-Làm được một số việc như vậy không lo chất lượng tuyển sinh CĐ- ĐH thấp mà lại rút được kinh nghiệm khi chính thức thực hiện. Hơn nữa cũng chẳng ai trách Bộ “chậm và lúng túng”.
LTS: Ngày 9/1, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo mới nhất về đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt. Theo đó, hạn chót nhận ý kiến cho phương án thi 2014 sẽ chốt vào ngày 20/1.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Dương Xuân Thành, phân tích một số khía cạnh của dự thảo và kiến nghị giải pháp thực hiện.
Vừa qua nhiều cán bộ trong ngành giáo dục và rất nhiều chuyên gia đã có ý kiến về chuyện thi hành Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết TW8 về cải cách giáo dục. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án thi tốt nghiệp năm 2014 lấy ý kiến đóng góp.
Ai cũng biết Nghị quyết TW8 yêu cầu lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông làm cơ sở để tuyển sinh CĐ-ĐH. Ai cũng biết Bộ dự định kéo dài thi theo “03 chung” đến năm 2017. Vậy tại sao không đưa phương án thí điểm thi tốt nghiệp theo tinh thần nghị quyết TW8 ngay trong năm 2014? Nói cách khác hãy tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp phổ thông như một kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH trong vòng 1- 2 năm, đồng thời vẫn tổ chức thi tuyển sinh 3 chung.
Làm được như vậy không lo chất lượng tuyển sinh CĐ- ĐH thấp mà lại rút được kinh nghiệm khi chính thức thực hiện. Hơn nữa cũng chẳng ai trách Bộ “chậm và lúng túng” (kết luận trong nghị quyết TW8) khi thực hiện nghị quyết của TW.
Xin nêu những tồn tại của các phương án đang đưa ra.
Số lượng môn thi: Phương án 01 thí sinh phải thi 04 môn, Bộ phải chuẩn bị đề thi cho 07 môn (02 môn bắt buộc, 02 môn tự chọn trong 05 môn). Phương án 02 thí sinh phải thi 05 môn, Bộ phải chuẩn bị đề cho 08 môn (03 môn bắt buộc, tự chọn 02 trong 05 môn).
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dù chỉ có 01 thí sinh chọn 01 trong 05 môn tự chọn Bộ vẫn phải làm các thủ tục ra đề như môn có 01 triệu thí sinh dự thi, như vậy có tiết kiệm không, có khoa học không? Đối với thí sinh, thi 4 – 5 môn theo dự kiến hay 06 môn như cũ sẽ không có thay đổi gì nhiều, đối với Bộ phát sinh thêm môn thi chắc chắn sẽ tốn kém hơn ở khâu ra đề, thẩm định, bảo mật… và càng tốn kém khi phải bố trí giám thị, phòng thi tại các địa điểm thi. Liệu Bộ có dám thực hiện ghép nhiều thí sinh thi các môn khác nhau vào cùng một phòng với chỉ 02 giám thị?
Đã phải chuẩn bị ra đề tới 08 môn thi sao không nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập, của nguyên Phó CT nước, nguyên Bộ trường GD&ĐT Nguyễn Thị Bình?
Chính sách miễn thi: “Sở GD&ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GD&ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình” [1]. Nếu điều này thành hiện thực thì có nghĩa là sẽ có địa phương được Bộ “cho” tỷ lệ miễn thi cao hơn địa phương khác. Phải chăng muốn tỷ lệ miễn thi cao một chút thì phải biết cách “kính thưa, kính gửi…”.
Dành cho mình quyền quy định tỷ lệ miễn thi, Bộ cho rằng Bộ có đủ số liệu thống kê? Cứ cho răng Bộ có số liệu thống kê của các địa phương mấy năm qua thì liệu Bộ có dám khẳng định các số liệu đó phản ảnh đúng thực tế?
Nếu sự trung thực là đặc điểm của ngành Giáo dục thì đã chẳng có chuyện nhà vệ sinh rộng chừng 30 mét2 giá thành lên đến 600.000 đồng, cũng chẳng có chuyện: ‘Bộ GD&ĐT cũng đã tiến hành thẩm định khoảng 500 hồ sơ quá trình đào tạo tiến sĩ và 150 luận án tiến sĩ. Kết quả cho thấy, khoảng 50% các cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy trình đào tạo, một số luận án chất lượng thấp.
Về liên kết đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thanh tra 09 trường ĐH và xử lý sai phạm với 04 đơn vị”, tỷ lệ này cũng gần 50% [2].
Một “sáng kiến” khác “Các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 03 năm học THPT. Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp. Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế” [2].
Phải chăng, chuyện mua điểm, chạy điểm chỉ có ở bậc đại học chứ không có ở phổ thông? Hay sẽ không thể xảy ra chuyện nể nang, châm chước cho con em đồng nghiệp trong trường?
Người viết đã từng được nghe giáo viên khoa Công nghệ Sinh học một trường ĐH nói rằng: “Khoa chúng cháu được mệnh danh là nhà trẻ của trường”. Hóa ra rất nhiều con em cán bộ giáo viên trong trường bằng nhiều cách khác nhau đã trở thành… giáo viên khoa này.
Thiết nghĩ cần phải loại bỏ ngay từ trứng nước ý tưởng “Bộ quy định tỷ lệ miễn thi cho các địa phương”.
Tất cả học sinh đều phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp, những người không tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận học hết chương trình phổ thông đề chuyển sang học nghề.
Tổ chức thi như thế nào?
Tổ chức ngay kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 theo tinh thần chỉ đạo của TW là cách tốt nhất hiện nay để chủ trương CCGD không phải chờ mấy năm nữa. Vấn đề tiếp theo là thi mấy môn và thi những môn nào. Người viết cho rằng cần chọn 04 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Các môn còn lại sẽ chọn trong 04 môn là Vật lý, Hóa học, Địa lý và Sinh học, riêng các trường khối nghệ thuật, thể thao sẽ thi thêm các môn năng khiếu.
Một số chuyên gia không muốn Lịch sử là môn thi bắt buộc, họ cần phải hiểu rằng người Việt trẻ ngày nay dốt nhất là Lịch sử. Ngay khi cách mạng chưa thành công cụ Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”.
Gần đây Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã phải nêu ý kiến: “Nên cho hoa hậu học Lịch sử trước khi đi thi quốc tế’. Hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử chẳng lẽ chưa đủ gióng hồi chuông báo động về sự đánh mất bản sắc dân tộc. Hay là chúng ta muốn thay thế người Việt bằng một thế hệ “công dân toàn cầu” kiểu mới, không biên giới?
Trong điều kiện hiện nay, không phải không thể tổ chức một kỳ thi nghiêm túc nếu sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ như camera ghi hình các buổi thi. Vừa rồi, nhiều DN đã lên kế hoạch tài trợ 31.5 tỷ đồng lắp 20.000 camera giám sát cho các trường mẫu giáo và nhà trẻ toàn quốc. Xã hội hóa là việc rất cần làm.
TS Dương Xuân Thành
Tài liệu tham khảo:
[1] http://gdtd.vn/tieu-diem/du-kien-nhung-diem-moi-thi-tot-nghiep-thpt-thoi-gian-toi-
56974-v.html
[2] http://gdtd.vn/giao-duc/kien-quyet-xu-ly-chuong-trinh-dao-tao-kem-chat-luong-56950-