Trẻ em chiếm một tỷ lệ cao trong số gần trăm nghìn người đang sống ở Kawangware, và rất nhiều trong số chúng giống như K: không có bố mẹ, mang trong mình virus HIV.

Kỳ cuối: Kawangware, bàn chân trĩu nặng

Những ánh mắt tò mò dõi theo tôi của lũ trẻ gầy gò và sự chán nản, bê tha của những người đàn ông say rượu khiến tôi bối rối khi tôi đặt chân đến Kawangware.

Là một trong những khu ổ chuột lớn của Nairobi, Kawangware có mọi nét đặc trưng mà bạn có thể tượng tượng về một khu ổ chuột: những dãy nhà lụp xụp và tạm bợ bám đầy bụi bặm, rác rưởi có ở khắp nơi đôi khi trở thành sân chơi và đồ chơi cho lũ trẻ con. Những đứa bé ở đây rách rưới, mặt mũi lấm lăm với thân hình gầy trơ xương.

Tôi đến Kawangware vào giữa trưa theo chân một người dẫn đường bản địa, thời điểm này phần lớn những người lao động ở đây đều đang ở ngoài đường kiếm sống. Chẳng hề có tiếng trẻ nô đùa, tiếng phụ nữ buôn chuyện hay bất cứ âm thanh huyên náo nào.

{keywords}

Sự có mặt của tôi dường như một hòn đá ném vào cuộc sống trầm mặc của họ, đi đến đâu là gợi sự chú ý đến đó. Ảnh Tomas Francisco Pomar

Ở đây có trẻ em, nhưng chúng thiếu sức sống. Ở đây có đàn ông, nhưng họ phần lớn đều đang say rượu. Còn phụ nữ ở đây toàn là người già. Sự có mặt của tôi dường như một hòn đá ném vào cuộc sống trầm mặc của họ, đi đến đâu là gợi sự chú ý đến đó.

Tuy vậy, phản ứng của mọi người ở đây không giống như tôi tưởng tượng, đặc biệt là lũ trẻ. Chúng dù tò mò nhưng không hề vui mừng hay chỉ trỏ hô "Mzungu! Mzungu". Trong đối mắt tò của chúng, tôi dường như chỉ là một nhân vật không phận sự, không nguy hại cũng chẳng đem lại lợi ích gì, chỉ đơn giản là chúng chẳng biết tôi tại sao lại xuất hiện ở đây. Tôi có cảm giác rằng chúng chẳng có dư thừa năng lượng để quan tâm nhiều hơn đến tôi ngoài việc dõi mắt nhìn theo.

Dù có vẻ chẳng ai có ý định tiến lại gần làm phiền, dưới con mắt chăm chú của mọi người ở đây, tôi chẳng giám nhấc máy ảnh lên chụp. May sao có người dẫn đường bên cạnh, tôi an tâm bước theo ông vào thăm một gia đình.

K (tên nhân vật đã bị thay đổi) là một cậu bé khoảng 6-7 tuổi có cha mẹ đều chết vì AIDS, cậu bé sống với bà. Bà cụ đã quá già và chẳng được học hành gì, còn K thì quá bé. Họ sống sót với sự giúp đỡ của KARIKA, một tổ chức xã hội được thành lập nên bởi chính những người dân địa phương.

Bà cụ mỗi ngày đều chậm rãi làm những chiếc vòng cổ handmade để KARIKA bán cho khách du lịch. Còn K, cậu bé tự chơi một mình.

Trong nhà K chiếc bể chứa nước bằng nhựa được tài trợ của họ có lẽ giá trị nhất. Những căn hộ ở đây không có nhà vệ sinh, và nước sạch là một tài nguyên quá quý giá, quý đến mức người ta chẳng nỡ dùng nó để tắm rửa hay giặt quần áo. Không quá khó để có thể tưởng tượng nỗi khổ trong sinh hoạt của người dân ở đây.

{keywords}

Là một trong những khu ổ chuột lớn của Nairobi, Kawangware có mọi nét đặc trưng mà bạn có thể tượng tượng về một khu ổ chuột. Ảnh: Tomas Francisco Pomar

Trẻ em chiếm một tỷ lệ cao trong số gần trăm nghìn người đang sống ở Kawangware, và rất nhiều trong số chúng giống như K: không có bố mẹ, mang trong mình virus HIV và khó có khả năng được đến trường. Bụng đói, không đồ chơi, không người chăm sóc, chúng lớn lên giữa những đống rác và những kẻ say rượu với một thực đơn cả năm cũng không thay đổi. Những đứa trẻ như K chỉ có thể ra đường kiếm sống ngay khi có thể. Không có một cơ hội, rất ít trong số những đứa trẻ này có thể thoát ra khỏi số phận đã buộc định lên cuộc đời của chúng từ khi chưa sinh ra.

KARIKA: Những ngọn nến trong đêm

Người dẫn đường của tôi có tên là Mwega. Mwega là người sáng lập của KARIKA, một nhóm tự cứu được thành lập từ năm 2003 nhằm giúp đỡ những người già ở Kawangware.

Ấn tượng ban đầu của tôi về Mwega đã rất tốt: ông là một người đàn ông trung niên với nụ cười ấm áp và sự thân thiện thật tâm toát ra từ mọi cử chỉ của mình.

Thế nhưng khi dẫn tôi đến trụ sở của Karika ở Kawangware thì tôi vẫn bị bất ngờ. Mwega được mọi người ở đây yêu quý như kiểu một vị già làng ở Tây Nguyên. Thấy ông đến, mọi người đều đến chào hỏi, bắt tay. Một người đàn ông thậm chí cứ giữ chặt tay tôi và nói: "Mwega is a good man, he is a very good man".

{keywords}

Những căn hộ ở đây không có nhà vệ sinh, và nước sạch là một tài nguyên quá quý giá, quý đến mức người ta chẳng nỡ dùng nó để tắm rửa hay giặt quần áo. Ảnh: Tomas Francisco Pomar

Sau này tôi mới biết Mwega không có cha từ năm 14 tuổi, được đi học nhờ lòng tốt của các giáo viên ở trường. Ông làm việc với vai trò một nhân viên xã hội, nuôi những người em của mình đi học. Người mẹ của ông đã chết trong đau khổ khi gia đình cha ông cố lấy đi mảnh đất cuối cùng của bà, đẩy gia đình ông vào hoàn cảnh khó khăn chồng khó khăn. Vượt qua tất cả những gian khổ gia đình đó, Mwega đã dành suốt 15 năm cùng người dân ở Kawangware đấu tranh với cái nghèo.

Thủa đầu thành lập, nơi gặp mặt của Karika chỉ là bóng râm của một chiếc cây. Kể cả đến bây giờ, sau suốt 10 năm phát triển, văn phòng của Karrika cũng vẫn chỉ là một "túp lều" như bao căn nhà khác trong khu ổ chuột này, chỉ có điều to hơn một chút với một tấm bảng và vài vài bộ bàn ghế học sinh. Những buổi họp nhóm, tự tập huấn vẫn diễn ra đều đặn trong ánh sáng mặt trời và bụi phấn.

Với sự giúp đỡ của các quỹ tài chính vi mô, những người già ở Karika (phần lớn đều sống một mình với cháu do con cái đã chết vì HIV) tập hợp nhau lại. Họ kiếm sống từ việc làm xà phòng, trang sức, may vá. Không chỉ tổ chức phát cơm cứu đói mỗi thứ 7, Karika hướng dẫn kiến thức cho người dân ở đây về cách tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, tổ chức những hoạt động văn hóa tinh thần cho họ.

Nhìn vào niềm hân hoan, sự tự tin ánh lên trong mắt mỗi cụ già ở Karika, tôi tin Mwega đã thành công. Nhìn những cụ gia hăng say luyện hát để chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết dự án sắp tới, ai có thể biết được những gian truân mà họ đã trải qua ở cái thế giới còn đầy bất công này. Thậm chí các cụ còn làm tôi ngạc nhiên về khả năng "học ngoại ngữ" khi chẳng mấy chốc mà đã có thể hát bè theo tôi mấy câu bài trống cơm. Tôi tự hỏi, nếu được sinh ra ở khu ổ chuột này, liệu tôi bây giờ có khá hơn lũ trẻ đang đứng đằng kia? Liệu tôi có kiên cường được như Mwega? Liệu tôi có thể sảng khoái hát ca như các cụ?

Tôi không biết, và cũng chẳng bao giờ biết được câu trả lời cho những câu hỏi đó. Nhưng có một điều tôi biết, Mwega và Karika là ngọn nến thắp lên hy vọng cho những người dân nghèo đáng thương này. Cần nhiều nhiều hơn những ngọn nến như thế để có thể xua tan đi những đau khổ trên thế giới này.

Ngước nhìn bầu trời Nairobi đêm nay, những ngôi sao dường như sáng hơn.

10/1/2014

Hoàng Đức Minh