Kenya có rừng, biển, sông, hồ và tài nguyên. Vậy mà người dân ở đây dành quá ít thời gian, sức lực và tài nguyên cho sự phát triển kinh tế, ngược lại, họ dành quá nhiều những tài sản quý giá ấy cho việc đề phòng lẫn nhau, làm hại lẫn nhau.

LTS: Châu Phi, thường được nhắc đến kèm những vấn đề về đói nghèo và bệnh tật, đặc biệt HIV. Nhưng lục địa đen cũng được biết đến với những điệu nhảy cuồng nhiệt, văn hóa đa dạng và thiên nhiên phong phú. Dù nạn săn bắn động vật đang là vấn đề lớn, nhưng đây vẫn là phần lớn nhất thế giới còn lại của thiên nhiên hoang dã, cùng vô số điều thế giới vẫn chưa được biết.

Tuần Việt Nam đưa một góc nhìn về lục địa đen qua hành trình khám phá đất nước Kenya của CTV Hoàng Đức Minh.

Thành phố của hàng rào điện

"Kenya is a nice country, but Nairobi is a bad city" là lời nhận xét của anh bạn tôi đang làm tại UN, sau 9 tháng sống ở Kenya. Rất đáng buồn là lời nhận xét này rất đúng.

Phải mất 2 tuần tôi mới bắt đầu quen với việc đi lại ở Nairobi. Những hướng dẫn về an ninh mà tôi nhận được trước khi sang mô tả Nairobi như một thành phố đáng sợ, đặc biệt với những người nước ngoài. Và chỉ 3 ngày sau khi tôi sang, một vụ đánh bom vào xe bus đã đánh dấu chấm dứt cho tất cả các hoạt động tham quan giải trí dành cho khóa tập huấn mà chúng tôi tham dự.

Bản thân Kenya vẫn đang mang trong mình những cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo. Chỉ mới vài tháng trước, (nhóm al-Shabaab) đã tấn công vào trung tâm thương mại lớn nhất của Nairobi, xả súng vào tất cả mọi người ngay khi bước vào.

{keywords}

"Kenya is a nice country, but Nairobi is a bad city". Ảnh Hoàng Đức Minh

Những tên khủng bố đã tàn nhẫn không tha cho cả trẻ em khi bắn vào một cuộc thi (vẽ tranh) đang diễn ra lúc đấy. Kết thúc vụ tấn công, người ta còn không thực sự xác định được số lượng những kẻ khủng bố và liệu có bao nhiêu tên đã trốn thoát theo dòng con tin được thả. Cuộc tấn công mang đầy màu sắc chia rẽ tôn giáo khi bọn khủng bố thả tất cả những người có thể đọc kinh shamaab (một kinh của người Hồi giáo).

Ở một đất nước như Kenya, những công ty ăn nên làm ra nhất là những công ty bảo vệ. Rất hiếm thấy hình ảnh cảnh sát tại Nairobi, chủ yếu là cảnh sát giao thông trên đường quốc lộ. Lực lượng giữ gìn an ninh chính trong thành phố là quân đội và vệ sĩ của các công ty tư nhân.

Ở Nairobi, người ta tiêu tốn một số tiền cực lớn để duy trì hai thứ: Hàng rào điện và kiểm tra an ninh. Đất ở Nairobi rất rộng, phần nhiều được sở hữu bởi các tổ chức hoặc người giàu có. Thế nhưng người ta sẵn sàng từ bỏ "nhà mặt phố", thay vào đó họ xây một bức tường cao 3 mét xung quanh nhà của mình và mắc lưới điện lên trên.

Tất cả các trung tâm thương mại, tòa cao ốc, siêu thị ... tại Nairobi, khách vào đều phải trải qua kiểm tra túi xách, máy dò kim loại, thậm chí ở nơi đông đúc thì bạn phải kiểm tra tới hai lượt. Đáng buồn thay cho một đất nước còn kém phát triển, thiếu năng lượng, vậy mà còn phải tiêu phí khổng lổ để duy trì một hệ thống đề phòng lẫn nhau như vậy.

Hãy ngồi nhà và kéo cửa kính xuống

Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất đối với một người nước ngoài ở đây không đến từ những tên khủng bố, bởi họ không nằm trong đối tượng mục tiêu (trừ khi bạn quá tò mò hay quá xui xẻo). Ở Nairobi, bị trộm và bị cướp mới là nỗi lo hàng ngày. Nhất là khi bạn là một Mzungu (tiếng địa phương chỉ những người không phải da đen, giống như ở Việt Nam hay chỉ vào tất cả người da trắng và nói "Ông Tây, ông Tây")

Anh bạn tôi kể một câu chuyện về 3 anh chàng Trung Quốc bạn của anh ra sân bay đón 1 người bạn khác. Trên đường ra, lũ cướp chặn đường, dí súng vào đầu và lịch sự nói "Nỉ hảo". Kết quả là 3 anh chàng này bị lột toàn bộ hành lý, tư trang mang theo, bao gồm cả điện thoại, cuối cùng loanh quanh gần 2 tiếng đồng hồ quanh sân bay mới tìm được anh bạn kia.

{keywords}

Ởmột đất nước như Kenya, những công ty ăn nên làm ra nhất là những công ty bảovệ. Ảnh Hoàng Đức Minh

Theo số liệu thì trung bình mỗi ngày ở Nairobi có 10 vụ đánh cắp ô tô, và nói chung là chỉ có 1/10 trong số chúng được tìm thấy. Chúng tôi được khuyến cáo không ra khỏi nhà một mình sau 6 giờ tối, hạn chế đi phương tiện công cộng để tránh móc túi và cũng ko nên đi xe bus vào buổi tối.

Bạn chẳng nên cầm theo máy ảnh hay smartphone đi dạo phố vì chúng sẽ kích thích những kẻ giật đồ, thậm chí ngồi trên taxi bạn cũng cần để xa hành lý của mình khỏi cửa sổ và tốt nhất là nên kéo cửa kính lên.

Cô bạn đồng hành của tôi dù đã rất cẩn thận, vậy mà vẫn đành trơ mắt nhìn tên cướp giật đi chiếc túi xách của mình khi đang đi cùng một anh bạn địa phương trên phố. Tên cướp có dao, chẳng ai dám giúp đỡ cô. Thế nên đi đâu tôi cũng chỉ dám mang trong mình số tiền tối thiểu, chia đều cất trong một đống túi trên người và lúc nào cũng nghịch một con dao bấm trong tay để cho mình có vẻ nguy hiểm.

Một sự thực đáng buồn là Kenya vẫn là một nước phát triển và có an ninh ở mức khá so với nhiều nước xung quanh. Cách đó không xa, ở những quốc gia láng giềng như Sudan hay Somalia, tính mạng của bạn có thể đánh mất bất cứ lúc nào. Trong lúc này đây, chính phủ Kenya vẫn đang phải đau đầu trong các chính sách đối xử với người Somali nhập cư và dòng người chạy nạn từ Sudan.

Trải qua những tháng ngày ở đây, tôi thấy đáng tiếc cho đất nước này, đáng tiếc cho cả lục địa này. Châu Phi không phải là một lục địa "nghèo" như tôi đã từng ngộ nhận. Châu lục này có quá nhiều tiềm năng để giàu có: đất đai rộng rãi với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, một hệ sinh thái nguyên sơ còn chưa bị khai thác đến mức hủy diệt, nền văn hóa bản địa đa dạng và đặc biệt là nguồn sinh khí đến từ giới trẻ.

Ví như ở Kenya, quốc gia này có rừng, có biển, có sông, có hồ, có tài nguyên. Vậy mà người dân ở đây dành quá ít thời gian, sức lực và tài nguyên cho sự phát triển kinh tế, ngược lại, họ dành quá nhiều những tài sản quý giá ấy cho việc đề phòng lẫn nhau, làm hại lẫn nhau.

Xét cho cùng, mục đích cuối cùng của mỗi tôn giáo đều mong con người trở nên tốt đẹp hơn, nhân ái hơn, tại sao phải vì niềm tin của mình mà làm tổn thương người khác? Câu hỏi ấy tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời, vẫn mang trong mình sự tiếc nuối mà khám phá quốc gia này.

Hoàng Đức Minh

(Còn nữa)