-Việc có người nói tới “giàu vượt sướng” bên cạnh “nghèo vượt khó” không phải chỉ là câu chuyện đùa. Suy cho cùng, vượt sướng cũng khó, thậm chí còn khó hơn vượt nghèo. 

Cái thiếu nhất là ý chí

Dù chưa ai thống kê xem có bao nhiêu thủ khoa đại học là con nhà nghèo nhưng mô típ “vượt khó học giỏi” thực sự đã tồn tại từ nhiều năm qua tới mức trở nên quen thuộc.

Năm nào câu chuyện về những thủ khoa phụ hồ bên và những cậu ấm cô chiêu thi trượt vẫn lặp lại bên mâm cơm gia đình có con em sắp sửa thi đại học để răn dạy các em. Tuy vậy, người viết cho rằng đây là một hiện tượng đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

{keywords}
Ảnh minh họa. Phạm Hải

Một lý do giải thích cho hiện tượng này là từ khi chủ trương thi “ba chung” được thực hiện, kỳ thi đại học đã trở thành sân chơi chung cho mọi học sinh trung học phổ thông. Sự khác biệt về điều kiện tiếp cận kiến thức của học sinh ở các tỉnh, thành phố lớn và tỉnh lẻ ngày càng thu hẹp lại.

Cái hơn của học sinh có gia đình khá giả là điều kiện sinh hoạt và học tập tốt. Các bậc phụ huynh đầu tư cho con mình mọi thứ để có thể yên tâm ôn thi. Tuy nhiên, điều kiện vật chất tốt có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến các em mất quá nhiều thời gian vô bổ cho cả thế giới ảo và thế giới thực.

Ở tuổi các em, thực tế nhu cầu vật chất chưa cao cho nên đôi khi sự thiếu thốn lại giúp các em tập trung nhiều hơn cho việc học. Ngoài việc phụ giúp gia đình, học sinh có kinh tế gia đình ở mức trung bình hoặc khó khăn (ở một mức vừa phải để vẫn đảm bảo có đủ thời gian và tinh thần ôn tập) chủ yếu vùi đầu vào luyện thi.

Cái thiếu nhất của những học sinh “con nhà giàu” là ý chí. Chúng ta đều hiểu rằng khi nghèo khó thì việc học hành là một con đường để thoát ra khỏi bế tắc. Cái nghèo trở thành động lực khiến con người ta nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngược lại, một khi đã sống trong nhung gấm, nhìn quanh không thiếu thứ gì, các em khó tìm ra cho mình lý do để cố gắng. Sự lười biếng, chây ì rất dễ xảy ra.

Từ thực tế đó, nếu như thống kê cho thấy kết quả thi thực sự tỉ lệ nghịch với thu nhập gia đình thì cũng không phải là điều bất ngờ. Dĩ nhiên, cũng phải lưu ý rằng đây mới chỉ là kết quả thi đại học còn sự thành công trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Điều đó cho thấy, việc có người nói tới “giàu vượt sướng” bên cạnh “nghèo vượt khó” không phải chỉ là câu chuyện đùa. Suy cho cùng, vượt sướng cũng khó, thậm chí còn khó hơn vượt nghèo. Tuy vậy, người viết không có ý định cổ vũ hay bao biện cho cái khó đó, bởi lẽ về bản chất nó là một nghịch lý. Chúng ta cần thay đổi chứ không phải thỏa hiệp với nghịch lý đó.

Ít tầm nhìn tạo sự bứt phá

Từ chuyện thi cử của các em, chúng ta có thể liên hệ rộng hơn tới những vấn đề trong cuộc sống.

Ở nước ta, có nhiều thứ dường như được làm tốt hơn khi đất nước khó khăn và ngược lại. Chúng ta vẫn thường nói trong thời chiến, thời bao cấp khó khăn, con người ta sống với nhau chân thành hơn, thủ tục hành chính ít nhiêu khê hơn, công trình xây lên cũng bền chắc hơn thời nay. Bệnh viện, trạm xá thời còn thiếu thốn là nơi được nhân dân tin tưởng. Nay khi kinh tế đầy đủ hơn, nhiều khi bệnh viện lại trở thành nỗi… ám ảnh, sợ hãi.

Thỉnh thoảng chúng ta lại được nghe chuyện có những người nông dân chế tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích trong khi các giáo sư, tiến sĩ thì không tạo ra sản phẩm gì mới. Sự nỗ lực của những người nông dân rất đáng được ghi nhận nhưng nghịch lý này là điều đáng buồn.

Đa phần các giáo sư, tiến sĩ đều là những người thông minh, học vấn uyên thâm và có điều kiện làm việc tốt hơn. Thiết nghĩ nếu họ thực sự làm việc thì sẽ còn làm ra nhiều phát minh, sáng chế hơn nữa. Tiếc rằng đó vẫn chỉ là chữ “nếu” muôn thuở.

Nhắc tới sự giàu có, phải thừa nhận rằng dù chưa phải hàng cự phách so với thế giới nhưng ở Việt Nam cũng đã có không ít triệu phú, tỉ phú. Thế nhưng sau cái giàu vinh thân phì gia đó, người ta ít thấy những tầm nhìn vượt lên trên tạo ra một sự bứt phá.

Gần đây có chuyện đại gia mua một chiếc giường vài tỷ từ Anh quốc. Đồng ý rằng chỉ cần số tiền đó được làm ra một cách chính đáng thì mua gì là quyền tự do của mỗi người. Có điều lí do mà vị đại gia này đưa ra rằng ông muốn chứng minh cho thế giới biết Việt Nam cũng có người giàu thì thật lạ lùng. Đó thực chất là lối tư duy tiểu nông còn tồn tại dai dẳng. Hình như nhiều người Việt đang lúng túng không biết sau khi mình đã giàu thì phải làm gì tiếp theo?

Thiết nghĩ, không “vượt sướng” được để bứt phá chính là không thoát nổi sự cám dỗ của kim tiền. Trong xã hội hiện nay không ít quan chức ai cũng chỉ muốn leo lên đến một vị trí cao chỉ để mưu cầu danh lợi. Nhiều người không thiếu năng lực nhưng họ không muốn cố gắng, không muốn thay đổi vì thang giá trị không vượt ra được khỏi được chữ tiền. Ít ai nghĩ tới việc tận dụng vị trí ưu việt của mình trong xã hội để tạo ra giá trị gì đó lớn hơn lợi ích cho bản thân.

Bản chất của những sự việc tưởng chừng không liên quan tới nhau này là do sức bật trong tư duy và hành động bị giới hạn. Đất nước có thể vươn lên rất ngoạn mục từ khó khăn, nhưng sau khi đã đạt một mức độ thành công nhất định thì không thể vượt khỏi cái ngưỡng đó để bứt phá được nữa. Đó cũng chính là cái bẫy thu nhập trung bình mà có thể chúng ta sẽ không thoát ra nổi.

Khơi dậy được sức bật của người Việt là điều vô cùng hệ trọng. Chỉ khi sự sung túc chứ không phải sự nghèo khó trở thành bệ phóng cho con người phát triển thì đất nước mới vượt qua được chính mình để lột xác và phát triển.

  • Duy Khương