Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên chỉ đóng những chiếc tàu ngầm có trọng tải chưa đến 500 tấn. Dù vậy, một trong số đó được cho là đã gây ra biến cố năm 2010, khi bắn chìm tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc.

Kỳ1:  'Đọ' dàn tàu ngầm của Trung, Nga, Nhật

Australia

{keywords}

Tàu ngầm HMAS Rankin của Australia

Toàn bộ lực lượng tàu ngầm của Australia nằm ở sáu chiếc tàu lớp Collins. Với trọng tải choán nước khi lặn là 3.300 tấn, về lý thuyết, những chiếc tàu này nằm trong số những tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel tiên tiến nhất hiện nay, với bộ cảm biến cao cấp và hiệu quả hoạt động tuyệt vời khi lặn. Hệ thống sáu ống phóng ngư lôi trên mũi tàu không chỉ có khả năng phóng ngư lôi Mk-48 ADCAP của Mỹ, mà còn có khả năng phóng tên lửa chống tàu Sub Harpoon.

Ngay từ khi chiếc tàu đầu tiên được đưa vào sử dụng, nhiều vấn đề đã xảy ra với lớp Collins. Các vấn đề liên quan đến hệ thống phần mềm, luồng thủy động lực, chân vịt gãy, vấn đề về động cơ và hộp số, độ dao động của kính ngắm, tất cả đều làm giảm khả năng sẵn sàng hoạt động của lớp tàu ngầm này. Có thời điểm trong năm 2009, chỉ có duy nhất một chiếc tàu ngầm mang tên HMAS Farncomb được đánh giá là có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên biển. Australia kỳ vọng đến đầu năm nay có thể cải tiến để bốn chiếc tàu ngầm có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên biển.

Năm 2009, chính phủ Australia đã yêu cầu phải thay thế 6 tàu Collins bằng 12 chiếc tàu ngầm có thiết kế tiên tiến hơn. Có thể thiết kế mới này sẽ là phiên bản cải tiến từ Collins, hoặc là loại tàu hoàn toàn mới, và sẽ do chính các xưởng đóng tàu của nước này chế tạo. Trong thời gian đó, những chiếc tàu Collins sẽ tiếp tục phục vụ, với các phiên bản nâng cấp, ít nhất là cho đến năm 2030.

Singapore

{keywords}

Tàu ngầm lớp Archer của Singapore

Ở thế dạng chân trên con đường tiến vào eo biển Malacca từ phương Bắc, Singapore nằm ngay kề bên một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất của thế giới. Singapore có hai chiếc tàu ngầm thuộc lớp Archer, đây là những chiếc tàu được đóng cho hải quân Thụy Điển. Mặc dù đã 25 năm tuổi, song những chiếc tàu Archer này đã được tân trang lại toàn bộ, lắp đặt thêm hệ thống động cơ bổ trợ không cần không khí. Mỗi chiếc tàu ngầm Archer có trọng tải 1.600 tấn khi lặn, với sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm và ba ống loại 400mm. Chúng có thể mang tới 22 quả thủy lôi trong khoang chứa di động bên ngoài.

Ngoài ra, Singapore cũng có bốn chiếc tàu ngầm lớp Centurion. Cũng có xuất xứ từ Thụy Điển, những chiếc tàu ngầm Centurion này được chế tạo từ cuối thập niên 1960, dù vậy chúng vẫn ở trong điều kiện tuyệt vời. Với trọng tải choán nước là 1.400 tấn khi lặn, mỗi tàu được trang bị bốn ống phóng ngư lôi loại 533mm và hai ống phóng loại 400mm.

Triều Tiên

{keywords}

Tàu ngầm lớp Sang-O của Triều Tiên

Nền kinh tế Triều Tiên xoay trở rất kém trước sự sụp đổ của Liên Xô. Và quân chủng hải quân của nước này, vốn đội sổ trong các ưu tiên về nguồn lực, phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Kể từ đó trở đi, Triều Tiên chỉ đóng những chiếc tàu ngầm có trọng tải chưa đến 500 tấn. Dù vậy, một trong số đó được cho là đã gây ra biến cố năm 2010, khi bắn chìm tàu tuần tra Cheonan của Hàn Quốc.

Từng giữ vị trí chủ lực trong hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên, song hiện nay 20 chiếc tàu chạy bằng động cơ điện diesel lớp Romeo do Liên Xô thiết kế và Trung Quốc chế tạo đang dần được rút bỏ, và thay vào đó là những chiếc tàu ngầm ven biển lớp Sang-O. Hiện tại, Triều Tiên đã cho ra đời 40 tàu Sang-O. Những chiếc tàu này có trọng tải choán nước là 325 tấn khi lặn, được trang bị bốn ống phóng ngư lôi loại 533mm và có thể mang tới 16 quả thủy lôi.

Tuy nhiên, một số tàu thuộc lớp này được sử dụng làm tàu ngầm thâm nhập, không vũ trang, cho mục đích chuyên chở các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên. Năm 2011, người ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của K-300 - phiên bản kéo dài của Sang-O.

Ngoài danh sách kể trên, Triều Tiên còn vận hành 10 tàu ngầm nhỏ thuộc lớp Yono. Có trọng tải choán nước là 130 tấn khi lặn, và hai ống phóng ngư lôi loại 533mm, đây được cho là loại tàu ngầm đã bắn chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc.

Hàn Quốc

{keywords}

Tàu ngầm kiểu 209 của Hàn Quốc

Giống như các binh chủng khác của hải quân Hàn Quốc, lực lượng tàu ngầm cũng đang trong thời kỳ mở rộng. Theo kế hoạch, trong 20 năm tới, số lượng tàu ngầm của hạm đội này sẽ tăng lên gấp đôi. Hiện tại, hạm đội tàu ngầm của Hàn Quốc chỉ có chín chiếc tàu ngầm kiểu 209, được đóng ở Hàn Quốc và Đức.

Tàu ngầm 209 có trọng tải choán nước là 1.300 tấn khi lặn, được trang bị bốn ống phóng ngư lôi loại 533mm, với khả năng phóng ngư lôi và thủy lôi. Một số tàu thuộc lớp này còn có thêm khả năng phóng tên lửa chống tàu Sub Harpoon.

Ngoài đội tàu 209, Hàn Quốc còn chế tạo thêm chín tàu ngầm Kiểu 214, hiện tại 3 trong số đó đã hoàn tất. Với trọng tải choán nước thấp nhất là 1.800 tấn khi lặn, tàu 214 nặng hơn các lớp trước đó, và có số ống phóng ngư lôi nhiều gấp đôi. Tất cả các ống phóng này đều có khả năng phóng tên lửa Sub Harpoon.

Theo chương trình tàu ngầm tương lai - KSX-III, đến năm 2020 sẽ có chín tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn được đưa vào phục vụ.

Vùng lãnh thổ Đài Loan

{keywords}

Tàu ngầm Hải Long của Đài Loan

Đài Loan có bốn tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel cũ - nhiều tuổi nhất là chiếc tàu có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đài Loan từng bày tỏ mong muốn tìm một chiếc tàu ngầm thay thế, nhưng lại không thể tìm được nước sản xuất tàu ngầm nào sẵn lòng bất chấp các áp lực chính trị từ phía Trung Quốc. Nhà cung cấp tàu ngầm tiềm năng duy nhất của Đài Loan là Mỹ, song Mỹ lại không chế tạo tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel.

Việt Nam

{keywords}

Tàu ngầm kilo Hà Nội. Ảnh: K.Nam/NLĐ

Tháng 4/2009 Việt Nam ký với Nga hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm mới, được gọi là tàu Kilo cải tiến (Dự án 636) với giá 1,8 tỷ USD. Sáu chiếc tàu chạy bằng động cơ điện diesel này sẽ là những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam. Với trọng tải choán nước là 4.000 tấn khi lặn, những chiếc tàu lớp Hà Nội này có sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, với khả năng phóng ngư lôi, và tên lửa chống tàu SS-N-27 (Klub). Ngoài ra, tàu này có thể mang 50 quả thủy lôi thay cho ngư lôi và tên lửa, đây là một năng lực chống xâm nhập quan trọng.

Kilo Hà Nội, chiếc tàu đầu tiên, đã được giao cho Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2016, Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu cuối cùng.

Indonesia

Đội tàu ngầm của hải quân Indonesia hiện gồm hai tàu ngầm cũ thuộc lớp Đức kiểu 209, mang tên Cakra và Naggala. Những chiếc tàu ngầm này có trọng tải 1.400 tấn khi lặn, tám ống phóng ngư lôi và có khả năng rải thủy lôi. Cả hai đã 30 năm tuổi, và mặc dù được sửa chữa thường xuyên, song hiện chúng đang phải tạm ngừng phục vụ và chờ được nâng cấp. Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc đã ký hợp đồng hiện đại hóa Cakra, với thời gian hoàn tất dự kiến là năm 2013.

Kế hoạch chiến lược quốc phòng đến năm 2024 của Indonesia đặt ra yêu cầu phải tăng số lượng tàu ngầm của nước này lên gấp năm lần trong thời gian 11 năm tới. Hướng tới mục tiêu này, Indonesia đã đặt hàng ba chiếc tàu ngầm 209 cải tiến, được đóng ngay tại Indonesia và Hàn Quốc. Những chiếc tàu trọng tải 1.600 tấn này sẽ có 8 ống phóng tên lửa loại 533mm, có khả năng phóng cả ngư lôi lẫn thủy lôi. Theo kế hoạch, Indonesia sẽ bắt đầu đưa loại tàu ngầm này vào hoạt động trong năm 2015, và đến năm 2018 cả ba tàu đều sẽ tham gia phục vụ.

Malaysia

{keywords}

Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia

Mới đây Malaysia đã hoàn tất việc mua hai chiếc tàu ngầm đầu tiên từ nhà thầu quốc phòng DCNS của Pháp và Navantia của Tây Ban Nha. Mang tên Tunku Abdul Rahman và Tun Razak, cả hai đều thuộc lớp Scorpene.

Với trọng tải là 1.740 tấn khi lặn, lớp tàu này có sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi tự điều khiển Black Shark và tên lửa chống tàu Exocet. Mặc dù không được trang bị hệ thống kéo không cần không khí, nhưng thiết kế của tàu cho phép người ta có thể lắp đặt thêm khi cần.

Tunku Abdul Rahman sớm gặp phải một số vấn đề liên quan đến hệ thống làm mát và không thể lặn, nhưng theo các nguồn tin, những vấn đề này hiện đã được giải quyết.

Hai chiếc tàu ngầm này được mua với giá 1,1 tỷ USD, bao gồm cả chi phí đào tạo. Thủy thủ đoàn sẽ được đào tạo trong nước, trên chiếc tàu Ouessant cũ do hải quân Pháp để lại.

Thái Lan

Thái Lan chưa có trong tay chiếc tàu ngầm nào. Tuy nhiên, nước này đang đặt những nền móng đầu tiên cho một đội tàu trong tương lai. Theo kế hoạch, sở chỉ huy hạm đội tàu ngầm tại căn cứ hải quân Sattahip sẽ được hoàn tất trong năm 2014.

Thái Lan hiện đã gửi các sĩ quan tham tham gia các khóa đào tạo về tàu ngầm tại Đức và Hàn Quốc. Ngoài ra, hệ thống mô phỏng phục vụ hoạt động đào tạo nhân lực vận hành tàu ngầm - Submarine Command Team Trainer (SCTT) - của nước này cũng sớm được hoàn thiện.

Hà Trang (theo Usni.org)

--------

Tác giả bài viết, Kyle Mizokami, là người sáng lập các blog Japan Security Watch, Asia Security Watch và War is Boring. Nội dung các bài viết của ông thường xoay quanh các vấn đề an ninh - quốc phòng ở Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Ông cũng đóng góp nhiều bài viết cho các tờ báo Medium, The Atlantic.com, Salon, The Japan Times và Diplomat...