Hầu như người Việt cho đến giờ đều muốn cái Tết Việt duy trì, nhưng trong một phong cách mới, theo những phong tục mới, phù hợp với xu thế văn minh nhân loại của thời đại, mà không đánh mất bản sắc riêng dân tộc Việt.

Tết Nguyên Đán như một dịp để ôn lại, vực dậy, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa, phong tục, tập quán, lễ nghi  truyền thống mang tính tinh hoa, bản sắc dân tộc Việt. Nhưng hơn 10 năm nay, song song với những gì gọi là truyền thống được phục hồi thì cũng rất nhiều “văn hóa ngoại nhập” len lỏi vào cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Chưa kể những “biến tấu” ngay chính trong phong tục, tập quán truyền thống, đã tạo cho Tết Nguyên Đán nhiều sắc màu mới, phong phú, đa dạng và có vẻ hợp thời với xu hướng “hội nhập”, nhất là với giới trẻ.

Phải chăng cũng đã tới lúc “ông, bà” cũng cần hội nhập cùng con cháu, với hậu duệ của mình, để được “thưởng thức” của ngon vật lạ bốn phương và hòa hợp cùng con cháu?

Không chỉ là hàng Việt truyền thống

Nhìn vào những giỏ quà Tết mà các siêu thị, các khu chợ lớn ở nhiều tỉnh thành lớn trong khắp cả nước đang xếp và bày bán thì thấy rõ tỉ lệ hàng Việt và hàng ngoại nhập gần như 50-50. Ngoài các loại bánh mứt kẹo truyền thống “made in Vietnam” thì có khá nhiều chủng loại bánh mứt ngoại nhập cả Âu- Á- Mỹ được đứng cùng.

Và cũng như một công thức chung cả ba miền, các giỏ quà này tuyệt nhiên vắng mặt hẳn các loại bánh mứt truyền thống thường được bày mâm lễ Tết “ông, bà”. Toàn những loại bánh, mứt, trà, rượu, kẹo… đóng hộp và là hàng được sản xuất công nghiệp theo những công nghệ tiên tiến hiện đại.

Cứ thử nhìn những lễ vật sắm sanh để bày bàn thờ gia tiên ngày Tết, cũng thấy sự có mặt những vật phẩm “ngoại nhập” như rượu, bánh. Thậm chí trái cây cũng không “thuần Việt” mà có mặt cả táo, lê, nho, cam… ngoại. Rượu cúng cũng không còn là rượu đế, rượu nếp, hay rượu ngô, khoai, sắn, mà có thể là các chai rượu vang, rượu Vodka, rượu Whisky…

Ngay cả khi vào đình, đền, chùa, miếu thì vật phẩm cúng lễ cũng không “thuần Việt” như truyền thống, mà  khá nhiều “vật phẩm lạ” như bánh tây (biscuit, socola…), bia, nước ngọt (cocacola, Pepsi…).

Những món ăn trong mâm cỗ “ba ngày tết” cũng có những biến tấu vui mắt, không chỉ thịt mỡ, dưa hành, các loại giò, chả, măng, miến, gà, bánh chưng, bánh tét… truyền thống. Mà trên mâm còn có những món ăn mới mang phong cách ẩm thực “ngoại”, pha trộn giữa các món cổ truyền với món hiện tại, món “thuần Việt” với món có nguồn gốc Âu Tây…

Như trong một mẫu thực đơn 20 món ngon ngày Tết của một hãng thực phẩm Việt Nam nổi tiếng, thấy nào: Xôi cuộn giấy bạc, Bò thưng, Bắp bò ngâm nước mắm, Bắp bò trộn cần tây, Lạp xường kho tôm, Canh hoành thánh heo viên, Jambon xào bóng,Giò lụa cuộn tôm cháy tỏi, Ba chỉ xông khói cuộn xúc xích, Ragu bò, Cari gà…

Con cháu đã thay đổi ít nhiều thói quen khẩu vị của “ông, bà”, để tạo thêm màu sắc phong phú và hương vị bốn phương vào mâm cỗ “ba ngày Tết”, không chỉ là một cách đổi mới. Mà còn là một cách “hội nhập” giao hòa văn hóa ẩm thực, thêm nhiều mỹ vị nhân gian.… , chắc chắn “ông, bà” sẽ thích và hài lòng.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Việt

Phong tục cũng nhiều biến tấu

Trước hết là chuyện: “Xin chữ, cho chữ” ngày Tết, một phong tục do nhiều biến thiên thời cuộc, tưởng rằng mai một, thất truyền, thì gần 10 năm nay nó được vực dậy, khởi sắc, và trở thành một trong những hoạt động tâm điểm của các lễ hội truyền thống mùa xuân.

Nhưng “xin chữ, cho chữ” dù tiếp nối như một di sản phong tục văn hóa xưa, bây giờ đã như một dịch vụ, như một loại sản phẩm văn hóa đặc biệt. Không phải là “xin, cho” mà là “mua- bán” chữ, thậm chí còn có cả công nghệ hỗ trợ để có sản phẩm nhiều, hàng loạt, bày chữ  bán như bày hàng.

Người viết chữ, cũng không phải là các nhà nho đạo cao đức trọng, hay các thầy đồ hay chữ, các tú tài văn hay chữ đẹp, mà hiện tại còn có cả những “cô đồ @” tuổi 9x ngồi tại Văn Miếu viết chữ bán cho khách qua lại du xuân. Chưa kể còn có nhà sư viết chữ đêm giao thừa phát cho Phật tử như một kiểu rước lộc chùa đầu năm mới.

Phong tục đêm giao thừa hái lộc cũng đã được biến tấu một cách văn minh, văn hóa. Như ở TP.HCM nhiều năm nay không còn cảnh cứ sau đêm giao thừa, cây cối trơ trụi vì bị bẻ, tước, hái, vặt hết các lộc non, cành nhú.

Mà các chùa chiền, các nơi tổ chức lễ mừng xuân đều bày rất nhiều cành phát tài (thiết mộc lan) để mọi người mang về nhà và tùy hỉ như cách lì xì lấy “hên”, tạo thành một phong tục đẹp đầu năm.

Thậm chí ở TP.HCM và một số tỉnh thành lớn, Tết Nguyên đán do được nghỉ nhiều ngày, đã là một dịp nghỉ ngơi, thư giãn, đi du lịch xa. Vì thế mùa Tết Nguyên đán là mùa “làm ăn” thịnh nhất của các công ty du lịch.

Vậy thì việc “ba ngày Tết” bây giờ không còn đặt nặng chuyện “Tết Cha, Tết Mẹ, Tết Thầy” mà trở thành một dịp nghỉ ngơi, du lịch, du xuân vui vẻ.

Ở Hà Nội, nơi mang truyền thống ngàn năm kinh thành Thăng Long, là nơi giữ gìn nhiều nhất những phong tục, tập quán, lễ tiết, cách thức Tết Nguyên đán xưa, nhưng mấy năm gần đây, cũng gia giảm khá nhiều những gì không phù hợp với nếp sống văn minh hiện đại.

Người Hà Nội cũng đã có xu hướng đi du lịch xa “ba ngày Tết”, vừa là du xuân xứ người để nâng tầm hiểu biết, vừa như chuyến xuất hành đầu năm phương xa lấy “khước” cho công chuyện làm ăn năm mới vươn xa, mở rộng..

Hội nhập cùng con cháu, tại sao không?

Đã có nhiều ý kiến kiến kết hợp Tết dương lịch- Tết âm lịch vào làm một như một số quốc gia châu Á đã thực hiện, Tết âm lịch chỉ như một ngày lễ mang tính di sản truyền thống, vì thời gian nghỉ kéo dài, vì sự lãng phí vật chất, thời gian, sức người vào cả tuần Tết, chứ không chỉ “ba ngày Tết” là ngược với xu thế “hội nhập”, “toàn câu hóa”, văm minh thời @...

Nhưng cũng rất nhiều ý kiến cho rằng Tết Nguyên đán không thể bỏ được, vì nó là một dịp “ôn cố, tri tân”, là một dịp để sum họp gia đình để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà…, một dịp để gìn giữ các tập quán, di sản văn hóa truyền thống, để không bị lãng quên, mai một….

Có điều đáng chú ý, hầu như người Việt cho đến giờ đều muốn cái Tết Việt duy trì, nhưng trong một phong cách mới, theo những phong tục mới, phù hợp với xu thế văn minh nhân loại của thời đại, mà không đánh mất bản sắc riêng dân tộc Việt.

Và Tết Việt còn là một cách giới thiệu một Việt Nam, đất nước, con người đến bè bạn năm châu, bốn bể, như một cách giao lưu văn hóa, một kiểu đối thoại với các nền văn minh khác.

Không rình rang những “hủ tục” gây lãng phí, không câu nệ những phép tắc vô lý và lạc hậu, không khuyến khích những phong tục mang màu sắc mê tín dị đoan, không cổ vũ cho những kiểu “du xuân” gây hao tốn sức người, sức của và thiếu văn hóa…. Biến “ba ngày Tết” và cả tuần lễ Tết như một khoảng thời gian đẹp của năm mới với những điều thiết thực với bản thân, với cộng đồng, xã hội.

Hoài Hương