Trung Quốc đã sử dụng lợi thế nước lớn để can thiệp và gây ảnh hưởng rất nhiều tới những nước nhỏ hơn xung quanh.

Lời nguyền địa lý khiến nhiều quốc gia phải chịu đựng "định mệnh" nằm sát kề các nước lớn. Đi kèm với đó là những gánh nặng, sức ép, chi phối và nguy cơ khi là nước nhỏ hơn.

Phân tích một số trường hợp điển hình sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những gì các nước nhỏ phải đối mặt khi phải mang "lời nguyền".

Thiên triều và "trung tâm của vũ trụ"

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang "gây sự" với hầu hết các nước láng giềng: tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, đưa quân vào lãnh thổ Ấn Độ, phô trương sức mạnh ở biển Đông và Đông Nam Á.

Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế không tưởng (trên 10% một năm) trong suốt ba thập kỷ - điều chưa nước nào làm được - đã biến Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới có quy mô chỉ sau Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng là quốc gia liên tục chi những khoản "khổng lồ" cho quốc phòng, đưa quốc gia trở thành một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới.

Tư tưởng coi dân tộc mình là vĩ đại vẫn hiện diện trong hầu hết người dân Trung Quốc. Quá trình mở rộng lãnh thổ hàng ngàn năm của người Trung Quốc đã tạo trong tiềm thức của người dân về một quốc gia nằm ở trung tâm thế giới (Trung Nguyên) và Trung Quốc có quyền được coi là thủ lĩnh của khu vực, nếu không nói là cả thế giới.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước làng giềng chắc chắn cũng được nước này nhìn dưới lăng kính tương tự. Chủ nghĩa dân tộc đã khiến Trung Quốc đối đầu với Liên Xô để cạnh tranh cho một vị trí thống lĩnh khối các nước thế giới thứ ba trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc cũng đã sử dụng lợi thế nước lớn để can thiệp và gây ảnh hưởng rất nhiều tới những nước nhỏ hơn xung quanh như Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ và các nước Đông Nam Á khác.

Có ba đặc điểm chính trong tâm lý nước lớn của người Trung Quốc. Thứ nhất, họ cảm thấy bị tổn thương sau một thời gian dài bị phương Tây và Nhật Bản ức hiếp trong gần 100 năm trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền.

Thứ hai, họ cho mình là người lãnh đạo tự nhiên của khu vực, như cả ngàn năm qua vẫn đã như vậy. Và thứ ba, Trung Quốc trầm trọng hóa những mối đe dọa từ các cường quốc bên ngoài đối với chính mình, nhưng lại phớt lờ những hành động của bản thân vốn gây đe dọa tới an ninh của các nước nhỏ hơn.

Một tâm lý nước lớn phức tạp, cộng thêm chủ nghĩa dân tộc quá lớn tới từ một quốc gia được cho là đại diện của cả một nền văn minh lâu đời khiến cho các nước nhỏ hết sức khó khăn để đối phó với những áp lực từ Trung Quốc.

{keywords}
Ảnh minh họa

Logic nước lớn, nước nhỏ

Nga và mối quan hệ với các quốc gia nhỏ hơn thuộc không gian hậu Xô Viết như Ukraine hay Gruzia là ví dụ điển hình cho một mối quan hệ nước nhỏ - nước lớn gắn liền với lời nguyền địa lý. Các căng thẳng ngoại giao giữa Kiev - Moscow và Tbilisi - Moscow kể từ khi Liên Xô tan rã đã minh chứng một điều, nước nhỏ có ít sự lựa chọn khi đối diện với nước lớn ở sát bên cạnh, và lựa chọn mang tính quân sự lại càng không phải là một giải pháp hợp lý.

Cả Ukraine và Gruzia đều nằm dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga, kể cả về kinh tế lẫn an ninh chính trị. Một nửa phía Đông của Ukraine sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Nga cũng là một trong những đối tác kinh tế và năng lượng hàng đầu của Kiev.

Nền chính trị nội bộ của Ukraine cũng phân chia làm các phe phái ủng hộ và chống đối Nga. Cuộc cách mạng Cam xảy ra cuối năm 2004 ở Ukraine đã khiến vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải từ nhiệm và một chính quyền có quan điểm hoàn toàn trái ngược lên nắm quyền.

Để thoát khỏi cái bóng của người láng giềng khổng lồ và đầy quyền lực, Kiev lúc đó đã cố gắng hướng về châu Âu và NATO. Song làm được điều này là không hề dễ dàng, khi Nga coi chính sách "hướng Âu" của Ukraine đe dọa đến các lợi ích địa chính trị và địa chiến lược của nước Nga.

Có thể thấy, các quan điểm của nước Nga đối với Ukraine ảnh hưởng thế nào đến tình hình chính trị của khu vực Đông Âu nói riêng và cả châu Âu nói chung. Tranh chấp về giá khí đốt giữa hai nước vào năm 2009 chính là lời đáp trả của Moscow trước kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine, khiến cả châu Âu đắm chìm trong giá lạnh. Các căng thẳng gần đây ở Ukraine về việc gia nhập NATO cũng là một minh chứng cho ảnh hưởng này.

Tương tự với Gruzia, một đất nước nhỏ bé đã phải hứng chịu "cơn thịnh nộ" của gã khổng lồ Nga khi "dám" sử dụng vũ lực tại hai khu tự trị mà Moscow ủng hộ. Bản thân Gruzia cũng sở hữu những đặc điểm kinh tế xã hội và chính trị giống Ukraine: chịu ảnh hưởng lớn từ Nga về kinh tế và năng lượng, có các phe phái chính trị thân và chống Nga, cũng trải qua cuộc cách mạng Hoa hồng khi một tổng thống thân Nga bị lật đổ, cũng hướng về EU và NATO như một hướng đi mới...

Tuy nhiên trường hợp Gruzia lại chứng minh, việc sử dụng sức mạnh quân sự đối với một nước lớn, lại là láng giềng, chẳng mang lại bất cứ một ích lợi gì, mà còn chuốc lấy thất bại cả về chính trị và ngoại giao. Sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc, Gruzia mất trắng hai vùng lãnh thổ ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia. Không những thế, EU và Mỹ vốn được Gruzia coi là đồng minh khi đó cũng chẳng hề lên tiếng.

Có thể thấy, một nội bộ không thống nhất, cùng với những bước đi ngoại giao và chiến lược sai lầm đã khiến cho mối quan hệ giữa Ukraine và Gruzia với Nga trở nên thiếu ổn định. Trong những trường hợp này lợi ích quốc gia của những nước nhỏ chẳng những không được bảo toàn, mà thậm chí còn mất mát và ảnh hưởng của nước lớn lại ngày càng gia tăng.

Thuận Phương