng lên, tự khắc phục các yếu kém của mình là rất xa lạ đối với thế giới.
Vụ án Dương Chí Dũng ở Vinalines cũng cho thấy những yếu kém đáng lo ngại trong quyết định và thực hiện đầu tư. Câu hỏi đề ra là có bao nhiêu "ụ nổi" khác, ngốn tiền tỷ chưa được phát hiện. Núi nợ của doanh nghiệp nhà nước sẽ được giải quyết thế nào? Tính công khai, minh bạch sẽ được cải thiện ra sao? Chừng nào nhưng vấn đề đó chưa được đặt ra và chưa có giải pháp thì cái đích đạt được chưa rõ và chưa thuyết phục.
Đề án tái cấu trúc ngân hàng cũng chưa bao quát được đầy đủ các vấn đề phải giải quyết. Sáp nhập hai ngân hàng yếu kém có tạo ra ngân hàng mạnh không? Cuối năm, vụ bảy ngân hàng chấp nhận một kho cà phê rởm của Công ty Trường Ngân để cho vay lại dấy lên sự lo ngại thật sự về chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại và sự giám sát của cơ quan nhà nước. Chuyện giải quyết số nợ xấu được mua từ cái ngân hàng thương mại của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thế nào? Vai trò của nhà đàu tư tài chính nước ngoài trong vấn đề này ra sao? Nếu không có tiền tươi, thóc thật, với 500 tỉ đồng vốn điều lệ của VAMC, các đòn bẩy tài chính sẽ có hiệu lực đến đâu?
Một mặt nước ta nỗ lực vận động được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường trước năm 2018, song những can thiệp vào cơ chế thị trường cứ tăng lên chứ không giảm. Hệ thống giá bị bóp méo nghiêm trọng, giá điện, than tiếp tục thiếu minh bạch và được coi là dưới giá thành trong khi không có nỗ lực nào để kiểm soát doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Thị trường vàng miếng hiện nay do ngân hàng nhà nước độc quyền. Tỷ giá bị neo để ổn định kinh tế trong khi lạm phát trong nước cao hơn làm cho đồng tiền Việt Nam trong thực tế cao giá hơn so với đồng tiền đô la Mỹ khoảng 30%, ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.
Trong khi hội nhập kinh tế tiến nhanh thì những số liệu về nợ xấu, tiêu chuẩn đánh giá ngân hàng thương mại, đánh giá doanh nghiệp nhà nước và hàng loạt số liệu thống kê khác của nước ta như tỷ lệ thất nghiệp chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Bộ máy nhà nước tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trên hàng loạt lĩnh vực như chất lượng văn bản ban hành, chất lượng các công trình đầu tư nhà nước, giám sát ô nhiễm môi trường, đấu tranh chống tham nhũng... và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dũng cảm nói lên sự thật song vẫn chưa thấy có giải pháp cho đầu tư công.
Lê Đăng Doanh/Theo Thời báo Kinh tế SG