Nhìn lại và trân trọng lịch sử cũng là cách để người Việt biết chúng ta đã và đang mất những gì để từng ngày nuôi dưỡng ý chí khôi phục.

>> Vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974?

>> Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa

Mặc dù bất ngờ và khó tiên đoán, những sự kiện này chắc chắn không phải là những hành xử tùy hứng của Trung Quốc, cường quốc thứ hai của thế giới. Chỉ cần nhìn lại một chút lịch sử, ai cũng có thể thấy rằng các sự kiện đó chỉ tiếp nối một loạt các hành vi được tính toán kỹ lưỡng, thường kèm với sữ dụng vũ lực, được Trung Quốc thực hiện trong nhiều thập kỷ, rất lâu trước sự «trỗi dậy hòa bình» của nước này.

Giống như cố Tổng thống Mỹ Harry Truman đã từng nói "Những điều mà chúng ta cho là mới mẻ, thật ra chỉ là vì chúng ta chưa biết đủ về lịch sử". ("The only thing new in the world is the history you do not know.").

Tháng Giêng năm 2014, bốn mươi năm ngày Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, nhắc nhở chúng ta bài học lịch sử buồn cho dân tộc Việt và là một minh chứng lời nói bất hủ này.

Tháng Giêng năm 1974, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đổ quân, bắn phá các hòn đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Nguyệt Thiềm) vốn dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dầu sự phản kháng mãnh liệt từ phía Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc với tiềm lực hải quân và súng đạn cuối cùng cũng đã hoàn toàn chiếm quần đảo chiến lược này và biến nó thành một sự đã rồi cho đến nay.

Chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

{keywords}

Toàn cảnh cơ sở hành chính trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: tư liệu

Theo giáo sư người Pháp Monique Chemillier Gendreau - trong cuốn sách nổi tiếng "Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" cho đến khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp vào năm 1884 , Việt Nam có chủ quyền liên tục không gián đoạn trong gần 2 thế kỷ đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thiết lập chủ quyền của Việt Nam phù hợp đối với luật pháp quốc tế và không có sự cạnh tranh hay phản kháng từ bất kỳ nước nào khác.

Trong giai đoạn đầu của thời kỳ Pháp thuộc, cho đến cuối những năm 1920, Pháp đã không chính thức khẳng định chủ quyền đối với các đảo và bỏ qua các quyền trước của Việt Nam trên quần đảo này. Tuy nhiên, Pháp không bao giờ công khai thừa nhận bất kỳ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Trong giai đoạn thứ hai của thời kỳ Pháp thuộc, cho đến Thế chiến thứ hai, nước Pháp đã rõ ràng và mạnh mẽ khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trong giai đoạn hậu thuộc địa và những năm chiến tranh Việt Nam, từ năm 1956 đến năm 1975, Việt Nam bị chia cắt hai bên vĩ tuyến 17 bởi Hiệp định Genève năm 1954. Quần đảo Hoàng Sa, nằm về phía Nam vĩ tuyến 17, hiển nhiên dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn khẳng định và thực thi rõ ràng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Chính trong bối cảnh này Trung Quốc đã xâm lăng Hoàng Sa, 40 năm trước, tháng Giêng năm 1974.

Can thiệp quân sự của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1974

Quần đảo Hoàng Sa bao gồm hai nhóm chính: nhóm An Vĩnh (ở phía Đông) và các nhóm Nguyệt Thiềm (ở phía Tây), cách nhau khoảng 70 km.

{keywords}

Tàu chiến của Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa Việt Nam tháng 1/1974. Ảnh: tư liệu

Nên lưu ý rằng đã vào năm 1956, lợi dụng thời gian lực lượng viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã âm thầm đưa quân ra chiếm đóng phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh).

15 tháng 1 năm 1974 , chưa đầy một năm sau khi ký kết Paris hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Bắc Kinh đã đổ quân ở các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Trong vài ngày sau cho đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc tấn công và hoàn toàn xâm chiếm các hòn đảo mặc dầu kháng cự quyết liệt của hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Trước sự xâm lăng trắng trợn đó, đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, trong một công hàm ngoại giao gửi đến tất cả các bên ký kết của hiệp định Paris, chính quyền miền Nam đã yêu cầu một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực này của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 02/71974, đại diện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc, vẫn chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 luôn tuyên bố khẳng định rõ ràng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Luật pháp quốc tế?

Sự can thiệp quân sự của Trung Quốc vào năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã đi ngược lại luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc của không thể thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực. Điều này được trình bày chi tiết và rõ ràng trong sách đã dẫn của giáo sư Monique Chemillier Gendreau, chúng tôi xin phép được trích lại dưới đây:

"Sau cú sốc của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Công ước của Liên đoàn các Quốc gia đã ra tuyên bố cấm chiến tranh xâm lược , và vào ngày 26 tháng 8 năm 1928, Hiệp ước Kellogg - Briand đã cố gắng biến chiến tranh thành phạm pháp với sự cam kết tự nguyện của các quốc gia ký kết . Việc cấm sử dụng vũ lực đã trở thành giá trị và nguyên tắc pháp lý áp dụng đối với tất cả các nước tại điều 2 , đoạn 4 của Hiến Chương Liên hợp quốc.

{keywords}

Mít tinh phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa. Ảnh: tư liệu

Nguyên tắc xây dựng vào năm 1945 đã được phát triển và củng cố trong Nghị quyết 26/25 (1970) . " Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với Hiến chương. Lãnh thổ của một nước không thể được thụ đắc bởi một quốc gia khác từ kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất cứ sự thụ đắc lãnh thổ nào từ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đều được coi là phạm pháp. "

Cùng một văn bản cũng nói : "Mỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm biên giới đang tồn tại với một quốc gia khác hay để giải quyết cách tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ hay liên quan đến biên giới quốc gia.

Như vậy, chính sách ngoại giao pháo hạm không còn bất cứ hiệu lực pháp luật nào . Sử dụng vũ lực không thể là cơ sở của một luật pháp." Hết trích dẫn.

Nhận định này chỉ có thể càng có ý nghĩa nếu được áp dụng cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nước ký kết tất cả những hiến chương và điều lệ trên.

Mặt khác, không phải không tồn tại giải pháp hòa bình nào cho tranh chấp lãnh thổ. Một trong những giải pháp là đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế. Tuy nhiên Bắc Kinh đã hoàn toàn làm ngơ trước mọi đề xuất theo hướng này, ít nhất hai lần đối với Pháp vào năm 1937 và năm 1947. Nếu Trung Quốc không ngừng lặp đi lặp lại sức mạnh của bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tại sao họ lại không đồng ý sự phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, tổ chức quốc tế thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia? Đặc biệt là Trung Quốc có một thẩm phán trong tổ chức này.

Ngoài ra, luật pháp quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải đàm phán, như đã nêu trong Điều 33 của Hiến chương Liên hơp quốc: "Các bên trong một tranh chấp có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế, có trách nhiệm tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp thông qua đàm phán, điều tra, hòa giải, trọng tài, tòa án, hoặc nhờ vào các tổ chức, thỏa thuận khu vực hay bất cứ phương thức hòa bình nào có thể thống nhất được với nhau. Hội đồng Bảo an, nếu thấy cần thiết, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp như vậy."

Điều nghịch lý là, Trung Quốc không những đã không tạo điều kiện thuận lợi, mà còn liên tục ngăn ngừa bất kỳ ý định nào ​​của Hội đồng bảo an theo hướng này. Minh chứng cụ thể là vào năm 1974, hoặc sau đó vào năm 1988 khi Việt Nam cố gắng đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an.

{keywords}

Trung Quốc đang có những động thái nhằm hợp lý hóa cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc sử dụng và đe dọa vũ lực, từ chối đàm phán và giải quyết bởi tòa án quốc tế, rõ ràng không phải là những hành động đáng có của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Những việc này làm mất phẩm giá hình ảnh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, đất nước với khẩu hiệu «trỗi dậy hòa bình» và «giấc mơ Trung Hoa».

Tháng Giêng năm 2014, kỷ niệm bốn mươi năm Trung Quốc xâm lăng quần đảo Hoàng Sa, là lúc nhìn lại lịch sử để hiểu rõ hơn về hành vi hiện tại của Trung Quốc và từ đó để dự đoán tốt hơn trong tương lai.

Mặt khác, nhìn lại và trân trọng lịch sử cũng là cách để người Việt biết chúng ta đã và đang mất những gì để từng ngày nuôi dưỡng ý chí khôi phục.

Lê Trung Tĩnh (theo SGTT)