Với cái “chỉ số nụ cười” ngắn ngủi ngây ngất kia, chỉ sợ một ngày không xa nào đấy, người dân sẽ nhìn nhận Táo quân và Ngọc Hoàng khác đi.

Cuối năm nay tuyết rơi trắng xóa khắp Sa Pa. Đây là một hiện tượng thiên nhiên rất đẹp, hiếm thấy ở xứ sở nhiệt đới này, vì thế đã có những dòng người háo hức nô nức từ khắp mọi nơi trong cả nước kéo lên thị trấn nhỏ bé hẻo lánh để tận hưởng cho được cái không khí khung cảnh kỳ diệu lý thú. Không những tận hưởng, có người còn mong ước tuyết rơi dày thêm, lâu hơn để mà thỏa chí du sơn thưởng ngoạn. Những mong ước ấy rất thật và hoàn toàn chính đáng, đó là quyền và hạnh phúc của mỗi một con người.

Nghịch lý của hạnh phúc

Thế nhưng rồi, cái nghèo, cái khốn khó thường nhật vẫn âm ỉ trong mỗi số phận con người cộng hưởng với cái rét thấu xương buốt thịt của ngoại cảnh “tuyết rơi” được đưa ra, như tạt một “gáo nước lạnh” vào điều cầu xin trong sáng kia, tạo nên một diễn đàn tranh luận “bốc khói” trên không gian mạng. Chia sẻ và đồng cảm với khó khăn, với những cảnh đời bất hạnh cũng là những tình cảm rất thật và hoàn toàn chính đáng.

Cái lạnh, cái khắc nghiệt của thời tiết dưới 0 độ C khó có thể là người bạn đồng hành với sự mỏng manh “thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu trường lớp, thiếu sách vở” của đồng bào miền sơn cước, với đàn trâu đàn bò, với những ruộng hoa màu đang chờ gặt hái… Có gì hạnh phúc hơn khi ai cũng biết quan tâm san sẻ “lá lành đùm lá rách” với những người xung quanh ta? Vậy là tranh luận được nổ ra…

Tranh luận trao đổi là quyền của mỗi công dân. Một xã hội đa ngôn, thông tin đa chiều là một xã hội phát triển. Nhưng mức độ “hòa bình” của những ý kiến khác biệt tùy thuộc vào khả năng biết kìm chế, giữ được giới hạn chừng mực của mỗi thành viên. Mọi sự thái quá cực đoan quy chụp dù là vô tình hay cố tình đều dẫn đến sự “tổn thương” không đáng có từ mọi phía. Và đó cũng chính là nghịch lý của phản biện, nghịch lý của hạnh phúc, nghịch lý đó tồn tại khắp nơi trong cuộc sống, trong chính riêng bản thân mỗi con người.

{keywords}

Đêm ba mươi, mọi người được thưởng thức “bữa tiệc cười” hay nhất của năm - “Gặp nhau cuối năm”. Ảnh: Mạnh Thắng

Từ câu chuyện “tuyết rơi” nho nhỏ kia, chúng ta bàn đến chỉ số hạnh phúc của dân tộc. Một dân tộc luôn có “chỉ số hạnh phúc” vào tốp đầu của thế giới. Đó là một khảo sát đánh giá khách quan từ nhãn quan “phồn thực, phồn thịnh” của truyền thông phương Tây, một thứ tự xếp hạng rất đáng tự hào, rất có lợi cho việc quảng bá thương hiệu Việt Nam.

Chỉ số này được hân hoan đón nhận, mơ mộng ngợi ca. Ai cũng biết rằng lạc quan tếu hoặc bi quan tếu đều là những biểu hiện thái quá không có lợi, nhiều lúc chỉ tập trung nhớ lâu nhớ dai những chỉ số “có lợi” mà quên mất đi những chỉ số “không có lợi” là một điều không công bằng.

Truyền thông phương Tây làm thống kê đủ mọi mặt xã hội, có cái nó khen ngợi nước mình nhưng có cái nó chê nước mình, cũng cần nhìn nhận những mặt hạn chế mà tiếp thu, cầu thị, gạn đục khơi trong mà tiến bộ.

Hạnh phúc vốn khác nhau

Dù có lạc quan hay mơ mộng bao nhiêu thì cũng phải thừa nhận rằng nước ta vẫn còn nghèo, cơ chế chính sách vẫn còn quá nhiều bất cập và tài nguyên đất đai khoáng sản thì khó có thể sinh sôi nảy nở thêm ra. Cái mộng ước của tiền nhân là “sánh vai các cường quốc năm châu” vẫn là con đường dài và rất dài nếu nhìn nhận từ hiện thực, hiện trạng đất nước hôm nay.

Không dám xa vời với những đòi hỏi tất cả người già đều có lương hưu, tất cả người thất nghiệp đều có trợ cấp, thực tế thì ngay cả những người đóng bảo hiểm y tế đều đặn thường xuyên vẫn còn đó những nỗi lo khi không may ốm đau phải nhập viện- nhiều lúc vẫn bị xem là “người nghèo”.

Hãy khách quan làm một người quan sát tích cực, hàng ngày chúng ta ra đường có bao nhiêu trẻ em, người già, người tàn tật… đang phải đầu tắt mặt tối mưu sinh kiếm ăn từng bữa. Tự mỗi một người hãy làm một con số thống kê, những “cảnh đời” ấy đã tồn tại từ khi nào và cho đến hôm nay nó có chiều hướng tăng thêm hay giảm xuống. Song song với sự phù phiếm vật chất của ánh đèn phố hội là sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức và lắm lúc, người ta còn chấp nhận thỏa hiệp với “tiêu cực” để được việc cho chính bản thân mình.

Internet và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trang bị cho chúng ta một “bữa tiệc truyền thông” hoành tráng và những tranh luận đa chiều “nóng hổi” kịp thời về mọi mặt đang diễn biến trong xã hội. Thế nhưng, bản tin nào được truyền thông ưu ái nhất, bản tin nào được dư luận chăm chú nhất và chúng ta thực sự được “chém gió” những vấn đề gì.

Chiếc ghế nhà trường cho ta nhiều cách thức và nhiều chủ thuyết để tranh luận, để làm sáng tỏ bất cứ một vấn đề nào. Thế nhưng, cái dư luận khủng khiếp kia nhiều khi lại trút lên đầu những số phận mà một nhân vật nổi tiếng đã được đúc tượng, vẽ tranh, lên phim ảnh từng than thở- “ai cho tôi lương thiện?”

Cái nghèo của hiện tượng “tuyết rơi” nói trên rất dễ lay động lòng người, nhưng rồi để nhìn nhận “cái nghèo” lớn lao của một đất nước thì thật không dễ, nhất là những người lắng nghe lại bị cái bệnh “lạc quan tếu”. Chỉ mong rằng cái chỉ số hạnh phúc đáng tự hào kia bắt nhịp được cùng với các “chỉ số tiến bộ” khác để mà đất nước mau được thịnh vượng khải hoàn.

Nền kinh tế trì trệ mấy năm nay không cản được dòng người tất bật đổ ra đường chuẩn bị cho cái Tết Giáp Ngọ sắp đến. Mùa xuân lại về, trăm hoa lại đua nở. Đêm ba mươi bên tách trà, chậu bông chờ đón thời khắc thiêng liêng giao thừa, mọi người được thưởng thức “bữa tiệc cười” hay nhất của năm. “Gặp nhau cuối năm” là một chương trình truyền hình ra đời đã hơn mười năm, năm nào các Táo tầm vĩ mô cũng về trời báo cáo và năm nào Ngọc Hoàng cũng đưa ra thông điệp của năm.

Từ xa xưa, dân ta đã thờ Táo quân trong nhà và luôn tin rằng Ngọc Hoàng sáng suốt biết phải làm gì cho dân bớt khổ, bớt khó khăn. Nhưng rồi, với cái “chỉ số nụ cười” ngắn ngủi ngây ngất kia, người dân lại tiếp tục muối mặt với một năm mới mà giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế, xăng, điện… vẫn còn đấy, những bất cập giống y chang những năm trước đây. Chỉ sợ một ngày không xa nào đấy, người dân sẽ nhìn nhận Táo quân và Ngọc Hoàng khác đi, có khi họ quan niệm rằng những nhân vật ấy chỉ giỏi đóng hài thì cũng chẳng phải ngạc nhiên lắm đâu.

Hạnh phúc của mỗi người khác nhau, hạnh phúc của mỗi dân tộc cũng khác nhau, và đôi khi nó rất phiến diện khi được những anh nhà giàu khen ngợi.

Nguyễn Phước Minh