-Công tác thanh tra chưa được coi trọng đúng mức như đánh giá của TƯ hay đang bị buông lỏng, tùy tiện?

LTS:
Xung quanh kết luận của Thanh tra Bộ GD& ĐT về văn bằng của một số vị trong ban lãnh đạo Trường ĐH Chu Văn An, mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết trao đổi về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải dưới đây.

Cuối năm vừa rồi, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1147/KL-TTr, kết luận vụ một số cổ đông Đại học Chu Văn An tố cáo ban lãnh đạo trường này sử dụng văn bằng không hợp chuẩn và mạo nhận học vị.  Kết luận đăng tải công khai.

Tìm hiểu kỹ các nội dung trong  kết luận của thanh tra Bộ GD& ĐT có thể thấy một số vấn đề cần được bàn luận trên tinh thần công bằng, minh bạch, tôn trọng pháp luật, góp phần bảo vệ chủ trương xã hội hóa GD.

{keywords}
Ảnh minh họa
Có mấy vấn đề trong kết luận thanh tra cần phải đặt câu hỏi:

a. Theo thông lệ ngoại giao quốc tế, không có chuyện sứ quán nước ngoài bỏ qua không trả lời công hàm của nước sở tại. Tại sao Thanh tra Bộ không tham khảo ý kiến của Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD&ĐT, nhất là không có tác động để Sứ quán LB Nga trả lời sớm.

b. Tại sao Thanh tra Bộ không yêu cầu ông Dương Phan Cường làm thủ tục công nhận văn bằng  do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT?

c. Tại sao kết luận thanh tra không có ý kiến của Cục KT&KĐCLGD về tính hợp chuẩn của bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường như trường hợp ông Ngô Thế Trường?

d. Điều đặc biệt nghiêm trọng mà Thanh tra Bộ GD&ĐT cố tình bỏ qua là: Ông Dương Phan Cường làm nghiên cứu sinh theo hình thức từ xa trong thời gian 18 tháng, bảo vệ luận án tại Việt Nam (như đã nêu trong kết luận 1147), vậy tại sao Thanh tra lại phớt lờ Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của chính Bộ GD&ĐT? Khoản 02 điều 03 QĐ77 quy định:

“Văn bằng do cơ sở GD nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình GD từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng GD công nhận và được Bộ GD& ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.

Rõ ràng là bằng tiến sĩ của ông Cường do MMC cấp tuy là bằng “thật” (như của ông Ngô Thế Trường) nhưng lại được đào tạo “chui” tại Việt Nam, không xin phép và không được phép của Bộ GD&ĐT. Do vậy bằng tiến sĩ này không được công nhận trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

Nếu Thanh tra Bộ “quên” QĐ77 thì xin nhắc lại ý kiến của Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Hiện tại Bộ chỉ mới cho phép cho Hội khuyến học đào tạo từ xa liên kết với trường nước ngoài. Nhưng đây mới chỉ là thí điểm và được kiểm soát rất chặt chẽ. Bằng cấp của chương trình đào tạo từ xa bắt buộc phải do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xem xét, sau đó Bộ cho phép đào tạo. Khi đó, bằng cấp đó mới có giá trị sử dụng tại Việt Nam” (Thanhnien.com.vn, ngày 27/8/2012).

Kết luận của Thanh tra Bộ GD& ĐT hoàn toàn trái với QĐ77 do nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long ký. Nó cũng hoàn toàn trái với chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Xin hỏi Thanh tra Bộ GD&ĐT, một bằng tiến sĩ sử dụng tại Việt Nam nhưng không được pháp luật Việt Nam công nhận, nếu không gọi là bằng “rởm” thì phải gọi nó là bằng gì?

Về vấn đề văn bằng của ông Trần Anh Tuấn

Kết luận thanh tra cho rằng: “Theo điều 46, khoản 4 Luật số 111/1998Sb. về các trường ĐH và về sửa đổi bổ sung các điều luật khác thì học vị “kỹ sư” viết tắt là “Ing.” được phong cho những người tốt nghiệp khóa đào tạo trong chương trình đào tạo thạc sĩ”.

Ông Trần Anh Tuấn tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Czech tại Praha, khoa Cơ khí, được công nhận học vị kỹ sư, chuyên ngành máy móc và thiết bị cho sản xuất cơ khí năm 1986. Vì vậy theo quy định của pháp luật Cộng hòa Czech, ông Trần Anh Tuấn được công nhận là thạc sĩ”…. Vì vậy việc tố cáo ông Tuấn “mạo nhận” học vị thạc sĩ là không đúng”.

Sau khi tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc, năm 1998 Cộng hòa Sec (Czech) ban hành Luật về các trường đại học (Zákon o vysokých školách  - zákon č. 111/1998 Sb.).

Nếu căn cứ vào các khoản 2, 3, 4 điều 46 của luật này, sẽ thấy tại thời điểm ông Trần Anh Tuấn học tập, nước Tiệp chưa có chương trình đào tạo thạc sĩ, nghĩa là ông Trần Anh Tuấn chưa theo học chương trình này, ông Trần Anh Tuấn cũng không bảo vệ luận án mà chỉ thi tốt nghiệp 04 môn (Chủ nghĩa Mac-Lenin, Cơ học, Cơ khí hóa và tự động hóa các máy móc sản xuất, Cơ sở kết cấu máy móc sản xuất).

Do vậy học vị “Ing.” mà ông  được cấp chỉ là sự trùng hợp về mặt “ký tự” với học vị “Ing.” theo luật č. 111/1998 Sb. Về bản chất ông Trần Anh Tuấn vẫn chỉ là kỹ sư chứ không phải là thạc sĩ. Tại ĐHNN Hà Nội nhiều người tốt nghiệp cùng khóa với ông Trần Anh Tuấn sau khi về nước đã học cao học và bảo vệ luận án thạc sĩ trong nước.

Tại trang 05 kết luận 1147, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục KT&KĐCLGD) cho rằng: Văn bằng “kỹ sư” viết tắt là “Ing.” được công nhận là thạc sĩ. Tuy nhiên giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc chưa ký hiệp định tương đương về văn bằng nên chưa có cơ sở xem xét công nhận văn bằng này”.

Có thể thấy Thanh tra Bộ GD&ĐT không những không quan tâm đến ý kiến của Cục KT&KĐCLGD mà còn tùy tiện giải thích luật pháp của Cộng hòa Sec khi cho rằng “việc tố cáo ông Trần Anh Tuấn “mạo nhận” học vị thạc sĩ là không đúng”.

Trường hợp của ông Trần Anh Tuấn cũng giống như những người có bằng “cử nhân” (cao đẳng) tại Việt Nam. Không phải cứ có bằng “cử nhân” là cho rằng mình có trình độ ĐH và đòi hỏi quyền lợi như những người tốt nghiệp ĐH.

Từ kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT có thể thấy:

a)    Thanh tra Bộ đã cố tình bỏ qua quy trình thẩm định văn bằng của người Việt do cơ sở GD nước ngoài cấp.

b)    Cố tình bỏ qua các quy định về đào tạo từ xa trình độ tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT ban hành.

c)    Đưa ra các kết luận “mập mờ” bằng cách giải thích sai luật pháp nước ngoài.

d)    Không công bằng trong việc kết luận bằng tiến sĩ của ông Ngô Thế Trường và ông Dương Phan Cường.

Công tác thanh tra chưa được coi trọng đúng mức như đánh giá của TƯ hay đang bị buông lỏng để Thanh tra Bộ GD& ĐT tùy tiện làm theo ý mình? Nếu Thanh tra Bộ còn coi thường các văn bản quy phạm pháp luật do chính Bộ ban hành (QĐ77) thì  sự coi thường pháp luật ở cấp dưới sẽ càng có cơ hội phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ý kiến: ‘Nếu muốn có một khâu đột phá thì cùng với đổi mới thi cử trước hết phải đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT”.

Qua các phân tích trên đây hy vọng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bùi Văn Ga xem xét, kiểm tra lại kết luận của Thanh tra Bộ. Cần phải cho thanh tra chính cơ quan thanh tra của Bộ để đảm bảo các kết luận thanh tra thực sự công tâm, đúng pháp luật, để cán bộ, giáo viên, sinh viên và người dân có thể đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ.

TS. Dương Xuân Thành