Có gia đình nào ở Việt Nam lại không biết đang tham dự những cuộc thí nghiệm đại quy mô về giáo dục?

Năm nào chúng ta cũng nghe các quan chức đương nhiệm phát biểu sẽ có những thay đổi lớn về thi cử, về giảm tải học hành, và về phân luồng chương trình học. Còn những quan chức đã về hưu luôn tiếc nuối đã không thực hiện được kế hoạch lớn về đầu tư cho giáo dục thể chất, phẩm chất, và hệ thống giáo dục vẫn theo guồng quay nhồi nhét kiến thức.

Gia đình nào có con thi vào THPT hay đại học, thì chẳng khác mấy một thành viên của chiến dịch căng thẳng kéo dài nguyên năm trời. Giáo dục là cuộc đầu tư cho tương lai, có tỷ lệ rủi ro khá cao. Vào trường chuyên rồi thì lo không đủ sức khỏe thể chất để "cày".

Đậu vào đại học rồi thì lo thất nghiệp lúc ra trường, vì đã ngoài 20 mà các cử nhân vẫn như đứa trẻ vị thành niên. Đi làm rồi vẫn lo bị bật ra ngoài vì hóa ra 16 - 17 năm dùi mài kinh sử vẫn thiếu hết các kỹ năng sống. Tất cả những vấn đề này, phụ huynh của các thế hệ 9x trở về trước đã trải nghiệm đầy đủ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Và rất nhiều phụ huynh thở dài, chỉ biết đặt cược tương lai vào thế hệ năm 2000, khi đứa trẻ sinh ra vào thời điểm đất nước đã thoát khỏi thời kỳ kham khổ, với nhiều bậc sinh thành cũng được sinh ra trong thập niên 70, thời kỳ hậu chiến, có điều kiện hơn tất cả các thế hệ trước đó.

Cả một guồng máy "hậu đãi" cho thế hệ này. Từ cuộc chiến đấu về "giá và chất lượng sữa" với những lời hứa hẹn của nhà sản xuất có thêm DHA, đến những ngôi trường chất lượng cao, chất lượng quốc tế mọc như nấm ở thành thị. Từ mục tiêu đứa trẻ mập mạp là đáng yêu của thế hệ 9x, đến cả nhà cùng chiến đấu vì chiều cao của đứa trẻ sinh năm 2000.

Tất cả các bà mẹ có con sinh ra ở thời điểm này đều biết cách nuôi con bằng kiến thức Google, không tiếc công sức mua dụng cụ xà đơn di động, tham gia các lớp tập bơi, bổ sung vitamin tổng hợp.

Mở đầu câu chuyện của các ông bố bà mẹ về con cái, không hiếm gặp những câu hỏi như "Cháu nhà chị cao mét mấy rồi? Cháu nhà em đã lên trên mét bảy rồi đó", và tiếp theo là những lời thán phục, hỏi thăm kinh nghiệm, bí quyết.

Tuy vậy, không phải nhà nào cũng đạt được ước vọng. Thế hệ năm 2000 có tròn được sứ mạng, đem lại một điều gì đặc biệt cho sự phát triển về thể chất người Việt trong tương lai không? Câu trả lời là chưa chắc. Đó là câu trả lời rất dễ, và bất cứ phụ huynh nào trải nghiệm rồi cũng biết.

Bởi vì nó liên quan chặt chẽ đến vấn đề học tập. Hàng triệu đứa trẻ vừa qua khỏi chương trình tiểu học, còn đang lơ ngơ, bước vào năm đầu tiên của chương trình THCS đã phải làm quen với những cụm từ cực kỳ khó hiểu của môn văn. Thay vì được hướng dẫn đọc sách văn học, chúng bắt buộc phải dùng những cụm từ "nghiên cứu văn bản", phải đánh giá giá trị nghệ thuật của văn bản của nhà văn.

Mới lớp 7 đã "gân cổ" học thơ cổ Hán - Nôm. Môn toán đến phụ huynh cũng sợ. Chỉ trong vòng 9 tháng, chương trình toán lớp 7 nhồi nhét cho học trò không biết bao nhiêu khái niệm mới, với kỳ vọng huấn luyện phát triển tư duy. Để đạt kết quả mỹ mãn cho bài kiểm tra, phụ huynh đành lựa chọn con đường cho con học thêm.

Và một cuộc sống phản khoa học về rèn luyện thể chất, tinh thần ụp xuống cuộc sống đứa trẻ chớm bước vào lứa tuổi tiền dậy thì hoặc dậy thì, từ 11 - 15 tuổi. Mỗi ngày học sinh thành thị phải học từ 10 - 12 tiếng, học thêm vào những giờ rất kỳ quặc, như từ 5 giờ 30 chiều đến 9 giờ mới ăn bữa tối.

Và sau đó đứa trẻ tiếp tục thức khuya để hoàn thành nốt bài vở ở trường. Với lối sống đó thì dù có được ăn uống bổ dưỡng, những đứa trẻ sinh năm 2000 cũng khó lòng đáp ứng được kỳ vọng thay đổi về chiều cao. Sự phát triển thể chất tuổi dậy thì đòi hỏi rèn luyện thể thao, ăn nhiều chất đạm và đi ngủ sớm.

Nhưng cuộc chiến đấu với học đường đã đi ngược lại tất cả. Những bữa cơm đạm bạc ở trường bán trú, những buổi học khuya và học nhồi nhét chắc chắn để lại một thế hệ người Việt tiếp tục nhỏ bé trong tương lai.

Học thêm một cách phản khoa học , đến giờ này có thể được nêu đích danh là một trong những thủ phạm chính làm cho người Việt không cao lớn nổi sau mấy thế hệ đời sống vật chất được cải thiện. Mỗi phụ huynh hãy giúp con thay đổi đúng hướng cuộc sống ở lứa tuổi dậy thì bậc THCS, vì trước mắt ngành giáo dục chưa đảm đương nổi nhiệm vụ ấy.

Khải Ly (theo DNSG)