-Đây là những vấn đề cần quan tâm để có hình thức thể chế phù hợp khi đưa thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống, hay nói ngược lại cần đưa cuộc sống vào thông điệp của Thủ tướng.

Đã là doanh nghiệp thì phải lấy lợi ích làm đầu. Họ bỏ ra một ít phong bì mua được quan hệ, chính sách và kiếm được lợi trong đó dễ hơn là lao tâm khổ tứ với người nông dân. Bởi vậy, nhà nước mới phải có chính sách hỗ trợ nông dân.

Nhà nước bỏ tiền, dân vẫn phải mua đắt

Tuy nhiên, cũng là chính sách hỗ trợ nông dân nhưng ở mỗi nước đều có ứng xử khác. Ví dụ  ở Trung Quốc, Chính phủ TQ bảo hộ cho nông dân bằng cách sử dụng công cụ chính sách thuế rất linh hoạt, cụ thể là đến thời vụ nhà nước nâng thuế suất thuế xuất khẩu phân bón có khi lên tới 135%, khi không phải mùa vụ thì thuế suất thuế xuất khẩu phân bón có thể giảm về 0%.

Còn ở Indonesia, Nhà nước cũng hỗ trợ giá phân bón nhưng không hỗ trợ giá đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất mà hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua các hợp tác xã . Theo đó, khi doanh nghiệp bán phân bón cho nông dân , thì nông dân chỉ phải trả bằng 50% giá thị trường, 50% còn lại được nhà nước chi trả theo số lượng phân bón thực tế doanh nghiệp bán cho nông dân thông qua các hợp tác xã.

Làm như vậy, doanh nghiệp cũng bán được hàng mà nông dân vẫn mua được phân bón với giá rẻ. Còn ở Việt Nam, trớ trêu là nhà nước vẫn phải bỏ ra một đống tiền để trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng nông dân vẫn phải mua phân bón với giá thị trường quốc tế, thậm chí còn cao hơn giá phân bón TQ nhập về đến Việt Nam (nghĩa là giá đã có thuế xuất khẩu, bảo hiểm, vận chuyển, hao hụt, lãi vay ngân hàng vv…).

Phải thay đổi

Đúng là chẳng có doanh nghiệp nào đi làm hộ nông dân cả nhưng nếu Nhà nước có chính sách thực sự vì nông dân, thì vì lợi ích mà một cách gián tiếp doanh nghiệp cũng sẽ phải liên kết với nông dân. Ví dụ, ai cũng biết các doanh nghiệp sữa thu siêu lợi nhuận khi mà họ không hề nghĩ đến việc phát triển vùng nguyên liệu và chỉ việc nhập sữa bột về hoàn nguyên rồi bán với giá cắt cổ cho người tiêu dùng. Tại sao họ làm được như vậy? Vì chính sách cho phép, và thậm chí khuyến khích họ làm.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Nếu như Nhà nước nghĩ đến nông dân thì sẽ đưa ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu bằng cách sử dụng chính sách cấp quota nhập khẩu sữa bột hay/và đường kính theo tỷ lệ phát triển vùng nguyên liệu. Nghĩa là doanh nghiệp nào có đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi sẽ được cấp quota nhập khẩu sữa bột hay/và đường kính, hoặc ngược lại.

Song song với việc cấp quota, nhà nước cũng phải tích cực kiểm tra, phát hiện những trường hợp gian lận thương mại, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về các loại sữa trên thị trường vv… Nếu làm được như vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải liên kết với nông dân nuôi bò sữa trong phát triển vùng nguyên liệu.

Hay như trường hợp gạo xuất khẩu. Nếu như thực sự vì nông dân thì nhà nước chỉ việc đưa ra chính sách, doanh nghiệp nào muốn tham gia xuất khẩu gạo theo các hợp đồng của Chính phủ phải có vùng nguyên liệu lúa, nghĩa là phải hợp đồng thu mua lúa trực tiếp với nông dân, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đầu vào cho nông dân sản xuất lúa đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng năm 2013, từ năm 2014 – 2015 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng và sau 2015 là 80% trở lên.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu đang kêu “khó” vì họ đang quen với việc “ăn sẵn” rồi. Cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp sẽ lách luật bằng cách ký khống hay dùng danh sách ma để có được vùng nguyên liệu cho đúng thủ tục. Để hạn chế tiêu cực cần tổ chức nông dân trong các hợp tác xã hay các tổ hợp tác để làm đối tác với doanh nghiệp.

Không biết liệu quyết tâm này của Bộ NN& PTNT có đi được tới đích hay lại đứt gánh giữa đường?

Nếu quan tâm đến dân

Đối với nông dân vấn đề thời sự nhất là đất đai cũng vẫn là câu chuyện "Quan có quan tâm đến lợi ích của dân hay không"? Nếu người ta quan tâm đến dân thì ngay cả khi sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, người ta vẫn bảo vệ được quyền lợi của nông dân nếu: Chính quyền cho phép người dân tham gia vào định giá đất. Nếu Luật Đất đai quy định rõ  câu chuyện trưng mua đất (không phải là thu hồi, đền bù), nếu Chính quyền có trách nhiệm giải trình về dự án phát triển.

Cần  tạo ra một cơ chế thị trường thực sự để những ai sản xuất không hiệu quả sẽ bán quyền sử dụng đất cho những ai biết cách làm cho đất để ra tiền, chứ không  phải cứ để như thế này. Để rồi những kẻ có quyền thế có thể cướp đất của người dân thấp cổ bé họng. Đây là những vấn đề cần quan tâm để có hình thức thể chế phù hợp khi đưa thông điệp của Thủ tướng vào cuộc sống, hay nói ngược lại cần đưa cuộc sống vào thông điệp của Thủ tướng.

Tô Văn Trường