Những lớp học ở Campuchia khi đó hẳn là những lớp học tiếng Việt,  học ngoại ngữ thuộc loại "khổng lồ" nhất nhì trên thế giới.

>> Cuộc giải cứu Chủ tịch Quốc hội Campuchia

>> Người Campuchia gọi bộ đội tình nguyện là gì?

Những năm 1980, tôi sang Phnom Penh, Campuchia dạy tiếng Việt. Đối với tôi và nhiều anh chị em Khoa tiếng Việt, Đại học Tổng hợp HN (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐHKHXH&NV), đó là một thời kì đáng nhớ, đầy ắp những kỉ niệm của xứ sở nhiệt đới, rực rỡ đủ sắc màu và mùi quả chín...

Có những cụm từ mà phải sống ở đó, nghe nhắc đi nhắc lại nhiều, mới hiểu hết những ai oán hờn căm chất chứa bên trong. "Bây ch'năm p'răm bây khe m'phây th'ngay" (3 năm 8 tháng 20 ngày, là thời gian từ khi Pol Pot vào Phnom Penh 17/4/1975 đến khi giải phóng ngày 7/1/1979); "Kuk ot chuỳnh cheng" (Nhà tù không tường, ý chỉ tất cả đất nước Campuchia trong suốt thời gian đó).

{keywords}

Đoàn giáo viên của Khoa Tiếng Việt, ĐHTH Hà Nội đang giảng dạy Tiếng Việt tại Campuchia năm 1984.

Không khí "chiến tranh"

Ngày ấy, Campuchia vừa thoát khỏi ách diệt chủng của Pol Pot được vài năm, an ninh ở Phnom Penh chưa tốt lắm. Việc sang Campuchia đồng nghĩa với đi làm nghĩa vụ quốc tế, hay còn gọi là đi chiến trường K.

Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp ở văn phòng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT), Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy nói với chúng tôi: "Nghĩa vụ của các đồng chí là đi một năm. Nếu đồng chí nào dám đi ba năm, khi trở về Bộ sẽ cấp cho một căn hộ, tăng vượt một bậc lương". Và tôi là người duy nhất trong số đó đã đi tới 7 năm.

Trưa 21/6/1982, máy bay đáp xuống sân bay Pochentong. Quang cảnh gần giống một sân bay quân sự, với rất nhiều người mặc quân phục cả Việt Nam lẫn Campuchia và xa xa có một số máy bay trực thăng. Khi ấy tôi mới 22 tuổi.

Điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi khi đặt chân lên mảnh đất Campuchia là cô gái trả hành lý cho khách ở cửa ra vào: tay phải cô cầm một khẩu súng ngắn. Tôi hơi căng thẳng và hơi hoang mang: "Chà, không khí chiến tranh đến mức này cơ à? Chả trách thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy bảo: ai dám đi 3 năm...".

Về sau, khi đã quen thân, cô gái ấy cười mãi khi tôi hỏi lại chuyện này và giải thích: "Đâu có chuyện bọn em cầm súng để soát cuống vé hành lý, mà là có người nhờ em cầm hộ khẩu súng của một hành khách quân sự gửi".

{keywords}

Cuốn sách song ngữ sơ khai dùng để dạy hàng nghìn người Campuchia học và tự học tiếng Việt.

Những lớp học tiếng Việt khổng lồ

Khi dạy tiếng Việt ở Trường Đại học Y Dược Nha Phnom penh, nhiệm vụ của tôi và một thầy giáo nữa là dạy hai lớp lưu học sinh. Nhưng Ban Giám hiệu trường còn nhờ chúng tôi dạy cho tất cả khoảng hơn 1.500 sinh viên trường. Thế là chúng tôi phải gộp 2 lớp lưu học sinh làm một và kiêm thêm khoảng 6 lớp nữa.

Những lớp "thêm" này có lớp đến 400 sinh viên, ngồi trong một giảng đường rộng mênh mông. Nhưng dạy thế nào? Lấy sách đâu cho đủ hơn 1.500 sinh viên hàng năm?

Chúng tôi bèn soạn những bài đơn giản hơn so với chương trình chính khóa, cùng với một giáo viên người Campuchia biết tiếng Việt của trường, dịch sang tiếng Khmer các từ mới và lời giải thích dễ hiểu.

Không có máy chữ tiếng Việt, nên cả cuốn sách phải nhờ người đánh bằng máy chữ tiếng Pháp, sau đó viết đè dấu tiếng Việt vào. Tôi đã đọc và nhờ đọc sẵn phần luyện phát âm và các bài học cùng những lời chỉ dẫn bằng tiếng Khmer.

Có hôm, tôi mở máy cho sinh viên đọc theo, còn mình ra sân thử nghe những âm thanh ấy. Nghe hơn 400 người đồng thanh đọc: "Ở giữa Hà Nội có một cái hồ xinh đẹp, gọi là Hồ Gươm", lòng tôi rưng rưng trào lên một tình cảm rất khác biệt khi còn ở Việt Nam.

Tôi dám chắc, đó là những lớp học tiếng Việt, những lớp học ngoại ngữ thuộc loại "khổng lồ" nhất trên thế giới.

Đến năm 1988 - 89, chỉ còn mình tôi dạy ở Trường Đại học Y -Dược-Nha Phnom penh. Thời gian này tôi đã viết xong bộ "Tiếng Việt cho người Campuchia" 3 tập, có song ngữ cẩn thận.

{keywords}

Cuốn sách tự học tiếng Khmer do cơ quan chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia xuất bản năm 1984

Tôi học tiếng Khmer

Hồi ấy, sau khi dạy xong lớp tiếng Việt đầu tiên, có một khoảng thời gian được nghỉ dạy, tôi quyết định học nói tiếng Khmer.

Tôi lấy luôn cuốn giáo trình tiếng Việt, nhờ một số bạn phiên dịch đọc phần từ mới bằng tiếng Khmer để tôi phiên âm. Sau đó tôi dịch sang tiếng Khmer toàn bộ các bài để học. Buổi sáng, khi đi chợ, tôi tập nói chuyện với các bà các chị bán hàng người Campuchia, người Hoa, người Việt.

Một hôm vào tháng 10/1983, khi đã ở Campuchia được 15 tháng, tôi được nhờ làm phiên dịch cho một cuộc hội đàm mà phía Campuchia có 4 thứ trưởng của 4 bộ, phía Việt Nam cũng tương tự. Cuộc hội đàm thảo luận về việc Việt Nam giúp Campuchia chuẩn bị thành lập Trường Đại học Kinh tế Phnom penh.

Đó là một kỷ niệm khó quên, tôi làm phiên dịch khi đang còn "mù chữ". Bị một cô giáo trẻ "chọc quê" là "biết nói mà không biết chữ là không có chiều sâu", tôi quyết tâm tự học chữ.

Cũng sau lần ấy, tôi được biệt phái sang Bộ Y tế dạy ở Trường đại học Y Dược Nha Phnom penh. Tối nào tôi cũng xem vô tuyến khoảng một tiếng và cầm sẵn bút, vở để nếu nghe thấy từ nào mình chưa biết thì ghi ngay lại bằng phiên âm tiếng Việt rồi hỏi phiên dịch.

Nhưng làm thế nào để học chữ? Chữ Khmer khó học mà tài liệu lại không có.

Với bộ sách học chữ và tập đọc của học sinh tiểu học Campuchia, tôi bắt đầu học chữ với sự giúp đỡ của bất cứ người Campuchia nào. Trong cặp của tôi lúc nào cũng có hai quyển tập đọc lớp một, lớp hai.

Sau hai tuần liên tục, miệt mài với những dòng chữ trông như "giá đỗ" đầy khó khăn, tôi đã đọc được một câu chuyện trong cuốn tập đọc lớp một. Lúc ấy, tôi vùng dậy, thấy trong lòng mình một niềm vui khôn tả và reo lên một mình: "A! Ta đã đọc được rồi!", cứ như thể Archimedes phát hiện ra định luật vật lý.

Tôi thấy trước mắt một thế giới mới đang mở ra. Một nền văn minh rực rỡ của Đền Angkor trong những dòng chữ đầy ý nghĩa kia như đang dần hiện lên trước mắt.

Tôi đọc liên tục và trong khoảng tháng rưỡi đã đọc xong cả mấy cuốn tập đọc lớp hai, lớp ba. Về sau, tôi đọc báo, tiểu thuyết của Campuchia. Rồi tôi dịch một truyện cổ tích Campuchia và được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Đầu năm 1990, Trường Đại học Tổng hợp Phnom penh tổ chức thi tốt nghiệp tiếng Khmer cho sinh viên nước ngoài. Tôi dự thi và có được giấy chứng nhận loại khá chương trình Đại học tiếng Khmer làm kỉ niệm cho thuở đôi mươi.

{keywords}
Thủ tướng Hun sen nói chuyện bằng tiếng Việt trước các cựu quân tình nguyện và cựu chuyên gia VN tại Campuchia trong chuyến thăm VN. Ảnh: Minh Thăng

"Tình cũ" trở lại

Năm 1990, tôi về nước, những tưởng sẽ không bao giờ được dùng  vốn tiếng Khmer "khổ công" ấy nữa.

Nhưng vào năm 1993, chính phủ Nhật gửi cảnh sát sang Campuchia tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình để giúp nước này tổ chức tổng tuyển cử. Khi ấy tôi đang ở Nhật và được nhờ dạy tiếng Khmer. Tôi đã dạy cho một lớp khoảng 15 học viên, và có bao kỉ niệm khó quên.

Năm 2007-2008, bất ngờ, tôi được Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN giao phụ trách về mặt chuyên môn của chương trình tiếng Khmer cho học viên của Ban Biên giới, Bộ ngoại giao phục vụ công tác cắm mốc biên giới. Thế là, cứ như "tình cũ không rủ cũng đến" vậy.

Rồi thật tình cờ, sau bao lâu, tôi lại có dịp trực tiếp nghe một người Campuchia nói chuyện bằng tiếng Việt. Đó là hôm 27/12/2013 vừa qua, tôi dự buổi giao lưu của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen với cựu quân tình nguyện và cựu chuyên gia VN tại Campuchia, nhân chuyến thăm chính thức của ông tại VN.

Ông bắt đầu buổi giao lưu bằng mấy câu tiếng Khmer, sau đó chuyển sang nói tiếng Việt hoàn toàn: "Hôm nay tôi chỉ có gần 2 tiếng đồng hồ để nói chuyện với các đồng chí, trong khi tôi cần 300 tiếng đồng hồ để nói về công ơn của Việt Nam".

"Việt Nam đã phải hy sinh tài sản, con người, hy sinh chính trị vì Campuchia. Phải mất 30 năm, khi Polpot bị quốc tế đưa ra xử thì VN mới chứng minh được là VN đã đúng".

Bài nói vo bằng tiếng Việt của ông đã bị ngắt quãng bởi rất nhiều tràng vỗ tay của cử tọa...

Nguyễn Thiện Nam

(Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)